Chăm mai đã khó
Anh Nguyễn Trọng Vũ, sinh năm 19, có cơ sở chăm sóc mai tại thôn 3, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum là người chăm sóc mai có tiếng của tỉnh Kon Tum. Mỗi chậu mai anh lấy công chăm sóc cả năm từ 500.000 – 1.000.000 đồng, có cặp mai quý công chăm sóc cả chục triệu đồng. Tuy nhiên, nếu chẳng may chậu mai của khách năm ấy bị chết hay không nở hoa, bung hoa sớm thì anh Vũ cũng chẳng nỡ lấy tiền chăm sóc của chủ cây.
Chăm sóc mai, đào - nghề làm dâu chăm họ. |
Khách đến ký gửi mai cũng có nhiều thành phần: người chơi bonsai, người chỉ chơi hoa, người sành mai hay cả những người mới biết chơi mai lần đầu nên khi cây khách gửi có vấn đề về sức khỏe, ví như năm đó mai già cỗi chết đi, nếu là người sành chơi, am hiểu kỹ thuật chăm sóc, bonsai thì còn dễ thông cảm, chứ gặp những người mới biết chơi hay những người khó tính thì giải thích thế nào họ cũng không hiểu và bắt đền chậu mai mới. Vợ anh nhiều lần thấy khách vào la lối om sòm cả nhà bắt đền mai thì tự ái bảo chồng bỏ nghề nhưng anh Vũ vẫn kiên quyết theo đuổi nghề vì đam mê với mai là vô tận.
Dạo quanh vườn mai mà anh Vũ mới cảm nhận được hết không khí rạo rực của mùa xuân đang đến gần. Hiện tại, vườn mai nhà anh lưu giữ hơn 200 gốc mai ghép của khách ký gửi và 50 chậu mai anh nhập về bán với các thế mai lùm, mai chà, mai tán thu hút ánh nhìn. Phải từ ngày 23 tháng Chạp trở đi khách mới đến mang hoa về chưng Tết nên hiện tại vườn nhà anh ngập tràn sắc lộc vàng xanh của những đóa mai chúm chím.
Năm nay thời tiết Kon Tum khá thuận lợi nên việc chăm sóc mai cũng đỡ vất vả hơn. Mai là loài cây khó chăm để có thể hoa trúng 3 ngày Tết vì mai chỉ nở được vài ba ngày là rụng cánh, nên để chăm và canh cho mai nở đúng Tết là cả một nghệ thuật của người chăm sóc. Chăm mai như giữ trẻ, vì mai nhanh tàn nên từ khâu vặt lá, thay chậu, tạo thế, phun thuốc sâu đều phải cực kỳ tỉ mỉ, công phu. Gần Tết, nếu thấy khí hậu đổ lạnh thì phải đem mai phơi nắng cả ngày, tối đến chong điện để mai bung nụ, còn nếu thời tiết nắng gắt thì phải đưa mai vào chỗ râm mát, rồi ướp đá lạnh quanh gốc để hãm không cho bung hoa sớm. Tâm lý người chăm hoa lúc gần Tết hồi hộp như bác sỹ vào phòng mổ, bởi cây đẹp xấu ra sao thì trách nhiệm đổ hết lên mình, khách vì thế mà khen chê đủ kiểu.
Nhìn những nụ mai đang e ấp, chuẩn bị bung cánh đón xuân, anh Vũ phấn khởi cho biết: Nghề chăm mai là nghề làm dâu trăm họ. Năm nào thời tiết thuận lợi thì hoa đẹp, cây khỏe, năm nào thời tiết xấu hoa không được như ý, khách đến la rầy mình cũng buồn chứ vì công mình chăm sóc cả năm mà. Nhưng năm nay thì ổn rồi, đến thời điểm này thì nói chung là “trúng” vì cây cho búp đều, lộc đẹp. Chủ cây đến thăm đều ưng ý làm mình cũng thấy rất phấn khởi.
Anh Phạm Hồng Sơn, cán bộ hưu trí, nhà ở 92 Lê Lai, thành phố Kon Tum, khách thường gửi mai tại nhà anh Vũ cho biết: “Tôi chơi mai cả chục năm nay, trước tôi tự chăm sóc, có năm thì có mai chơi, có năm cả 4 gốc mai cây thì nở sớm, cây thì qua tháng 2 mới cho nụ. May mắn được biết anh Vũ qua một người bạn, từ đó năm nào tôi cũng gửi mai cho anh Vũ chăm và năm nào cũng có mai chơi đúng độ Tết. Anh Vũ chăm mai rất có tâm, nhiều kinh nghiệm và đúng kỹ thuật nên khách rất đông.
Chăm đào còn vất vả hơn
Đào là loài hoa tượng trưng mùa xuân nơi xứ Bắc nhưng thời gian gần đây thú chơi đào đang dần trở thành thói quen của người dân Kon Tum. Để kiếm được một cành đào như ý chơi Tết là cả một vấn đề, không phải năm nào cũng có đào đẹp để mua nên khách hàng thường chọn cho mình những chậu đào có thế đẹp, hoa tươi, mua một lần rồi gửi người chăm sóc, sang năm chơi tiếp. Vì thế mà nghề chăm sóc hoa đào tại Kon Tum cũng là nghề đắt khách. Tuy nhiên, để lấy được tiền của khách ký gửi, người chăm sóc đào cũng vất vả cả năm, chăm cây như chăm con mọn bởi giống đào có xuất xứ ở phía Bắc nên đỏng đảnh, khó chăm sóc. Lạ nước, lạ đất, lạ khí hậu… làm cho công chăm sóc đào ở Kon Tum vất vả hơn rất nhiều. Nhưng bù lại, đào chơi được lâu nên có thể bung cánh trước Tết vài ngày cũng chẳng sao vì cành đào nở được hơn nửa tháng chứ không nhanh tàn như mai.
Mặc dù đào mới du nhập đất Tây Nguyên vài năm trở lại đây nhưng khách chơi đào tại Kon Tum cũng khá đông nên gia đình anh Tam, làm nghề chăm sóc đào, tại 108 Lạc Long Quân, thành phố Kon Tum (Kon Tum) luôn tất bật vào chậu 250 gốc đào khách ký gửi để khách đến rinh về chưng Tết. Đào anh Tam nhận chăm sóc chủ yếu là đào bích, đào phai, đào thất thốn với các thế quen thuộc như long thăng, long giáng, ngũ phúc, trực đổ…, giá công chăm sóc cả năm từ 500.000đ – 1.000.000đồng/cây.
Cũng như mai, đào cũng là một loài hoa khó chăm để nở đúng độ Tết nên việc khách đến thấy đào không đẹp thì tỏ ý trách móc, có khách còn bỏ hẳn đào lại nhà anh Tam không thèm gửi tiền chăm sóc cây năm ấy, qua năm sau quay lại, cây đẹp thì bưng về chưng như chưa xảy ra việc gì. Vì lòng yêu nghề, mê hoa nên anh Tam nhiều lần dở khóc dở cười với cảnh chủ cây đến quát tháo vì khách gửi cả 4 gốc đào năm ấy, lũ lụt thối gốc mất trắng cả vườn. Cũng có nhiều khách thấy hoa nở đẹp quá thì tặng thêm cho anh Tam vài trăm nghìn gọi là tiền thưởng công chăm sóc.
Vui, buồn cùng nghề với những kỷ niệm khi thức cả đêm ngồi nhâm nhi ly trà cùng khách ngắm đào, bàn luận thế đào đẹp không biết chán nhưng cũng không thiếu những khách hàng vì không được như ý mà buông những câu nặng lời. Vì thế mà anh Tam phải yêu nghề, kiên trì lắm mới giữ được nghề gần hai chục năm nay.
Chị Lê Thị Thúy Diễm, người chơi đào lâu năm tại thành phố Kon Tum cho biết: Chăm sóc đào khó lắm, nhất là với khí hậu thất thường của Kon Tum. Tôi quý anh Tam vì nhìn đào là tôi biết anh ấy tâm huyết và đam mê như thế nào để có thể cho ra những cành đào đẹp như thế. Ở Kon Tum, ngoài gia đình anh Tam ra chẳng tìm đâu ra ai chăm sóc đào tốt hơn.
Nghề chăm sóc mai, đào ví như làm dâu trăm họ bởi chín người mười ý nhưng với những người làm nghề, chính việc chiều khách lại là thước đo thành công của họ. Chiều được khách khó mới chứng tỏ được kỹ năng chăm cây tốt thế nào. Niềm vui của người làm nghề này chính là việc mang sắc hoa đến với mọi nhà trong ngày Tết dẫu rằng họ phải vất vả chăm sóc cả năm để cho khách chỉ chơi được trong vài ngày.