Chàng rể của buôn làng
Buôn B’Nớr C những ngày cuối năm. Mùa này, cà phê đã thu hoạch xong. Một vụ rẫy nữa đi qua để nhường chỗ cho niềm hân hoan đón Tết cổ truyền. Tết năm nay, chàng rể người Mỹ Joshua lại sum vầy cùng gia đình nhỏ và bà con trong buôn làng của người K’Ho Cill dưới chân núi Langbiang của huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Lũ làng ở đây đã quen, với hình ảnh chàng trai người Mỹ cao to với đôi mắt xanh sâu thẳm như đại ngàn hàng ngày băng rừng lên rẫy, chăm chỉ lao động như người bản xứ. Gắn bó với miền cao nguyên này ngót nghét 5 năm, khi được hỏi vì sao chọn ở lại Langbiang mà không trở về quê nhà, bằng giọng tiếng Việt trọ trẹ, Joshua trả lời: Tất cả vì cô ấy - vì Rolan!
Chàng trai người Mỹ tự tay hái chọn những quả cà phê Arabica chín đỏ tại vùng đất Lang Biang. |
Cuộc đời lang bạt. Năm 2008 Joshua rời nước Mỹ, bắt đầu làm việc cho một công ty ở Campuchia chuyên tổ chức các tour du lịch cho khách nước ngoài. Những chuyến công tác kéo dài ở nhiều nơi khác nhau trong đó có cả Việt Nam. Đôi chân của Joshua in dấu khắp nơi, từ xứ biển Nha Trang, Đà Nẵng đến phố cổ Hội An hay thành phố sôi động bậc nhất là TP. Hồ Chí Minh. Rồi một ngày, chàng trai Mỹ đặt chân tới thành phố hoa Đà Lạt - Lâm Đồng. Tại đây Joshua lần đầu tiên gặp Cơ Liêng Rolan - khi ấy đang là nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng tại khu du lịch Đồi Mộng Mơ. Ngoài tuổi đôi mươi, cô sơn nữ Rolan kiêu hãnh như chú nai rừng. Gặp rồi mê tiếng đàn T’Rưng, say đắm nét duyên dáng của người con gái K’Ho. Joshua thiệt thà: “Tôi yêu cô ấy hồi nào không hay, thế rồi chọn ở lại luôn và làm đám cưới. Tôi thành chàng rể của người K’Ho”.
Cao nguyên này cách quê nhà nửa vòng trái đất, hỏi Joshua có thấy buồn không. Anh nói như đinh đóng cột, không đâu, mình ở đây vui mà, các anh chị em trong gia đình mình cũng đi làm việc khắp nơi trên thế giới. Ở đây Joshua có gia đình, có tổ ấm của mình. Thật vậy, ngôi nhà gỗ xinh xắn của Joshua và Rolan nằm giữa vườn cà phê, vươn vai hướng về phía núi Langbiang.
Joshua phơi nhân cà phê theo phương pháp thủ công nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất cho sản phẩm. |
Ngôi nhà gỗ do chàng rể Mỹ tự thiết kế. Rồi hai vợ chồng cùng bà con buôn làng mua gỗ về làm nhà. Trong căn nhà ấy hàng ngày đầy ắp tiếng nô đùa của chàng “hoàng tử” Henry Guikema Cơ Liêng - kết quả của mối tình chàng trai Mỹ và cô sơn nữ Rolan. “Ngôi nhà này cũng là nơi gia đình mình đón khách, quảng cáo sản phẩm cà phê K’Ho mà hai vợ chồng gây dựng thương hiệu” - chàng rể người Mỹ mở đầu một câu chuyện khác, câu chuyện về sản phẩm cà phê sạch của người dân tộc K’Ho giữa đại ngàn.
Cà phê của người K’Ho
Vùng Langbiang này, cà phê Arabica là đặc sản. Vốn yêu thích hương vị của loại thức uống mạnh mẽ cộng với kiến thức tích lũy khi còn là sinh viên ngành nông nghiệp, chàng trai người Mỹ đã nung nấu tạo một thương hiệu cà phê chất lượng cao xuất xứ từ vùng đất này. Được sự trợ giúp đắc lực của người vợ Rolan từng sinh ra và lớn lên cùng cây cỏ đại ngàn, cả hai nhanh chóng triển khai kế hoạch xây dựng thương hiệu sản phẩm cà phê mang tên “K’Ho Coffee”. Rolan giải thích: “Mình là người con ở đây, chứng kiến cách người dân trồng cà phê từ lâu nên mình muốn giúp đỡ mọi người khẳng định thương hiệu cà phê của địa phương, xây dựng sản phẩm đặc trưng riêng cho người K’Ho”.
Nghĩ và làm. Khi triển khai, tiêu chí hàng đầu của Joshua - Rolan là cà phê phải trồng theo phương pháp hữu cơ, không sử dụng chất hóa học. Do đó, từ quy trình trồng đến sơ chế, thành phẩm phải làm thủ công hoàn toàn, tuân thủ quy định nghiêm ngặt vấn đề đảm bảo an toàn cho sản phẩm. Vốn có kinh nghiệm trồng cà phê, hai vợ chồng Joshua và Rolan cứ miệt mài hướng dẫn quy trình trồng cà phê sạch như con ong chăm chỉ tìm mật giữa rừng. Họ hướng dẫn bà con cách trồng cà phê mà không sử dụng thuốc hóa học, chất kích thích, phân bón kém chất lượng… để đảm bảo theo chuẩn hữu cơ hoàn toàn. Đến mùa thu hoạch, cà phê được tuyển chọn kỹ càng với những quả chín đỏ mọng. Sau đó được đưa về nhà tách vỏ, ủ men, phơi nắng rồi đến công đoạn rang, xay cà phê, cho ra lò những mẻ thành phẩm nguyên chất, còn vương vấn cả hương vị cao nguyên nồng nàn.
Sau khi hoàn thành quy trình sản xuất, chế biến, họ lại tiếp tục tìm đầu ra cho sản phẩm K’Ho Coffee. Bằng kinh nghiệm tích lũy từ những chuyến đi “phượt” trước đây tại Việt Nam, những mối quan hệ với bạn bè người nước ngoài, Joshua chịu trách nhiệm liên kết thị trường, tìm đầu ra và tìm cửa hàng quảng bá sản phẩm. Ngay tại “ngôi nhà trên cao nguyên”, họ cũng phục vụ các đoàn tham quan vườn cà phê, giới thiệu công đoạn chế biến sản phẩm và dùng thử cà phê miễn phí. Joshua nói: “Hiện nay đã có 7 cửa hàng trong cả nước sử dụng sản phẩm cà phê của chúng tôi và làm kênh phân phối tiêu thụ. Trong đó Đà Lạt có hai cửa hàng, các thành phố lớn khác như Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh cũng có cửa hàng giới thiệu cà phê K’Ho”.
Hiện nay, ngoài diện tích cà phê của gia đình, Joshua - Rolan còn liên kết với các hộ trồng cà phê Arabica trong vùng với tổng diện tích 50 ha làm vùng nguyên liệu riêng. Nhờ tuân thủ quy trình chuẩn, cà phê tươi được mua lại với giá cao hơn thị trường giúp bà con tin tưởng, duy trì phương pháp trồng cà phê sạch. Tin mừng là K’Ho coffee đã có chỗ đứng. Nhiều đoàn khách du lịch, đoàn tham quan, cả khách tây lẫn khách ta, đã tìm đến ngôi nhà gỗ trên cao nguyên, trải nghiệm vườn cà phê giữa triền đồi, nếm thử một ngụm cà phê nguyên chất và phải thốt lên: Ngon thế ! Vị du khách người Nhật Bản Masanori Hatanaka không ngần ngại chia sẻ: “Tôi và sinh viên đã đến thăm vườn cà phê K’Ho của Josh. Chúng tôi rất ngưỡng mộ dự án của anh ấy với những vườn cà phê chất lượng tuyệt vời, chúc anh ấy và gia đình thành công”.
Ước mơ của chàng rể người Mỹ Joshua cùng người vợ Rolan chưa dừng lại. Họ sẽ tiếp tục xây dựng thương hiệu cà phê cho người K’Ho và phát triển rộng ra trên những vùng đất khác. Chuyện tình yêu tựa như huyền thoại đã nẩy mầm cho một hoạch định táo bạo của chàng trai người Mỹ và cô gái K’Ho. Chúc cho câu chuyện ấy có một cái kết viên mãn, như chuyện tình yêu thần thoại dưới chân ngọn núi Langbiang tình sử!