Chàng trai khuyết tật với doanh nghiệp xã hội

Sau cơn sốt cao khi 16 tháng tuổi, anh Phạm Quang Khoát (sinh năm 1989, tại Duy Tiên, Hà Nam) bị bại liệt hai chân. Sau chữa trị, Khoát chỉ hồi phục được một phần chân bên trái. Anh đã vượt qua mặc cảm của bản thân để vươn lên trong cuộc sống, đồng thời mở một công ty chuyên hỗ trợ, giúp đỡ những người khuyết tật và bất hạnh trong xã hội.


Nỗ lực gấp ba


Khoát có khuôn mặt thông minh và nụ cười rạng rỡ. Cơn sốt quái ác chỉ có thể cướp đi của anh một phần thân thể chứ không thể cướp đi của anh nghị lực sống.


Khoát kể lại: Sau 2 năm chữa trị tại BV Nhi Thụy Điển và BV Châm cứu TW, chân trái của Khoát được khắc phục nhưng vẫn còn khá yếu. Năm 2010, Khoát tiếp tục được chữa trị tại Viện Chỉnh hình - Phục hồi chức năng nhưng do thời gian dài, các khớp xương đã lỏng nên việc chữa trị không thành công. Từ đó đến nay, Khoát đều phải đi lại bằng nạng gỗ.


Anh Khoát (ngoài cùng bên trái) trong Ngày hội việc làm cho người khuyết tật do Thành đoàn Hà Nội tổ chức.


Khoát học cấp 1 và cấp 2 ở quê nhà Hà Nam. Hàng ngày đi học đều phải có người đưa đi đón về. Khi Khoát học lên cấp 3, do trường học ở quá xa nhà, không có người đưa đón nên gia đình quyết định chuyển anh vào trong Huế ở cùng họ hàng để học cho gần trường. “Từ nhà đến trường THPT Hai Bà Trưng khoảng 2 km. Trong 3 năm học, hàng ngày, anh họ đều phải đưa tôi đến trường”, Khoát kể lại.


Văn phòng công ty Happy Future


Những năm cấp 3 là khoảng thời gian khó khăn nhất với Khoát. Môi trường sống khác biệt, xa rời vòng tay chăm sóc của bố mẹ khiến anh khó khăn để thích nghi và hòa đồng. “Ban đầu, một phần vì nhút nhát, một phần vì tiếng Huế khó nghe nên tôi gần như bị cô lập. Một số bạn trong trường còn phân biệt đối xử với đứa bị liệt chân như tôi. Có những cuộc đi chơi lên núi hoặc ra biển, tôi cảm thấy rất tủi thân vì các bạn không rủ mình. Đôi lúc, những câu nói của các bạn khiến tôi cảm thấy bị xúc phạm. Để bù lại, tôi phải cố gắng gấp ba lần để học tập tốt tại môi trường mới”, Khoát nhớ lại.


Điều may mắn với Khoát là vẫn có sự cảm thông từ các thầy cô và đa số bạn bè. “Nhà trường đã tạo điều kiện cho lớp tôi được học ở tầng 1 trong khi các lớp khác phải học ở tầng cao. Buổi nào anh tôi chưa đến đón kịp thì tôi lại được cô giáo Nguyễn Thị Hồng dạy môn Sinh học chở về. Cô còn hay mua đồ ăn cho tôi nữa”, Khoát kể.


Với những nỗ lực của bản thân trong học tập và cuộc sống, Khoát đã thi đỗ vào ngành Công nghệ sinh học thuộc Viện ĐH Mở Hà Nội. Học đến năm thứ 2, Khoát tiếp tục theo học chuyên ngành Công nghệ thông tin của ĐH Bách khoa Hà Nội. Cả gia đình cũng chuyển ra Hà Nội để tiện chăm sóc cho anh. Việc cùng lúc học ở hai trường đại học, đòi hỏi anh phải có một nỗ lực rất lớn. Anh chia sẻ: “Để tìm được một công việc ổn định liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin và lĩnh vực công nghệ sinh học, tôi phải cố gắng rất nhiều. Bất kể trời nắng hay mưa, tôi vẫn cố gắng theo học đều để theo kịp các bạn ở trường. Đôi khi tôi cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức và thất vọng về bản thân mình nhưng gia đình thân yêu và những người bạn tốt chính là động lực cho tôi phấn đấu”.


“Hãy nhìn vào năng lực của chúng tôi”


Cơ may lớn trong cuộc đời Khoát đã đến khi anh nhận được trợ giúp từ một dự án của Hội Cựu chiến binh Mỹ (VVAF). Trong thời gian tham gia câu lạc bộ Ước mơ xanh (một câu lạc bộ trợ giúp những người khuyết tật), anh cùng 9 người khuyết tật khác đã được VVAF tuyển chọn để tham gia vào dự án của họ trợ giúp người khuyết tật ở Việt Nam. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng để được tuyển chọn, tất cả phải có nghị lực vươn lên trong cuộc sống và có năng lực làm việc thật sự.


Anh Khoát chăm sóc em bé bị nhiễm HIV tại một trung tâm nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.


“Tháng 12/2012, tôi đã kết thúc dự án ở VVAF. Quãng thời gian được đào tạo tại dự án đã giúp tôi có thêm các kĩ năng về văn phòng, ngoại ngữ, kĩ năng mềm. Qua đó, chúng tôi cảm thấy rất tự tin trong cuộc sống và đặc biệt là khi đi làm tại một công ty nào đó”, Khoát chia sẻ. Từ tháng 6 đến tháng 12/2012, Khoát được thực tập làm việc tại một công ty về phát triển và ứng dụng công nghệ ITS tại Hoàng Quốc Việt, Hà Nội và được trả lương theo dự án là 75 euro/tháng. Mức tiền tuy không nhiều nhưng đã trang bị cho anh nhiều kinh nghiệm và tạo động lực cho anh thêm tự tin vào khả năng của bản thân mình.


Hiện nay, chiếc xe ba bánh là phương tiện giúp Khoát đi học, đi làm và tham gia các hoạt động thiện nguyện hàng ngày. Anh đang là ủy viên phụ trách ban thanh niên của BCH Hội Người khuyết tật quận Hoàng Mai (thuộc Hội Người khuyết tật TP Hà Nội). Anh còn tham gia vào nhóm H4T (viết tắt của “Hope for tomorrow”), trợ giúp về tinh thần và tài chính tại nhà cho các trẻ em bị nhiễm HIV. Khoát cho biết, các gia đình có trẻ nhiễm HIV thường che giấu tình trạng bệnh của các em vì lo sợ sự kì thị của xã hội. Do đó các em gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh ra cộng đồng do không có biện pháp phòng ngừa.


H4T hoạt động từ tháng 12/2008, không làm theo phong trào mà đi vào chiều sâu. Các tình nguyện viên là cầu nối giữa gia đình và nhóm, giải quyết các vấn đề và trợ giúp gia đình. “Nhóm tôi chỉ âm thầm hoạt động, không công khai thông tin của các trẻ nhiễm HIV lên trang web để đảm bảo bí mật riêng tư cho các em. Chỉ với số lượng tình nguyện viên ít ỏi nhưng chúng tôi đã hỗ trợ được khoảng 40 em nhiễm HIV tại gia đình”, Khoát cho hay.


Càng tham gia nhiều hoạt động trợ giúp người khuyết tật và người nhiễm HIV, Khoát càng nhận thấy, vấn đề việc làm và cái nhìn không thiện cảm của xã hội là những rào cản lớn đối với việc hòa nhập cộng đồng của họ. Khoát nói: “Bản thân người khuyết tật cũng như người nhiễm HIV vẫn có sức lao động và họ không muốn bị xã hội nhìn mình với con mắt thương hại. Họ vẫn muốn đóng góp sức lao động của mình cho xã hội”. Từ suy nghĩ đó, anh đã thành lập Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Happy Future vào ngày 8/8/2012. Mục tiêu của công ty là trở thành một doanh nghiệp xã hội, tạo công ăn việc làm và trợ giúp người khuyết tật, xa hơn nữa là những người nhiễm HIV.


Công ty của anh kinh doanh các mặt hàng thủ công hand-made như hoa đất Nhật Bản, tranh giấy cuộn, tranh thêu… do chính tay người khuyết tật làm. Anh tìm kiếm các đơn hàng và đặt hàng tại các trung tâm, các nhóm của người khuyết tật. Với chuyên ngành theo học là công nghệ thông tin, anh đang hướng đến xây dựng dịch vụ tư vấn tâm lí cho người nhiễm HIV và người khuyết tật để họ thêm tự tin vào cuộc sống. Anh Khoát kể, có nhiều người hỏi anh đã tàn tật rồi, lo cho mình còn chưa xong còn mất công mất sức đi lo cho người khác làm gì. Anh chỉ vui vẻ trả lời: “Tôi không ngại ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, chỉ sợ xã hội không cần đến tôi nữa mà thôi”.


Lập gia đình đầu năm 2012, niềm vui lớn nhất hiện nay của Khoát là người vợ hiền dịu và bé trai 2 tháng tuổi. Đó là động lực để anh tiếp tục hiện thực hóa những ý tưởng cho công ty của mình theo tôn chỉ “Đừng nhìn vào vẻ bề ngoài, hãy nhìn vào năng lực của người khuyết tật”.



Bài và ảnh:Hoàng Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN