Chắp cánh tương lai cho học sinh nơi đầu sóng ngọn gió

Với mong muốn “gieo mầm” tri thức ở nơi đầu sóng ngọn gió, cô giáo Hà Thị Ngọc Hòa, 34 tuổi, giáo viên Trường Trung học Cơ sở Bạch Đằng, trên đảo Trí Nguyên, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, đã hơn 11 năm bám đảo dạy học, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, góp phần tạo dựng tương lai tươi sáng hơn cho các em ở nơi đây.

Bám đảo "gieo" chữ

Trí Nguyên, một đảo có khoảng 3.000 người dân sinh sống, chủ yếu bằng nghề nuôi trồng và đánh bắt hải sản. Để đến được hòn đảo này, chỉ có một cách là đi bằng ghe, thuyền từ đất liền ra. Đã có một thời, người dân nơi đây không coi trọng con chữ, vì nghề biển chẳng cần đến chúng. Bởi vậy, để “gieo" chữ trên hòn đảo này, những người làm nghề dạy học như cô giáo Hòa, bên cạnh sự yêu nghề, mến trẻ, còn có lòng nhiệt huyết và tận tâm đối với học sinh.

Cô giáo Hà Thị Ngọc Hòa, 34 tuổi, giáo viên Trường Trung học Cơ sở Bạch Đằng đóng trên đảo Trí Nguyên, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Viết Hảo.


Còn nhớ năm 2005, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học sư phạm Huế với chuyên ngành lịch sử, cô giáo Hòa ra đảo Trí Nguyên nhận công tác. Khi đặt bước chân đầu tiên lên đảo Trí Nguyên, cô giáo trẻ ngày ấy không ngờ điều kiện ở đây lại khó khăn đến vậy. Ngày đó, ở đảo này mới chỉ có điểm trường, chứ chưa có trường học phân cấp khang trang như bây giờ. 

Cô Hòa kể: “Ở trên đảo, ngày nắng gió biển thổi vào, cát trắng bay mù mịt vào lớp học. Ngày mưa, con đường từ bến tàu đến trường lầy lội và trơn trượt. Tuyến đường biển từ đất liền đến bến tàu đảo Trí Nguyên chỉ có những chuyến ghe, thuyền bằng gỗ, công suất nhỏ. Khi biển động, sóng lớn như muốn đẩy lùi chiếc ghe lại, rồi nâng lên đặt xuống, có khi ghe lại chòng chành, ngồi trên ghe cũng bị ướt sũng do nước biển tạt lên. Còn ngày sóng yên biển lặng, vùng biển này rất nhộn nhịp tàu thuyền qua lại nên tai nạn luôn rình rập. Cuối năm ngoái, trong một chuyến ghe chở giáo viên ra đảo đã va chạm với sà lan chở cát. Hậu quả là chiếc ghe bị phá nước, suýt bị chìm nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của chủ các phương tiện ở gần”. 

Nhà cô giáo Hòa cách trường 16 km. Cô Hòa nói vui: “Đều đặn mỗi ngày phải tham gia ba loại hình giao thông, khi sáng đi từ nhà tới bến tàu bằng xe máy, sau đó tham gia giao thông đường thủy để sang đảo, rồi đi bộ gần 1 km đến trường”. Hơn 11 năm đi ghe sang đảo dạy học, cô giáo Hòa đã quen với những con sóng. Theo cô Hòa, với nữ giáo viên để công tác được ở ngoài đảo, điều trước tiên là phải biết vượt qua nỗi sợ đi biển. Theo quy định, giáo viên ba năm công tác ở ngoài đảo sẽ được chuyển vào đất liền công tác. Nhưng cô giáo Hòa vẫn tình nguyện gắn bó với học sinh ở đảo Trí Nguyên, bởi cô đã xem nơi đây là quê hương thứ hai của mình. 

Cô Hòa tâm sự: “Vào đất liền, bản thân và gia đình sẽ đỡ vất vả hơn nhưng lại tội cho các em học sinh ở đảo. Các em học sinh nơi đây vốn đã chịu nhiều thiệt thòi khi không có điều kiện học tập tốt như trong đất liền, gia đình các em lại thường đông con, nghèo khó. Với sự ham học và tinh thần tự giác học tập của học sinh nơi này, đã tiếp thêm động lực để chúng tôi vượt qua tất cả những khó khăn, trở ngại, để đến trường và lên lớp dạy các em mỗi ngày”. 

Những giáo viên công tác ở đảo này, không chỉ dạy chữ cho học sinh, mà còn là người bạn gần gũi, thân thiết, quan tâm nhất đến các em. Cô Hòa nhớ lại: Những ngày đầu ra đảo dạy học, có rất nhiều học sinh bỏ học, nhất là dịp đầu năm học hay lễ, tết. Một phần là do tâm lí ngư dân, phần nữa nhiều gia đình khó khăn nên không chú trọng đến việc học tập của con em mình. Những gia đình có con trai mới 13, 14 tuổi là ở nhà đi biển. Có em theo bố đi biển xa bờ dài ngày cả tháng. Có em theo bố mẹ ra ở trên những lồng bè nuôi thủy sản nhiều ngày nên việc huy động trẻ đến trường và duy trì sĩ số học sinh trên lớp gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, cô giáo Hòa cùng đồng nghiệp thường xuyên đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, kiên trì, thuyết phục phụ huynh cho con em đi học. 

Cô Hòa vẫn còn nhớ, sau giờ lên lớp lại đến nhà học sinh vận động, thậm chí phải “rình” ở trước ngõ để khi phụ huynh đi làm về là gặp ngay, chứ nếu để họ vào nhà rồi nhìn thấy giáo viên đến… là họ đóng cửa. Có trường hợp thuyết phục nhiều lần, phụ huynh vẫn không đồng ý cho con đi học, nhưng các thầy cô giáo không nản chí mà vẫn đến nhà thường xuyên, thậm chí còn đến giúp làm việc nhà. “Mưa dầm thấm sâu”, dần dần ngư dân trên đảo cũng hiểu được ý nghĩa của việc học tập nên đồng lòng cho con em đến trường. Nhà trường cũng giao cho mỗi giáo viên chủ nhiệm một lớp, từ đầu cấp đến cuối cấp. Làm như vậy để giáo viên hiểu được hoàn cảnh gia đình, tâm tư, tình cảm của từng học sinh, sau đó có sự động viên, chia sẻ, giúp đỡ kịp thời, để các em không phải nghỉ học giữa chừng. 

 Chắp cánh tương lai cho học sinh
 
Cô giáo Hòa không chỉ dạy học, mà còn làm thay đổi lối suy nghĩ của phụ huynh và học sinh ở đảo Trí Nguyên. Bởi bên cạnh dạy học, cô Hòa còn định hướng nghề nghiệp cho học sinh, để sau khi học hết cấp 2, các em vào đất liền học tiếp hoặc đi học nghề. Chị Trần Thị Hà, 24 tuổi, từng là học trò của cô giáo Hòa, hiện nay đã là một y sĩ, công tác trên chính quê hương mình là đảo Trí Nguyên. Chị Hà tâm sự: Khi đi vào đất liền học nghề y, bản thân càng hiểu hơn về sự thiệt thòi của thầy, cô giáo ở đảo, qua đó mới thấy thầy, cô có một nghị lực rất lớn và thương yêu học trò đến nhường nào. 

Kể về một kỷ niệm với cô giáo Hòa, chị Hà rưng rưng: “Hồi cô Hòa mới ra đảo Trí Nguyên dạy học. Vào Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô không nhận được bất cứ món quà nào từ phụ huynh. Sợ cô buồn, cả lớp 17 học sinh xúm lại, rồi hát tặng cô một bài hát. Hát vừa xong, cô giáo Hòa nói lời cảm ơn rồi nhìn cả lớp cười hiền và bảo: Được nhìn thấy các em ngày ngày vui vẻ đến trường học tập là món quà, là niềm hạnh phúc nhất của cô rồi”. Chị Hà cho biết thêm, nhờ được cô giáo Hòa định hướng nghề nghiệp mà trong lớp có nhiều bạn đã trưởng thành, làm nhiều nghề như: bác sĩ, hướng dẫn viên du lịch, có cả bạn làm công an, bộ đội. Bây giờ, có rất nhiều học sinh, sau khi học xong đã đi học nghề, rồi vào làm tại các khu du lịch biển ở xung quanh đảo Trí Nguyên. Thế hệ trẻ ở hòn đảo này đã có nhiều lựa chọn hơn cho tương lai, chứ không chỉ có nghề biển “cha truyền, con nối” như trước nữa. 

Trên chuyến ghe từ đảo Trí Nguyên về đất liền, thấy tôi trao đổi cùng cô giáo Hòa, bác ngư dân lái ghe thêm vào câu chuyện: “Tôi lái ghe, lái đò chỉ đưa người qua đoạn sông, khúc biển. Còn những người làm nghề dạy học như cô giáo Hòa, phải chèo lái “con thuyền” học vấn chở biết bao học sinh cập bến tri thức rộng lớn, giúp bao học sinh thành người, thành đạt trong cuộc sống. Chẳng cần nói đâu xa, con cháu của ngư dân nghèo chúng tôi cũng được hưởng điều đó”. Bác ngư dân vừa dứt lời, cô giáo Hòa quay sang nói với tôi rằng, bây giờ vẫn rất cần có thêm chính sách hỗ trợ cho học sinh ở vùng biển đảo, nhất là về kinh phí học tập, hướng nghiệp, thiết bị học tập. Với trường học đóng trên những đảo xa, cần được xây dựng kiên cố để đảm bảo an toàn, đồng thời trang bị thiết bị dạy học hiện đại, máy tính kết nối Internet. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ giáo viên cũng cần kịp thời để họ yên tâm công tác. 

Cô giáo Hòa không những vượt qua khó khăn để đến với học sinh ở vùng biển đảo, mà cô còn đạt được nhiều thành tích trong công tác giảng dạy. Cô Hòa đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng Bằng khen. Cô cũng là 1 trong 42 thầy, cô giáo dạy học ở vùng biển, đảo xuất sắc, tiêu biểu được vinh danh trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2016, nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 vừa qua. Theo thầy Đào Quang Khánh, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Bạch Đằng, cô Hà Thị Ngọc Hòa là giáo viên luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, rất tận tình, tâm huyết và có nhiều kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và chủ nhiệm lớp.

Nguyên Lý (TTXVN)
Biển đảo là máu thịt của dân tộc
Biển đảo là máu thịt của dân tộc

Việt Nam được xem là một quốc gia ven biển, với nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng. Từ lâu, người dân Việt Nam luôn xác định biển đảo là nhựa sống, là máu thịt, là phần hồn của dân tộc. Báu vật của biển đảo là tôm, là cá, là muôn vàn các giá trị kinh tế khác đem lại cho chúng ta.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN