Chất lượng dân số - Yếu tố then chốt để phát triển bền vững

Trong thời gian qua, công tác dân số luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và đã đạt được nhiều thành tích quan trọng góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Chú thích ảnh
 Ảnh minh hoạ: Thanh Tùng/TTXVN

Góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Theo ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), từ năm 2007, Việt Nam bước vào thời kỳ "dân số vàng"; chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt; tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,6 tuổi vào năm 2021 và cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh; tầm vóc, thể lực người Việt Nam được cải thiện.

Các thành tựu trong việc nâng cao chất lượng dân số được thể hiện qua các chỉ số: Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi (IMR) và tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi (U5MR) đều giảm mạnh. Năm 2020, IMR là 13,9 trẻ tử vong/1.000 trẻ sinh sống. U5MR là 22,3 trẻ tử vong/1.000 trẻ sinh sống. Tỷ số chết mẹ giảm mạnh hiện chỉ còn 46 ca/100.000 trẻ sinh ra sống năm 2019. Tỷ số chết mẹ giảm mạnh hiện chỉ còn 46 ca/100.000 trẻ sinh ra sống năm 2019.

Tầm vóc thể lực của người Việt Nam có bước cải thiện. Chiều cao ở nhóm thanh niên nam 18 tuổi có sự thay đổi đáng kể, năm 2020 nam đạt 1,1cm, nữ đạt 156,2cm. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em tuổi học đường (5-19 tuổi) năm 2020 còn 14,8%. Theo báo cáo phát triển con người, HDI của Việt Nam tăng qua các năm và đạt 0,704 điểm, đứng thứ 117/189 năm 2019.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Doãn Tú cho rằng, thành công của Chương trình dân số -  kế hoạch hóa gia đình đã hạn chế việc tăng thêm trên 20 triệu người trong những thập kỷ qua, tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội. Theo kinh nghiệm của quốc tế, nếu chi 1 USD cho kế hoạch hóa gia đình thì sẽ tiết kiệm được 31 USD chi cho xã hội. Kết quả công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã làm tăng GDP bình quân đầu người khoảng 2%/năm, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của đất nước.

Ông Nguyễn Doãn Tú cho rằng, những kết quả này đạt được là nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp; sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội; sự phấn đấu bền bỉ, không mệt mỏi của cả hệ thống cán bộ làm công tác dân số, y tế trong cả nước, công sức của hàng trăm nghìn cộng tác viên, tuyên truyền viên dân số tại các thôn xóm, bản làng; sự hưởng ứng và thực hiện tốt chính sách dân số của mỗi cộng đồng và từng người dân.

Đồng hành chia sẻ, giải quyết những thách thức

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Doãn Tú, mặc dù đạt được nhiều thành tích quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước, song công tác dân số đang gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn. Từ việc chỉ tập trung giải quyết vấn đề kế hoạch hóa gia đình để ổn định quy mô dân số, nay công tác dân số phải đẩy mạnh việc giải quyết toàn diện các vấn đề cả về quy mô, cơ cấu, phân bố, tận dụng cơ hội dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, nhất là nâng cao chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Người đứng đầu ngành dân số cũng chỉ rõ các thách thức mới đang đặt ra với ngành dân số như: Mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể; mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng; chỉ số phát triển con người (HDI) chưa cao, chậm được cải thiện; tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ dưới 5 tuổi và tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi đã được cải thiện nhiều nhưng còn cao và chênh lệch nhiều giữa các vùng, miền. Tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh còn thấp (chỉ đạt 64 tuổi).

Bên cạnh đó, tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện; chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ "dân số vàng" và thích ứng với việc "già hóa dân số"; chất lượng dân số còn thấp; phân bố dân số, quản lý di cư vẫn còn nhiều bất cập; nguồn lực đầu tư cho công tác dân số chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ mới...

Trong khi đó, tổ chức bộ máy của ngành dân số nước ta liên tục biến động. Chỉ trong 15 năm (2008-2022) đã có tới 3 lần thay đổi tổ chức bộ máy từ trung ương đến địa phương gây tác động rất lớn tới tâm tư, tình cảm, tinh thần nhiệt huyết và trách nhiệm của gần 160.000 cán bộ làm công tác dân số trong cả nước. Đồng thời hiện nay, chế độ đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ dân số còn thấp, nhất là đội ngũ cán bộ dân số cơ sở - những người đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng khiến nhiều người nghỉ việc.

Theo ông Nguyễn Doãn Tú, Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ ra một trong những nguyên nhân chủ quan là: "Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đúng và đầy đủ về tính chất lâu dài, khó khăn, phức tạp, tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình". Song với sự thay đổi tổ chức bộ máy nói trên, nguyên nhân chủ quan này có nguy cơ dẫn đến khả năng không thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu dân số mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã giao.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình đề nghị, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo, nhất là về công tác cán bộ, duy trì ổn định tổ chức bộ máy, ưu tiên đầu tư, hỗ trợ nguồn lực kịp thời cho công tác dân số; các bộ, ban, ngành, đoàn thể tăng cường phối hợp, chia sẻ và đồng hành cùng ngành dân số trong triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TW.

Ông Nguyễn Doãn Tú cũng đề nghị cán bộ, công chức, viên chức ngành dân số cả nước đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, các chương trình, đề án, kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Lãnh đạo ngành dân số bày tỏ tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế; sự hỗ trợ của các cấp, các ngành… đội ngũ cán bộ dân số sẽ yên tâm gắn bó, vượt khó và sáng tạo để giành nhiều thành tích hơn nữa trong thời gian tới.

PV (TTXVN)
Nâng chất lượng dân số để tăng trưởng kinh tế bền vững
Nâng chất lượng dân số để tăng trưởng kinh tế bền vững

Theo nhận định của các chuyên gia, chất lượng dân số có quan hệ mật thiết với trình độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Do đó, chất lượng dân số phải là mục tiêu phấn đấu của cả cộng đồng, quốc gia và được coi là "chìa khóa vàng" để mở ra cánh cửa phát triển bền vững của đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN