Với sự phát triển của công nghệ y học, phóng xạ đã trở thành một biện pháp điều trị hữu hiệu căn bệnh ung thư và đang trở thành niềm hy vọng của nhiều người bệnh.Nhân dịp kỷ niệm 100 năm sau khi nhân loại đã tìm ra được bản chất của phóng xạ (1914 - 2014), PGS. TS Bùi Công Toàn, Trưởng khoa Xạ tổng hợp, Bệnh viện K, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về ứng dụng hữu ích của tia phóng xạ trong điều trị bệnh ung thư.
Hệ thống phần mềm xạ trị áp sát cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
Ứng dụng chất phóng xạ trong điều trị bệnh ung thư trên thế giới và ở Việt Nam đã đem lại những lợi ích gì cho người bệnh, thưa ông? Thế kỷ 20 là thời kỳ phát triển của đột biến của công nghệ y học; và một trong những “vũ khí” rất quan trọng là sử dụng tia phóng xạ trong lĩnh vực chẩn đoán, điều trị.
Sự ứng dụng tia phóng xạ mang tính đột phá và đạt hiệu quả nhất có lẽ là trong công nghệ chẩn đoán hình ảnh. Khi sử dụng các tia X, tia gamma, người ta thu được những hình ảnh sắc nét, rõ ràng, giúp phát hiện và hỗ trợ chẩn đoán, điều trị bệnh đạt hiệu quả và độ chính xác cao. Nhờ vậy, các bác sĩ có thể khám, chuẩn đoán, điều trị bệnh chính xác hơn; hiệu quả điều trị được nâng cao, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người bệnh do đó cũng được cải thiện rõ rệt.
Trong điều trị ung thư, với tác dụng làm hỏng DNA, các chất phóng xạ có khả năng khiến tế bào ung thư chết dần, khối ung thư nhỏ lại không thể hồi phục. Vậy nên, chất phóng xạ đã được sử dụng trong điều trị ung thư máu, ung thư tinh hoàn, ung thư buồng trứng, ung thư gan, ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt...
Việc phối hợp hiệu quả cả 3 “vũ khí” trong điều trị ung thư (phẫu thuật, xạ trị và hóa trị), đã làm đem lại sự sống và niềm hy vọng cho rất nhiều người không may mắc phải căn bệnh này. Tại Bệnh viện K, khoảng 20 - 30 năm trước, chỉ có khoảng 1/5 số bệnh nhân mắc bệnh đơn giản được điều trị khỏi nhưng đến nay, chúng tôi đã có thể chữa khỏi được 1/3 số người bệnh đến điều trị tại bệnh viện và 1/3 số còn lại được điều trị giảm nhẹ.
Ở Mỹ, tỷ lệ máy xạ trị so với số dân là 1/30.000 người, tức hơn 30.000 dân thì có 1 máy xạ trị; trong khi đó tỷ lệ này ở Việt Nam là 1/70.000 người . |
Ngoài các bệnh viện tuyến TƯ, việc ứng dụng chất phóng xạ trong điều trị cho bệnh nhân tại các địa phương được triển khai như thế nào, thưa ông?
Việc nâng cao trình độ chuyên môn, đưa các trang thiết bị hiện đại điều trị ung thư về các địa phương là hoạt động rất cần thiết, để mọi người bệnh có thể dễ dàng tiếp cận điều trị.
Những năm 80 của thế kỷ trước, tại Việt Nam chỉ có 2 máy xạ trị gia tốc để điều trị ung thư, 1 chiếc ở Bệnh viện K và chiếc thứ 2 là ở Trung tâm ung bướu TP Hồ Chí Minh. Nhưng đến nay, Việt Nam đã có hơn 30 máy xạ trị gia tốc, kèm theo có khoảng 41 loại máy khác cũng có tác dụng điều trị tương tự. Như vậy, so với trước đây, người bệnh ung thư không còn phải đi quá xa mới được điều trị bệnh. Đặc biệt, hiệu quả điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh cũng ngày một nâng cao nhờ các đề án hỗ trợ chuyên môn từ tuyến trên về tuyến dưới như Đề án 1816, Đề án Bệnh viện Vệ tinh…
Xin cảm ơn ông!
Khánh Trà