Tại buổi họp báo hôm qua (8/11) của Bộ Thông tin - Truyền thông về một số nội dung quản lý cước viễn thông, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông, cho biết, trong đợt điều chỉnh giá cước dịch vụ 3G vừa qua, chỉ có khoảng 8,66% số thuê bao bị điều chỉnh tăng giá trong tổng số hơn 91 triệu thuê bao di động hiện nay.
Cũng theo ông Hải, việc Cục chấp thuận cho ba doanh nghiệp viễn thông thống lĩnh thị trường (Mobifone, Vinaphone, Viettel) tăng giá cước 3G là hợp lý, bởi những năm qua, cước dịch vụ 3G được bán dưới giá thành. Cụ thể, theo Bộ Thông tin - Truyền thông, giá thành trung bình của năm 2013 đối với dịch vụ dữ liệu 3G là 167,66 đồng/MB (chưa VAT) và 184,4 đồng/MB (đã bao gồm VAT), trong khi mức giá cước trung bình trên thị trường chỉ là 100 đồng/MB (đã bao gồm VAT), bằng 54% giá thành.
Nếu so sánh với giá cước trung bình của các nước khu vực ASEAN (318 đồng/MB) thì giá cước 3G của Việt Nam sau khi điều chỉnh trung bình là 111 đồng/MB, chỉ bằng 34,9%. Nếu so sánh tương đối theo thu nhập quốc dân bình quân đầu người thì mức giá cước của Việt Nam (4,8 USD) chỉ bằng 18% (trả trước) đến 27% (trả sau) so với mặt bằng chung thế giới, bằng 34% (trả trước) đến 57% (trả sau) so với mặt bằng chung khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, xu hướng quản lý hiện nay là Nhà nước sẽ không can thiệp sâu, mà tôn trọng định hướng của kinh tế thị trường. Việc điều chỉnh giá cước dịch vụ dữ liệu 3G vừa qua là hoàn toàn có đầy đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn, phù hợp với chủ trương định hướng của Chính phủ và các quy định của pháp luật về viễn thông và giá.
Trước đó, sau khi giá cước dịch vụ 3G tăng, nhiều người đặt câu hỏi, liệu có sự “bắt tay” giữa ba nhà mạng để làm giá, gây thiệt hại cho khách hàng. Sau đó, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ ngành vào cuộc để điều tra. Đến nay, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đang điều tra và chưa có câu trả lời chính thức về vấn đề này.
Hoàng Dương