Sau một năm triển khai Đề án phân cấp, ủy quyền, các địa phương ở Hà Nội đã được tăng tính chủ động. Đến nay, 708/1.895 thủ tục hành chính của thành phố đã có phương án ủy quyền giải quyết, đạt tỷ lệ gần 40%. Thành phố đã ban hành các quyết định ủy quyền giải quyết 578 thủ tục hành chính (TTHC), đạt tỷ lệ 94%; 100% các TTHC được ban hành quy trình nội bộ TTHC giải quyết sau ủy quyền.
Nhờ phân cấp ủy quyền, đã giảm tầng nấc trung gian, đã tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết và cùng với thực hiện dịch vụ công trực tuyến, người dân đã không phải đi lại hoặc giảm thời gian đi lại tiết kiệm thời gian, chi phí.
Với những đổi mới này, năm 2023 nhiều mô hình sáng kiến cải cách hành chính hay đã ra đời, tiêu biểu như mô hình tiếp nhận và giải quyết TTHC phi địa giới tại Hoàn Kiếm, mô hình ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ hỏi - đáp thủ tục hành chính (chatbot) tại UBND quận Cầu Giấy, mô hình ngày thứ 6 xanh giải quyết TTHC tại UBND huyện Hoài Đức; sáng kiến đổi mới phương pháp rà soát TTHC nội bộ của ngành, tái cấu trúc TTHC lĩnh vực Nội vụ của Sở Nội vụ Thành phố Hà Nội…
Trước những kết quả khích lệ ban đầu, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, việc thành phố hợp nhất 3 ban Chỉ đạo: Cải cách hành chính, Chuyển đổi số, Đề án 06 là đúng đắn và từ đó, tích hợp được các kế hoạch, nhiệm vụ triển khai, tiết kiệm nguồn lực và thời gian.
Liên quan đến việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, ông Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: Không phải là chạy theo thành tích, con số mở được bao nhiêu tài khoản, mà thực sự phải là người dân rút được tiền trong bao lâu; có nhanh không, thuận tiện không... Đồng thời, giao nhiệm vụ cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các đơn vị liên quan có giải pháp linh hoạt, hỗ trợ bằng công nghệ, không để sai sót.
Cũng tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đề ra lộ trình để hoàn thành 9 nhóm đơn giản hóa thủ tục hành chính và Đề án 06 đã đề ra trong giai đoạn 2022 - 2025.
Theo đó, TP Hà Nội tập trung khai thác, sử dụng thông tin dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Tăng cường truy thu thuế cho Nhà nước; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử; thu thập, xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo chỉ đạo, hướng dẫn của Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ và các bộ, ngành về cơ sở dữ liệu đất đai, xây dựng nhà, xây dựng nhà ở hộ tịch, y tế, an sinh xã hội của thành phố; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm giám sát điều hành thông minh của thành phố để triển khai phân tích dữ liệu phục vụ hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh và các chính sách khác.
Kết thúc năm 2023, BCĐ đề án 06 thành phố để lại dấu ấn mạnh mẽ bằng kết quả tích cực trong triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử và chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 185/NQ-CP, trong đó, giao UBND TP chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế xây dựng phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử, triển khai thí điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội; UBND TP đã ban hành kế hoạch, văn bản đề nghị các bộ, ngành Trung ương phối hợp, hỗ trợ kết nối triển khai; đôn đốc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Thành phố triển khai thực hiện.
Đến nay, Hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử TP Hà Nội được triển khai, cài đặt, vận hành thử nghiệm. Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã đã tiến hành tổng rà soát phục vụ công tác đồng bộ cơ sở dữ liệu về lịch sử khám chữa bệnh của người dân lên Hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử Thành phố để phục công tác quản lý, điều hành của ngành Y tế địa phương. Tính đến ngày 15/1/2024, đã có 46.799 hồ sơ đã được đẩy thành công lên cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, sẵn sàng hiển thị trên ứng dụng VneID, hơn 3.200 tài khoản đã được cấp cho các đơn vị, cá nhân tham gia khai thác, sử dụng hệ thống...