Hiểu được những khó khăn của người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất khi giá cả thị trường tăng cao trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp chủ động quan tâm, san sẻ với công nhân. Mỗi doanh nghiệp có một chế độ hỗ trợ khác nhau, nhưng những thay đổi ấy đã ít nhiều tác động tích cực đến tinh thần làm việc của công nhân.
Nhiều cách quan tâm, chia sẻ
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc quan tâm đến đời sống của người lao động là việc làm thường xuyên của công đoàn cơ sở. Đặc biệt, trong những tháng gần đây, khi giá cả hàng hóa tăng, công đoàn tại các cơ sở có nhiều khu công nghiệp đã vào cuộc mạnh mẽ trong việc đề xuất ban giám đốc điều hành doanh nghiệp điều chỉnh tăng lương và các khoản phụ cấp, hỗ trợ người lao động.
Công nhân mua hàng ưu đãi bán tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) trong Tháng công nhân. Ảnh: Mạnh Minh |
Nhiều doanh nghiệp đã đón bắt được tình hình và chủ động quan tâm đối với đội ngũ công nhân của mình. Công ty Panasonic đã tăng lương tối thiểu và tăng trợ cấp sinh hoạt phí cho công nhân. Đầu năm, công ty này đã tăng lương tối thiểu từ 1,7 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/người/tháng. Công nhân vẫn phàn nàn, mới đây công ty công bố sắp tăng lương tối thiểu lên 2 triệu đồng/tháng/người. Thông tin này khiến nhiều công nhân phấn chấn hẳn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng tăng khoản trợ cấp nhà ở cho công nhân từ 100.000 đồng/tháng/người lên 150.000 đồng/tháng/người. Bữa ăn giữa ca đã nâng từ 15.000 đồng/suất lên 17.000 đồng/suất.
Ngoài việc điều chỉnh tăng (dù không đáng kể) các khoản lương và hỗ trợ, doanh nghiệp vẫn duy trì tặng quà công nhân các dịp lễ. Năm nay, dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5, doanh nghiệp tặng mỗi công nhân một phích nước. Các dịp lễ khác, thì tặng các sản phẩm thiết yếu cho người lao động: Dầu ăn, hạt nêm, nồi, chảo, ấm chén...
Mức hỗ trợ của mỗi doanh nghiệp khác nhau, tùy từng doanh nghiệp. Chị Nguyễn Minh Hạnh, là công nhân Công ty Matsuo (Nhật Bản) cho biết: Công ty tăng khoản hỗ trợ đi lại cho công nhân lên mức hiện nay là 250.000 đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, công ty này cũng duy trì trợ cấp nhà ở cho công nhân mỗi người 200.000 đồng/tháng, hỗ trợ đi lại và hỗ trợ nuôi con nhỏ 200.000 đồng/tháng. Những khoản hỗ trợ, quan tâm tuy không nhiều nhưng đã phần nào động viên tinh thần làm việc của người lao động.
“Chế độ công ty như thế, nên tôi không muốn chuyển việc. Nếu chuyển sang công ty khác, lại bắt đầu bằng mức lương khởi điểm dưới 2 triệu đồng/tháng thì không sống được. Bây giờ tôi cố gắng làm ở đây thôi”, Trần Thị Tuyền nói.
Trong bối cảnh thời giá leo thang, việc giữ chân lao động, hạn chế tranh chấp là bài toán khó đối với nhiều doanh nghiệp. Nhờ kịp thời can thiệp và hỗ trợ lao động nên nhiều doanh nghiệp đã hạn chế được tình trạng đình công hoặc ngừng việc tập thể. Bà Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết: “Đầu năm đến nay, ở Đồng Nai có khoảng 60 vụ đình công, thấp hơn so với các năm”. Đó là nhờ doanh nghiệp đã có kinh nghiệm, cứ mỗi đợt giá cả tăng, chủ doanh nghiệp lại chủ động ngồi lại bàn bạc với công đoàn, với người phụ trách ở các phân xưởng, các tổ sản xuất, lắng nghe ý kiến người lao động. Với việc tăng giá xăng, giá điện như thế, người lao động gặp khó khăn gì, chi phí sinh hoạt của lao động nhập cư có đủ đảm bảo hay không? Từ đó, họ thu xếp hỗ trợ tiền đi lại cho công nhân. “Việc doanh nghiệp chủ động như thế đã khiến mối quan hệ lao động trở nên hài hòa hơn, doanh nghiệp có sự chia sẻ và có trách nhiệm đối với người lao động” - bà Phượng nhận định.
Xã hội chung vai
“Trong tình hình này, sắp tới, các doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động hơn nữa để có những giải pháp kịp thời hỗ trợ công nhân. Đồng thời, người lao động cũng phải mạnh dạn, thẳng thắn trao đổi với chủ sử dụng lao động những khó khăn của mình để cùng nhau bàn bạc, lựa chọn những giải pháp tốt nhất”, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai nói.
Một góc bếp đơn sơ của công nhân nghèo. Ảnh: Mạnh Minh |
Doanh nghiệp điều chỉnh hỗ trợ tiền lương, đoàn thể cũng vào cuộc chia sẻ khó khăn với công nhân bằng cách kêu gọi chủ nhà trọ không tăng giá tiền nhà. Đây là phong trào đang triển khai rất có hiệu quả ở nhiều tỉnh phía Nam, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương...
Tháng công nhân 2011 lần đầu tiên triển khai đồng loạt trên cả nước, bắt đầu từ 1/5/2011 là một chủ trương kịp thời của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhằm hỗ trợ động viên tinh thần công nhân, nhất là công nhân nghèo, tại các khu công nghiệp. Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong những nội dung hoạt động của tháng công nhân, có nội dung tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân viên chức lao động, nhất là việc ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể, các chế độ, chính sách đối với công nhân viên chức lao động về tiền lương, tiền thưởng, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế. Đồng thời, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết, gắn bó trong đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức lao động... Những hoạt động như thế, hy vọng sẽ xây dựng quan hệ lao động ổn định và phát triển trong doanh nghiệp.
Mạnh Minh thực hiện