Hỗ trợ tạo việc làm
Những ngày cuối tháng 5, lượng khách du lịch đến các nhà vườn trồng nho hai bên đường quốc lộ 1A ở huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận tấp nập hơn bởi đã vào vụ thu hoạch. Ở nhà trông vườn nho rộng 1,7 sào, chị Nguyễn Thị Hà, ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, cho biết sản lượng nho thu hoạch vụ này ước đạt 3 tấn và chị vừa bán cả vườn cho thương lái với giá 35 triệu đồng. Tính ra sau khi trừ chi phí thì lãi khoảng 20 triệu đồng/vụ và mỗi năm thu hoạch được 3 vụ nho.
Gia đình chị Hà thuộc diện hộ cận nghèo, không có đất sản xuất nên phải đi thuê ruộng để trồng nho. Chị Hà kể, mấy năm đầu mới thuê mảnh vườn này thì gặp phải cơn hạn kéo dài, làm không đủ ăn. Năm 2017 nguồn lực đã cạn, tài sản không có gì để thế chấp, vào thời điểm khó khăn nhất, bác trưởng thôn hướng dẫn làm thủ tục vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được 15 triệu đồng theo chương trình dành cho hộ cận nghèo. Khoản tiền vay nghĩa tình với lãi suất thấp, không tài sản thế chấp ấy vừa đủ tiền đầu tư phân bón, chăm sóc vườn nho trong 1 vụ. Nhờ đó mà gia đình chị đã vượt qua khó khăn, cuộc sống dần ổn định.
Cũng ở thôn Thái An, gia đình chị Huỳnh Thị Viên thuộc diện hộ nghèo không có đất sản xuất nên được thuê 3 sào đất của xã để trồng nho. Khoản vốn vay ưu đãi 40 triệu đồng từ NHCSXH cũng được chị đầu tư vào chăm sóc vườn nho. Chị Viên khoe đã bán vườn cho thương lái thu được 80 triệu đồng. Trong ánh mắt chị không giấu niềm vui khi chỉ cho chúng tôi khoảnh vườn đang chuẩn bị tái đầu tư cho vụ sau. Đứng bên những giàn nho xanh mát, chúng tôi càng thấy chính sách tín dụng ưu đãi đã “thấm” vào vùng đất đầy nắng gió này, như Chỉ thị 40 của Ban Bí thư ngày 22/11/2014 đã yêu cầu “Tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững”.
Cán bộ phải sâu sát công việc
Tinh thần chủ yếu từ Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội là huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với chính sách mang ý nghĩa an sinh xã hội lớn này. Đến nay, thực tế đã cho thấy nơi nào được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo sát sao, nơi ấy chính sách tín dụng ưu đãi càng phát huy hiệu quả.
Thanh Hải là một xã ven biển thuộc huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận) có dư nợ vốn tín dụng chính sách là gần 33 tỷ đồng, chất lượng tín dụng rất tốt khi không có nợ quá hạn. Ông Phạm Xuân Thành, Chủ tịch UBND xã cho biết, vốn chính sách giúp bà con đầu tư vào nghề biển gần bờ, dịch vụ nông nghiệp, buôn bán nhỏ, chăn nuôi dê, bò… và đặc biệt là chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã giúp cho bà con thay đổi hoàn toàn tập quán cũ, 100% số hộ trong xã có nhà vệ sinh, góp phần để xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2018.
Ông Thành chia sẻ: “Cán bộ phải sâu sát, nhiệt tình thì chất lượng tín dụng chính sách mới đảm bảo”. Điển hình là Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban giảm nghèo của xã, bà Đào Thị Loan thường xuyên cùng cán bộ tín dụng đến từng hộ vay để nắm bắt tình hình, hướng dẫn bà con. Đặc thù của tín dụng chính sách là công tác dân vận quan trọng không kém việc kế toán sổ sách. Như bà Loan kể “xuống với hộ vay làm căng là không được”, phải kiên trì vận động, thuyết phục bà con hiểu về chính sách này, từ đó chấp hành nghiêm chỉnh. Bởi vậy, qua gần 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Thanh Hải, ông Đào Quốc Thắng khẳng định, nhận thức và việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đã có sự chuyển biến lớn ở vùng đất ven biển này.
Phó Bí thư Đào Quốc Thắng nói về kết quả thực hiện Chỉ thị 40 ở xã Thanh Hải:
Huyện Thuận Bắc là một huyện khó khăn, dân số phần lớn là đồng bào Chăm, Raglai của tỉnh Ninh Thuận nhưng có quy mô tín dụng chính sách tăng gần gấp đôi, không còn nợ quá hạn sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 40. Chia sẻ về công tác nhận ủy thác với ngân hàng, bà Nguyễn Võ Kim Dung, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện cho biết, đặc điểm của chị em phụ nữ dân tộc thiểu số ở đây là rất sợ nợ. Bởi vậy, cán bộ hội phải vận động, xây dựng các mô hình hiệu quả để chị em tận mắt thấy mới dần dần làm theo. Ông Nguyễn Văn Lâng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện thì nhấn mạnh đến việc cán bộ Hội Nông dân phối hợp với ngân hàng kiểm tra giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn chăn nuôi, tham quan học hỏi mô hình sản xuất kinh doanh giỏi… giúp hộ vay có thêm kiến thức sử dụng vốn hiệu quả. Còn ông Nguyễn Thanh Hạnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện lại nhấn mạnh đúng “tinh thần người lính”, việc phối hợp với NHCSXH được coi là thực hiện nhiệm vụ chính trị trên “mặt trận xóa đói giảm nghèo”.
Với tinh thần xung kích của tuổi trẻ, Bí thư Huyện đoàn Thuận Bắc, anh Đoàn Hữu Hoan tóm lược bài học rút ra khi thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi là phải có chỉ đạo từ cấp ủy, chính quyền; phải thường xuyên giám sát, kiểm tra, nắm bắt kịp thời, tháo gỡ khó khăn; tổ chức tập huấn bài bản; phát động thi đua, khen thưởng kịp thời, có một sự “cạnh tranh tích cực” giữa 4 tổ chức hội đoàn thể nhận ủy thác của ngân hàng tham gia quản lý vốn tín dụng chính sách.
Có thể khẳng định, với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị từ cơ sở đến Trung ương, NHCSXH đã đảm bảo được nhiệm vụ mà Chính phủ giao là “không để một hộ nghèo nào đủ điều kiện mà không được tiếp cận vốn ưu đãi”. Rời miền gió cát Ninh Thuận, chúng tôi vui với câu nói “chế” từ bài hát Giấc mơ Chapi của nhạc sĩ Trần Tiến, “ở nơi ấy, ai nghèo cũng được vay vốn ưu đãi của Chính phủ”.
Chị Đặng Thị Mỹ Ngọc, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận nói về việc thụ hưởng chính sách vay vốn ưu đãi của bà con:
Đón đọc bài 3: Kết quả của sự đoàn kết, đồng lòng