Số người vào mới bằng số rút ra
Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, hiện tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội mơi chỉ đạt 25,8%. Đây là tỷ lệ không tăng trong nhiều năm qua và là tỷ lệ rất thấp. Trong khi có hơn 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động mà không tham gia bảo hiểm xã hội.
Phát tài liệu tuyên truyền về BHXH, BHYT cho người dân vùng có đông đồng bào dân tộc. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN
|
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là số người tham gia BHXH mới tương đương với số lượng người nhận BHXH một lần, tức là số vào tương đương với số ra. Tính đến cuối năm 2017 đã có 13,6 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng 5,67% so với năm 2016. Năm 2017, số thu bảo hiểm bắt buộc ước là 197.500 tỷ đồng, đạt 103,7% kế hoạch.
Bên cạnh đó, việc mở rộng BHXH tự nguyện khó khăn do người lao động trong khu vực phi chính thức còn gặp nhiều khó khăn. “Về bảo hiểm y tế, đối với khu vực nghèo, vùng sâu, bãi ngang, nhà nước đã hỗ trợ tới 46%, một số đối tượng được hỗ trợ toàn bộ. Nếu bảo hiểm xã hội được hỗ trợ tỷ lệ như vậy cộng thêm với vận động con cái của họ hỗ trợ, giúp đỡ thì những người lao động ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn mới có thể tham gia bảo hiểm xã hội để nhận lương hưu khi về già”, Vụ BHXH, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết.
Cùng với đó là việc tuyên truyền chưa đúng mức, chưa đầy đủ với người dân. Qua khảo sát trên 70% người dân được hỏi chưa biết đến chính sách BHXH tự nguyện. Do đó, để mở rộng đối tượng tham gia thời gian tới, theo Bộ LĐTBXH cần quy định giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu, nâng mức hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, gắn với quyền lợi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với các ưu đãi khác của nhà nước như ưu đãi vay vốn sản xuất kinh doanh.
Bộ LĐTBXH đề xuất thiết kế chính sách BHXH phù hợp với thông lệ quốc tế, công bằng. Nếu người đóng bảo hiểm xã hội rút ra sớm thì chỉ được nhận phần do mình đóng. Như vậy, người lao động có thể nhận lương hưu khi thời gian đóng thấp hơn mức quy định hiện tại, có thể dưới 20 năm, tất nhiên là chỉ được nhận bảo hiểm xã hội tương ứng với số tiền họ đóng.
Còn theo ông Lê Đình Quảng (Phó Trưởng Ban quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết: Mỗi năm hiện có khoảng 700.000 người lao động xin nhận BHXH một lần. Con số này tương đương với số lượng lao động hàng năm tham gia mới vào chính sách BHXH. Đây là điều không tốt cho chính sách an sinh xã hội và Tổng LĐLĐ ủng hộ việc thay đổi chính sách để hạn chế rút BHXH một lần.
Hướng tới đảm bảo an sinh
Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng: Mở rộng đối tượng tham gia BHXH hướng tới đảm bảo an sinh xã hội. Trong chính sách cải cách BHXH hướng tới xây dựng BHXH với 3 tầng. Trong đó, tầng 1 để đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân. Làm sao tất cả mọi người khi về hưu đều được có lương hưu để đảm bảo mức sống tối thiểu. Nhà nước cần hỗ trợ và nâng mức hỗ trợ cho tất cả 50 triệu lao động ở khu vực phi chính thức.Tầng thứ 2 nên là bảo hiểm xã hội tự nguyện, đóng theo từng ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, ai đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, đóng cao hưởng cao, đóng ít hưởng ít. Tầng thứ 3 là bảo hiểm hưu trí bổ sung. Mọi người có nhu cầu, khả năng thì đóng bổ sung để khi về hưu họ sẽ được thêm thu nhập, thu nhập cao hơn.
Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: “Năm 1993, khi chúng ta thực hiện nghị định 176 về tinh giảm và sắp xếp lại biên chế, một số người lao động đã hưởng chế độ 1 lần nhưng sau khi tiêu hết khoản tiền đó lại muốn xin nộp khoản tiền đã đóng để nhận hưu trí nhưng vẫn chưa có chính sách giải quyết. Do vậy, người dân cần tin tưởng vào chính sách của Đảng và Nhà nước trong chính sách liên quan đến BHXH. Nghị quyết trung ương 7 về chính sách cải cách BHXH cũng đề ra giải pháp về linh hoạt thời gian đóng để thu hút nhiều người tham gia, trong đó có thể giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm hoặc cũng có thể là 10 năm để hưởng lương hưu”.
Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH cũng phải trường kì để người dân có thể hiểu rõ hơn quyền lợi khi tham gia BHXH. “Hiện việc đóng BHXH dựa trên nguyên tắc chủ sử dụng lao động đóng 2/3, người lao động đóng 1/3 nhưng khi hưởng chế độ BHXH một lần, người lao động được hưởng 100%. Do đó, nếu hưởng chế độ BHXH 1 lần chỉ hưởng phần người lao động đóng, còn lại phần người sử dụng lao động đóng góp vào quỹ BHXH”, ông Trần Đình Liệu đề xuất.