Chính sách ưu đãi trí thức trẻ về nông thôn, miền núi còn nhiều bất cập

Hội nghị sơ kết đánh giá việc thực hiện Đề án 500 trí thức trẻ tình nguyện về tham gia phát triển nông thôn – miền núi giai đoạn 2013 – 2020 khu vực miền Trung đã được Bộ Nội vụ tổ chức sáng 15/12, tại tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Theo bà Lương Hải Anh, Điều phối viên Dự án, tính đến ngày 31/12/2014, Bộ Nội vụ đã hoàn thành công tác tuyển chọn đội viên Đề án của 34 tỉnh với tổng số 500 đội viên, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu đề ra. Qua công tác tuyển chọn, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và kỹ năng cho thấy đội viên của các tỉnh đều đáp ứng được yêu cầu bố trí và sử dụng của từng địa phương.

Sau khi các đội viên được bố trí về xã công tác, cấp ủy Đảng, chính quyền các xã nơi có đội viên về công tác đã triển khai thực hiện đúng các văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ; UBND xã đã có văn bản thông báo phân công công tác cho đội viên theo vị trí chức danh công chức xã, theo đó có 114 đội viên làm công việc của chức danh công chức Văn phòng - Thống kê, 189 đội viên làm công việc của chức danh công chức Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường, 45 đội viên làm công việc của chức danh công chức Tài chính - Kế toán, 71 đội viên làm công việc của chức danh công chức Tư pháp - Hộ tịch và 81 đội viên làm công việc của chức danh công chức Văn hóa - Xã hội.

Các đội viên đã được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để nhanh chóng tiếp cận với công việc được giao. Sau khi về nhận nhiệm vụ tại các xã, Ủy ban nhân dân xã đã cử lãnh đạo, công chức có kinh nghiệm công tác hướng dẫn các đội viên trong công việc, kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử đối với đồng nghiệp và người dân địa phương.

Hằng năm, hầu hết đội viên đều được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2016 có đội viên chiếm 13,85% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 406 đội viên chiếm 82,09% hoàn thành tốt nhiệm vụ; 10 đội viên hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 1 đội viên không hoàn thành nhiệm vụ.

Tại Hội nghị, đại diện các địa phương đều có chung nhận định đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, với những chính sách thu hút đặc biệt. Đề án tăng cường trí thức trẻ là một trong những giải pháp đặc biệt giúp các xã, các huyện từng bước tháo gỡ khó khăn, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 30a của Chính phủ. Đội viên được tăng cường không chỉ là nguồn cán bộ trước mắt giúp việc cho cấp ủy, chính quyền xã, mà còn là một chủ trương, chính sách mang tính chất lâu dài, góp phần tạo nguồn cán bộ trẻ để bổ sung vào các chức danh lãnh đạo, quản lý cho các cơ quan Đảng và chính quyền các cấp của địa phương, làm tiền đề để tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách phát hiện, tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trẻ.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Đinh Khắc Đính, địa phương này tuyển chọn được 31 đội viên, bố trí về 31 xã của 4 huyện là Phong Điền, Phú Lộc, Quảng Điền, Phú Vang. Hầu hết các đội viên thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, nhiều đội viên được nâng lương trước hạn, được kết nạp Đảng, bổ sung nguồn nhân lực cho xã, tham gia phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bà Nguyễn Thị Ánh Lan, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ngãi cho biết, Đề án 500 luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp; đội viên được sự đồng tình, ủng hộ và tạo điều kiện của cán bộ, công chức và nhân dân địa phương, là động lực quan trọng giúp đội viên luôn cố gắng phấn đấu trong công tác.

Nhiều ý kiến đề nghị Bộ Nội vụ sớm có định hướng, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương về việc bố trí, sắp xếp công tác và chế độ, chính sách hỗ trợ cho các đội viên Đề án sau khi hoàn thành nhiệm vụ, cũng như các chế tài xử lý đối với các đội viên không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vi phạm kỷ luật. Nhiều đội viên bày tỏ lo ngại về tương lai của mình khi Đề án kết thúc. Đội viên Nguyễn Xuân Cảnh (Quảng Nam) đề nghị có cơ chế xét tuyển vào công chức xã với đội viên hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc 3 năm liền; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và tổ chức cho đội viên học tập các mô hình sản xuất tiên tiến. Đội viên Phạm Văn Quân (Hà Tĩnh) cho rằng việc thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi với đội viên còn nhiều bất cập. Bộ Nội vụ cần có hướng chỉ đạo sát sao hơn để đảm bảo quyền lợi cho đội viên.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Đinh Khắc Đính mong muốn Trung ương có chủ trương, giải pháp cụ thể để đánh giá, bổ sung nguồn nhân lực cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, góp phần nâng cao hiệu quả bố trí sử dụng nguồn trí thức trẻ này trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các vấn đề đội viên và đại diện các địa phương băn khoăn đã được lãnh đạo Bộ Nội vụ giải đáp tại Hội nghị. Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, sản phẩm quan trọng sau khi thực hiện Đề án không chỉ là tạo nguồn cán bộ bổ sung vào các chức danh lãnh đạo, quản lý cho các cơ quan Đảng, chính quyền, mà còn góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trẻ cho cơ sở.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Sáng kiến của trí thức trẻ phải được trân trọng và biến thành hiện thực
Sáng kiến của trí thức trẻ phải được trân trọng và biến thành hiện thực

Sáng 29/8, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo (Dự án 600 Phó Chủ tịch xã). Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương và 300 trí thức trẻ tham dự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN