Chờ... những tuyến đường kiểu mẫu

Từ năm 2009, thành phố đã xây dựng những tiêu chí cụ thể về những tuyến đường kiểu mẫu, để đến năm 2012, thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc tái lập trật tự đô thị, xây dựng những tuyến đường kiểu mẫu, văn minh sạch đẹp… Nhưng đến nay, ngay cả những tuyến đường đẹp, vừa mới xây dựng xong cũng nhanh chóng trở thành những phố nhậu nhếch nhác…

Nỗi niềm phố nhậu

Tôi hỏi một chủ quán nhậu trên đường Trường Sa, quán mình bày ra hết ngoài vỉa hè như thế này, có bị trật tự đô thị rượt chạy không? Chủ quán nhậu khoát tay, yên tâm đi, có cách hết rồi… Ngồi được dăm phút, chủ quán thông báo với nhân viên, tụi em dẹp bớt đồ, trật tự phường chuẩn bị đi tuần đó. Đúng như những gì được “thông báo trước”, vừa dẹp xong một ít bàn ghế kê sát đường, xe trật tự của phường cũng vừa tới, họ hò hét qua loa rồi bỏ đi. Một vài quán nhậu gần đó, chắc không được thông báo, chưa kịp dọn thì bị “hốt” vài cái bàn, cái ghế.

Hàng quán được bày ra, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè ngay trong giờ cao điểm trên tuyến đường Phạm Văn Đồng.



Chiếc xe jeep chạy khuất, phố nhậu lại tràn ra vỉa hè, lại tưng bừng như cũ với những tiếng “dzô… dzô…”. Anh chủ quán chia sẻ, buôn bán thì phải chịu khó thôi, nhưng nếu mình “biết điều” thì anh em cũng không “làm khó”. Thực trạng này phổ biến đến mức không ai kinh doanh buôn bán mà không biết, và đó cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến những con đường thơ mộng như Trường Sa, Hoàng Sa và tuyến kênh Nhiêu Lộc phải hứng chịu vô số rác rưởi và chất thải của hàng nghìn khách nhậu… Mặc dù lực lượng trật tự đô thị vẫn duy trì thường xuyên việc “lập lại trật tự đô thị” hằng đêm, mỗi khi phố nhậu lên đèn.

Dọc đại lộ Phạm Văn Đồng, một trong những con đường đẹp nhất nhì thành phố và là một tuyến đường kiểu mẫu của thành phố, vừa mới hoàn thành hơn một năm gần đây, quán nhậu cũng nhiều như nấm sau mưa. Chỉ một đoạn ngắn từ ngã năm Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) về cầu Bình Lợi (quận Bình Thạnh) đã có gần trăm quán nhậu, quán cà phê, chiếm trọn toàn bộ vỉa hè. Chỉ cần phố lên đèn, các quán nhậu ồ ạt bày bàn ghế ra vỉa hè. Dù bạt, lò nướng, biển quảng cáo, đồ ăn, thức uống được bày hết trên 3 mét vỉa hè chật chội. Không chỉ vậy, nhân viên của các quán này thường xuyên chạy ra giữa lòng đường vẫy, chặn người đi đường “mời” ghé quán nhậu, khiến tình trạng giao thông ở đây hết sức lộn xộn. Và cũng trên tuyến đường kiểu mẫu này, sau 23 giờ đêm, các quán nhậu chính là bãi đáp của hàng chục thanh niên tụ tập đua xe, “biểu diễn” chạy… một bánh, gây kinh hoàng cho cả người dân lẫn người đi đường, nếu chẳng may phải đi ngang “đoàn đua”.

Phố “không nhậu” cũng nhếch nhác

Thoát khỏi “đại nạn” khoan cắt bê tông trên những bức tường thì giờ đây, sau mỗi đêm, những bức tường sạch đẹp trên phố có thể bỗng dưng xuất hiện những hình vẽ kì quái theo trào lưu “graffiti” (tranh phun sơn đường phố). Đành rằng, đây là một loại hình nghệ thuật của giới trẻ, nhưng việc biến những bức tường sạch đẹp, không cần biết của ai thành nơi “sáng tạo nghệ thuật” một cách vô tội vạ như vậy đã góp phần làm những con phố thêm bẩn thỉu, nhếch nhác. Phố vốn đã không đẹp vì hàng quán bày biện, lấn chiếm vỉa hè, rác rưởi bừa bãi lại còn thêm những “bức tranh” bôi bẩn mặt phố, khiến những tuyến đường nội đô, với mong muốn của chính quyền là trở thành những con đường kiểu mẫu, nay lại càng nhếch nhác hơn.

Phố nhậu nhếch nhác đã đành, những tuyến đường trong diện kiểu mẫu của thành phố như Ngô Gia Tự, Nguyễn Chí Thanh, Lý Thái Tổ… và nhiều tuyến đường kiểu mẫu khác của thành phố cũng bị các cửa hàng đồ gỗ, đồ nhựa, các cửa hàng gia công biển quảng cáo, đèn, điện… chiếm trọn vỉa hè. Rác rưởi, xe máy đậu chen vào nhau khiến tất thảy những con phố này trở nên bề bộn, nhếch nhác…

Từ năm 2009, thành phố đã ban hành tiêu chí cụ thể về xây dựng những tuyến đường kiểu mẫu cũng như việc tái lập trật tự văn minh đô thị. Trong số những tiêu chí này, có quy định cụ thể là lòng đường, vỉa hè phải luôn sạch sẽ, quét dọn thường xuyên, không để nước đọng, rác thải, nước thải đổ ra mặt đường. Vỉa hè phải bằng phẳng, trong tình trạng sử dụng tốt, đảm bảo an toàn giao thông. Không được phép lấn chiếm vỉa hè để sử dụng vào mục đích khác ngoài việc dành cho người đi bộ và phải bố trí các điểm giữ xe công cộng phù hợp, đúng quy định… Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào một vài tiêu chí như đã nêu, rồi so sánh với thực trạng các tuyến đường của thành phố hiện nay, thì việc hình thành những tuyến đường kiểu mẫu vẫn chưa làm được.

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia trong lĩnh vực đô thị cho rằng, chính quyền các phường vẫn bằng cách này, cách khác, “du di” cho hoạt động buôn bán lấn chiếm vỉa hè thì việc lập lại trật tự đô thị cũng như xây dựng những tuyến đường kiểu mẫu là điều không thể. Việc kinh doanh trên vỉa hè là không được phép, thành phố chỉ cho phép trên một số tuyến đường có vỉa hè rộng, được dành một phần vỉa hè làm nơi giữ xe. Phần vỉa hè này phải được xác định ranh giới cụ thể. Thành phố cũng đã có quy định xử phạt đối với hành vi vứt rác bừa bãi, tiểu tiện, xả nước bẩn không đúng nơi quy định… Nhưng lâu nay chúng ta không làm nghiêm, nên đô thị nhếch nhác, môi trường ô nhiễm là điều dễ hiểu.

Quy định pháp lý đã có, vấn đề còn lại chính là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Đa số người dân sống ở mặt tiền đường thành phố đều có nhu cầu kinh doanh, buôn bán, nhưng để đảm bảo thiết lập được bộ mặt đô thị văn minh thì chính quyền phải có những quy định cụ thể, chặt chẽ từ việc quy hoạch các khu kinh doanh buôn bán hợp lý, không gây mất mỹ quan đô thị, cho đến việc xử lý nghiêm những vi phạm… Quan trọng nhất là cần chấm dứt tình trạng các hộ kinh doanh cứ “biết điều” với lực lượng trật tự đô thị địa phương thì thoải mái lấn chiếm vỉa hè để buôn bán, và quyền hành trong tay lực lượng trật tự đô thị không được dùng để lập lại trật tự đô thị mà là trở thành phương tiện cho những mục đích tư lợi cá nhân.

Lê Hiền
TP.HCM thêm nhiều tuyến đường một chiều

Dự kiến trong tháng 4/2012, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện nhiều tuyến đường một chiều tại 6 khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN