Chợ phiên truyền thống Hà Nội: Nét “quê” còn đến bao giờ?

Cùng với hàng trăm siêu thị, trung tâm thương mại mọc lên từng ngày, Hà Nội vẫn còn có những phiên chợ truyền thống tồn tại như một nét văn hóa đẹp của đất Thăng Long. Nhưng liệu nét văn hóa này còn tồn tại được đến bao giờ lại là điều đáng trăn trở.

 

 

Bài 1: Hồn quê giữa phố

 

 

Như một nốt trầm giữa những ồn ào phố thị, chợ Mơ, chợ Bưởi, là nơi người Hà Nội bây giờ tìm đến như một thú vui tao nhã, một nơi giao lưu buôn bán mang đậm chất người Kẻ chợ xưa.
Chợ Bưởi, dấu ấn người Kẻ Bưởi

 

Nơi bán giống vật nuôi ở phiên chợ Bưởi.

 

Tôi đến chợ Bưởi vào một ngày thứ 7, đúng vào phiên nên chợ nhộn nhịp khác ngày thường, tấp nập kẻ mua, người bán, dù bây giờ chợ chỉ họp ở một góc chợ mới và ven đường Hoàng Hoa Thám. Dốc chợ đi lên đường Hoàng Hoa Thám là cả một dãy xanh mướt các loại cây cảnh được bày bán, dưới hàng cây cảnh là đủ các lồng to, lồng nhỏ, nào chó, mèo, chim bồ câu, gà... đủ loại. Tiếng mèo, chó, tiếng gà, tiếng chim... làm xôn xao cả một góc chợ, đó cũng là những thứ âm thanh đặc trưng, thú vị của mỗi phiên chợ Bưởi.

 

Bao lâu nay, người Hà Nội đến phiên chợ Bưởi (Tây Hồ, Hà Nội) không như đi chợ bình thường mà đến đây để tìm mua những thứ giống cây tốt, những con giống vật nuôi đẹp và hơn hết là để chơi chợ. Đều đặn họp phiên vào các ngày 4, 9, 14, 19, 24, 29 âm lịch hàng tháng, chợ Bưởi truyền thống ngày nay vẫn giữ được nếp xưa, một tháng 6 phiên chợ là dịp để người bán, người mua trao đổi với nhau những mặt hàng không phải chợ nào cũng có.

 


Không ai biết chính xác chợ Bưởi có từ bao giờ, chỉ biết nó được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Chợ Bưởi xưa nằm ở vị trí hợp lưu của sông Thiên Phù và sông Tô Lịch, là một nơi giao thương trên bến dưới thuyền rất sầm uất. Các cụ cao niên ở đây kể lại rằng, xưa kia bưởi vùng mạn ngược theo dòng chảy trôi về rất nhiều, người ta vớt lên bán và dần dần có thói quen gọi vùng này là vùng Bưởi và chợ nằm trong khu vực này cũng được gọi luôn là chợ Bưởi. Chợ Bưởi xưa là nơi trao đổi các sản vật làng nghề của những vùng lân cận tạo nên đặc sản của chợ Bưởi như: Dưa la, húng Láng, tương bần, lụa là, giấy dó… Chợ Bưởi xưa còn đặc biệt với phiên chợ ngày 29 Tết, phiên chợ cuối cùng của năm, người dân các làng vùng Bưởi cùng nhau mua trâu, bò rồi giết mổ tại chợ, chia nhau ăn Tết. Gốc đề cổ thụ ở góc đường Thụy Khuê - Lạc Long Quân là nhân chứng cho những phiên chợ đặc biệt ấy. Theo lời những người ở đây kể lại, xưa gốc cây này là nơi cột trâu, bò, nhất là phiên chợ đại gia súc cuối năm, trâu, bò được cột thành từng đàn cho người mua lựa chọn, dù làm thịt ăn Tết hay mua nuôi cũng sẽ gặp nhiều may mắn trong phiên chợ cuối năm này.

 


Phiên chợ Mơ

 


Đến phiên chợ Mơ vào sáng sớm mới cảm nhận được hết cái không khí của thú vui chơi chợ, bởi từ lâu chợ Mơ là điểm đến của những “dân chơi” thú nuôi, cây cảnh. Chợ giờ chuyển về họp ở dọc trên vỉa hè hai bên bờ sông Kim Ngưu. Từng lồng mèo con, chó con, gà con, chim, chậu cá cảnh xếp la liệt... Người bán, người mua tấp nập, các giống chó, mèo quý từ nhiều nơi được mang tới đây tha hồ cho khách lựa chọn, ngắm nghía, trả giá. Điểm đặc biệt của chợ Mơ là đôi khi quyền định giá con giống thuộc về khách mua. Bởi thế có những con giống được khách ưng có giá rất cao. Ngoài các loại vật nuôi, cây giống tuy không phong phú như chợ Bưởi nhưng trong phiên chợ Mơ vẫn có những bó cây rau giống từ su hào, xà lách, bắp cải... đến các loại cây trồng như lựu, hồng, nhãn, cây cảnh...

 


Phiên chợ Mơ hiện nay vẫn giữ nếp họp vào các ngày 2, ngày 7 âm lịch trong tháng, dọc bên hai bờ sông Kim Ngưu. Chợ Mơ xưa thuộc phường Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng. Trước đây người dân ở khu vực này sống bằng nghề trồng cây mai lấy quả, có các giống mai vàng, mai hồng, mai trắng nên mới có các tên Hoàng Mai, Hồng Mai, Bạch Mai như ngày nay. Mai còn có nghĩa là mơ nên người dân ở đây từng được gọi là người Kẻ Mơ. Ban đầu vì nhu cầu trao đổi giống cây trồng, dụng cụ nông nghiệp, người dân họp chợ ở cuối phố Bạch Mai và lấy tên là chợ Mơ, họp các phiên vào 2, 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch hàng tháng. Sau này khi người dân di cư tới đây ở đông đúc, chợ Mơ cũng nhộn nhịp hơn nhưng vẫn giữ lệ cũ họp theo phiên và thêm các mặt hàng vật nuôi, con giống và hình thành một ngôi chợ quy mô lớn nằm trên đường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng. Năm 2008, sau khi dự án xây dựng trung tâm thương mại bắt đầu khởi công thì chợ Mơ di dời họp tạm 2 bên bờ sông Kim Ngưu.

 


Bài và ảnh: Tạ Nguyên

 

Bài cuối: Chợ phiên còn đến bao giờ?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN