Gian nan vượt lũ
Về huyện An Phú - nơi đầu nguồn vùng biên giới của tỉnh An Giang vào những ngày giữa tháng 9, tại điểm Trường Tiểu học B Vĩnh Hội Đông (xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú) như một ốc đảo bị lũ “bao vây”, chúng tôi mới thấy hết được sự khó khăn, vất vả của các em học sinh nơi đây. Bất chấp con nước dữ, hàng ngày các em vẫn đến trường đều đặn trên những chiếc xuồng hoặc võ lãi (thuyền làm bằng vật liệu composite) bất kể thời tiết mưa, gió để tiếp tục nuôi ước mơ với con chữ những mong sau này cuộc sống đỡ vất vả hơn.
Trường Tiểu học B Vĩnh Hội Đông hiện có 151/552 em học sinh (tập trung dọc theo tuyến kênh Ngọn Cả Hàng) phải đi đò võ lãi đến trường mỗi ngày. Phía trước cổng trường ngày thường là tuyến đường giao thông đông người qua lại, nay đã chìm trong nước lũ. Mới hơn 6 giờ sáng, con đường… ngập nước trước cổng trường huyên náo hẳn lên bởi xuồng, võ lãi liên tục cập bến đưa học sinh đến trường. Tiếng học sinh í ới gọi nhau, tiếng phụ huynh dặn con không được ra bờ sông nghịch nước…
Em Nguyễn Ngọc Thiên Như, học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học B Vĩnh Hội Đông cho biết, đường từ nhà em đến trường bị nước ngập hết, em không thể đến trường bằng xe đạp. Những ngày đầu em được bố mẹ dùng võ lãi đưa đón đến trường, nhưng từ khi được nhà trường và các chú ở xã tổ chức dùng võ lãi đưa học sinh đến trường em thấy rất an tâm.
Bà Nguyễn Thị Hai là phụ huynh có hai con học tại Trường Tiểu học B Vĩnh Hội Đông cho biết, trường và UBND xã tổ chức đưa đón các cháu rất an toàn. Tất cả các cháu khi lên xuồng hoặc võ lãi đều phải mặc áo phao nên phụ huynh như rất an tâm. “Hôm nào các cháu học hai buổi, các chú ấy tổ chức đưa đón 4 lượt nhưng tụi nhỏ chẳng phải tốn tiền hay phí gì”, bà Hai vui vẻ cho hay.
Theo ghi nhận của phóng viên, vào khoảng 10h40', giờ tan học buổi sáng, dưới bến sông tại cổng Trường Tiểu học B Vĩnh Hội Đông đã có 5 chiếc vỏ lãi đang chờ đón các em học sinh đưa về nhà. Các em học sinh sau khi tan học không cần thầy cô giáo nhắc nhở mà tự giác mặc áo phao, nhiều em đã mặc áo phao ngay tại lớp trước khi xuống võ lãi.
Theo danh sách (nhà trường đã phân loại theo các tuyến kênh), các em học sinh cẩn thận bước xuống những chiếc vỏ lãi ngồi ngay ngắn. Sau khi ổn định và kiểm tra lại số lượng đúng như danh sách, chủ phương tiện cho nổ máy, đưa các em học sinh về tận nhà.
Thầy Hà Minh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học B Vĩnh Hội Đông cho biết, năm nay trường có 151/534 em trong tổng số học sinh sống trong vùng bị nước lũ chia cắt, phần đông các em ở 2 ấp Vĩnh Hòa và Vĩnh An, dọc theo kênh Ngọn Cả Hàng tiếp giáp thành phố Châu Đốc. Những điểm này có nơi nước ngập sâu gần 2m nên các em không thể đến trường bằng đường bộ được.
Hơn nữa, Vĩnh Hội Đông là xã vùng sâu biên giới nên đa số gia đình của các em học sinh đều làm nghề thả câu, giăng lưới, làm thuê nên việc tự đưa đón con em đi học gặp nhiều trở ngại. Vì thế ngay từ đầu năm học, trường đã chủ động phối hợp với UBND xã Vĩnh Hội Đông tổ chức 5 tuyến đón rước 151 em học sinh đến trường an toàn.
Gần 11 giờ trưa, chiếc võ lãi của anh Trần Văn Hiền, là dân quân tự vệ xã Vĩnh Hội Đông nổ máy từ cổng Trường Tiểu học B Vĩnh Hội Đông ra sông lớn rồi chạy hướng về tuyến kênh Ngọn Cả Hàng. Lũ lớn, nước chảy mạnh, chiếc võ lãi lắc lư chòng chành theo sóng nước, các em học sinh ngồi im lặng, có em tay bám chặt vào thân võ lãi. Trên sông lớn, thấp thoáng nhiều xuồng nhỏ chở phụ huynh và học sinh chao nghiêng khi có tàu ghe chạy qua. Con kênh Ngọn Cả Hàng ngày thường nước lấp xấp nay lũ về nước dâng cao phủ ngập không còn phân biệt đâu tuyến đường làng ngày thường người dân hay qua lại. Những cây còng, cây dừa, bụi tre đứng ngâm mình trong nước, những căn nhà sàn ngày thường xây rất cao nay sàn nhà đã mấp mé, cách mặt nước chừng 20cm.
Chị Nguyễn Minh Châu mẹ của em Lê Văn Phát bày tỏ, mùa lũ này đường xá ngập hết nên học sinh tiểu học đến trường rất vất vả và cực khổ, nếu không có các phương tiện đưa rước, việc đi học của con chị và các bé khác sẽ bị gián đoạn.
Nhà em Phát cũng như bao bạn học khác đang ngồi trên chiếc võ lãi do anh Hiền lái này đều nằm trong khu vực bị nước lũ chia cắt, mọi sinh hoạt, di chuyển đều bằng xuồng hoặc võ lãi. Cứ thế, chiếc võ lãi lại tách bến, chạy đến các nhà học sinh khác… đến gần 12 giờ trưa mới xong lượt thứ 2 của buổi sáng. Khoảng 12h30' anh Hiền lại tiếp tục công việc của mình là đón các em học sinh tại nhà và đưa các em tới trường. Việc đưa, rước học sinh mùa lũ của anh Hiền cứ lặp đi lặp lại như vậy ít nhất là trong 3 tháng mùa lũ, với mong muốn đưa các em học sinh đến trường an toàn và không phải nghỉ học vì lũ.
Vì sự an toàn cho học sinh
Theo bà Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang, đến thời điểm hiện này cả tỉnh chưa có trường nào bị ngập. Song lũ năm nay về sớm và cao hơn mọi năm đến hơn 1m nước, nhiều tuyến đường đến một số điểm trường trên địa bàn huyện An Phú và thị xã Tân Châu đã bị ngập khá sâu, gây khó khăn trong việc đi lại của giáo viên và học sinh.
Năm nay lũ rất sớm và mực nước lên rất nhanh, ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi học của 219 học sinh trên địa bàn xã (chủ yếu là các em học sinh Trường Tiểu học B Vĩnh Hội Đông), nên ngày từ đầu ngày tựu trường (20/8) của năm học 2018 - 2019, xã đã có kế hoạch tổ chức đưa đón các em đi học. Lực lượng dân quân của xã phối hợp với những hộ dân có phương tiện (UBND xã hỗ trợ tiền xăng) chia làm 5 hướng đưa đón các em theo 5 tuyến chính. Trong đó tuyến gần nhất khoảng 1km và xa nhất là 3km với hơn 151 em học sinh. Còn những khu vực gần, người dân cùng lực lượng dân quân bắc cầu khỉ nhằm phục vụ cho nhu cầu đi lại của học sinh và người dân.
“Trong điều kiện bị ngập lũ lâu dài, nếu không tổ chức đưa rước các em đến trường thì khó đảm bảo an toàn, chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng học sinh bỏ học”, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hội Đông Huỳnh Công Phương khẳng định.
Ông Lê Minh Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú cho biết, là địa bàn đầu nguồn vùng lũ của tỉnh An Giang nên nhiều năm qua huyện An Phú cũng như các ngành liên quan luôn có “kịch bản” cho những năm lũ nhỏ, lũ lớn. Riêng mùa lũ năm nay lũ về sớm, mực nước không ngừng dâng cao. Qua thống kê trên toàn huyện có gần 2.000 học sinh phải đi đò đến trường, có 1.097 học sinh con em của người Việt Nam sinh sống bên nước bạn Campuchia (khu vực gần biên giới hai nước) hàng ngày qua sông đi học ở An Phú. Trong số đó có 260 em học sinh được bố mẹ đưa rước đến trường hàng ngày, 476 em học sinh được UBND xã và nhà trường tổ chức đưa đón vào mùa lũ.
Ngay từ đầu năm học, UBND huyện An Phú đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và xã hội cùng các trường lập danh sách học sinh trong vùng ngập lũ sau đó bố trí lực lượng chạy xuồng hoặc võ lãi đến tận nhà đưa đón các em đến trường, cố gắng không để các em bị trễ giờ học hay phải nghỉ học do lũ.
Ngoài việc tổ chức đưa đón các em học sinh đến trường khi các tuyến đường dân sinh bị ngập, UBND huyện An Phú còn chủ động lập kế hoạch bố trí 35 điểm giữ trẻ miễn phí mùa lũ, nhằm đảm bảo an toàn cho các cháu trong thời gian bố mẹ các cháu đi làm, không có thời gian chăm sóc.
Hiện toàn huyện đã tổ chức 5 điểm giữ trẻ mùa lũ, mỗi điểm từ 30 - 40 cháu; tập trung ở xã Vĩnh Hội động (2 điểm), xã Phú Hội (2 điểm) và 1 điểm ở xã Vĩnh Trường. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn tổ chức 30 điểm cứu hộ trên địa bàn toàn huyện để khi người dân gặp nạn kịp thời ứng cứu.