Sau gần 15 năm thực hiện chương trình chống ngập bằng nhiều giải pháp từ cục bộ đến tổng thể... thành phố vẫn chưa hết ngập. Diễn biến thực tế dường như đang vượt ra ngoài tầm tính toán và kiểm soát của những nhà chuyên môn, trong khi số tiền đổ vào các dự án chống ngập đang ngày một đội lên cao.Mưa là ngậpNgười dân thành phố tuy đã quá quen với cảnh ngập lụt sau những trận mưa, nhưng sau bao nhiêu lời hứa về xóa ngập, những trận mưa đầu mùa trong mấy ngày qua lại dấy lên một nỗi ám ảnh quen thuộc. Sau trận mưa lớn chiều 20/6, cả thành phố lại chìm trong biển nước. Khu vực đường Kinh Dương Vương, đoạn quận Bình Tân, quận 6 nước ngập đến nửa mét. Tình trạng ngập lụt thường xuyên ở khu vực này nhiều lần được các ngành chức năng giải thích là sẽ hết ngập sau khi hoàn thành dự án kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Tuy nhiên, hiện nay dự án này đã cơ bản hoàn thành nhưng tình trạng ngập vẫn không hề giảm.
Đường Kinh Dương Vương biến thành sông sau một cơn mưa. |
Hình ảnh người dân dắt xe máy lội bì bõm giữa con đường nước chảy như sông cũng đã trở nên quen thuộc trên nhiều tuyến đường các quận vùng ven thành phố. Cũng trong trận mưa chiều 20/6, hàng loạt tuyến đường như Phạm Văn Đồng, Tô Ngọc Vân, Võ Văn Ngân, Kha Vạn Cân thuộc quận Thủ Đức, khu vực đại lộ Hà Nội, đoạn giáp giữa quận 9 và quận 2, khu vực đầu cầu Rạch Chiếc... bị ngập nặng. Nhiều đoạn trên các tuyến đường này, nước ngập sâu hơn nửa mét, khiến nhiều phương tiện chết máy gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Ngay trên tuyến đường mới hoàn thành, khá hiện đại như đường Phạm Văn Đồng, nhiều gia đình phải đặt một số vật cản để giảm tốc độ xe, ngăn nước tràn vào nhà...
Như vậy, sau gần 15 năm triển khai nhiều giải pháp chống ngập, từ chống ngập, xóa ngập cục bộ, nạo vét, cải thiện môi trường cho các lưu vực kênh, rạch lớn, xây dựng và triển khai các đề án chống ngập do mưa, lũ và triều cường... tình trạng ngập ở TP Hồ Chí Minh dường như đang vượt ra khỏi tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Nếu như hai năm trước, các ngành chức năng của thành phố báo cáo, trong 58 điểm ngập ở khu vực trung tâm, thành phố đã xóa được 47 điểm ngập, khiến người dân yên tâm, vui mừng, thì mùa mưa năm 2014 vừa qua, 14 điểm được xóa ngập đã... tái ngập và còn phát sinh thêm 2 điểm ngập mới. Mùa mưa năm nay mới bắt đầu nhưng tình trạng tái ngập ở một số nơi cũng đang diễn ra trên diện rộng. Thống kê của Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập TP Hồ Chí Minh cho thấy, trên địa bàn thành phố hiện tại còn điểm ngập úng do mưa. Trong đó có 29 điểm ngập phát sinh.
Cần thêm 51,3 nghìn tỷ Lý giải về tình trạng ngập lớn sau những trận mưa đầu tiên, TS Hồ Long Phi, nguyên Phó ban Điều hành chương trình chống ngập TP Hồ Chí Minh cho rằng: Có nhiều nguyên nhân như tốc độ đô thị hóa, mưa ở thời điểm triều cường cao, hệ thống cống thoát bị tắc do rác... Chẳng hạn, khu vực quận Gò Vấp, là khu vực có tốc độ đô thị hóa thuộc loại cao nhất thành phố, nhiều kênh, rạch, ao, đất nông nghiệp đã bị san lấp để xây dựng, hệ thống cống thoát nước mới để thay thế nhiệm vụ tiêu thoát nước cho kênh, rạch cũng như cống kiểm soát triều... chưa được lắp đặt đầy đủ.
Khu vực thuộc lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm, tuy mới cải tạo, nhưng có thể do mưa rơi đúng vào thời điểm triều cao nên các phay ngăn triều tự động đóng lại, “vô tình” chặn luôn cả đường thoát nước mưa. Mặt khác, tình trạng người dân xả rác, thiếu ý thức giữ gìn môi trường cũng là nguyên nhân khiến các hố ga thu nước bị rác đóng kín, hoặc bị chính người dân bít lại lúc không có mưa nhằm ngăn mùi hôi từ cống thoát ra khiến nước mưa không thể thoát được. Ngoài ra, Thành phố còn đang bị hiện tượng lún mặt đất và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng nên tình trạng ngập úng ngày càng nghiêm trọng.
Trước thực trạng này, Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh cho biết, trước mắt, thành phố vẫn tiếp tục thực hiện công tác duy tu, sửa chữa, nạo vét hệ thống thoát nước có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các vị trí thường xuyên bị ngập nước và tập trung triển khai 61/ công trình cấp bách trong năm 2015 như đấu nối mở hướng thoát nước, xây dựng tường tạm, lắp van ngăn triều... để giải quyết tình trạng ngập hiện nay. Thành phố đang nỗ lực xử lý 51/ điểm ngập úng trên địa bàn, nhưng 17 điểm ngập còn lại sẽ phải chuyển sang giai đoạn từ năm 2016 trở đi mới có các giải pháp xử lý. Đây là những điểm ngập chưa thể xử lý ngay do liên quan đến việc thực hiện các dự án khác.
Chẳng hạn, để giải quyết tình trạng ngập tại tuyến đường Lê Đức Thọ thì phải đợi đến năm 2017, khi thực hiện dự án đấu nối cống các hẻm số 1 thoát ra kênh Tham Lương - Bến Cát và việc lắp đặt cống thoát nước thuộc dự án nâng cấp đô thị hoàn thành thì tình trạng ngập ở đây mới được giải quyết. Hoặc trên tuyến đường Phan Anh, quận Tân Phú, dù bị ngập toàn tuyến, nhưng dự kiến đến năm 2018 mới có thể thực hiện việc nạo vét và cải tạo rạch Bàu Trâu để giúp giảm ngập khu vực này.
Dù vậy, theo Trung tâm Chống ngập nước TP Hồ Chí Minh, để đảm bảo các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8,10, 11, 12, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp và các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn không bị ngập, thành phố cần phải xây dựng 8 cống kiểm soát triều gồm cống Vàm Thuật, Rạch Nước Lên, Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và Phú Định. Ngoài ra, cần phải xây dựng cống nhỏ và tuyến đê bao đoạn từ cống Vàm Thuật đến cống Mương Chuối dài 35 km; xây dựng tuyến đê men theo mép bờ cao sông Sài Gòn và Nhà Bè và một số đoạn đê bao khác ở khu vực Hóc Môn, Bình Chánh...
Các dự án này sẽ được thực hiện từ nay đến năm 2018. Sau năm 2018 sẽ hoàn thành hệ thống kênh tiêu, đê bao, hồ điều tiết, trạm bơm, cống kiểm soát triều... Để thực hiện được những hạng mục công trình gồm thoát nước mưa, kiểm soát triều và xử lý nước thải, từ nay đến năm 2020 thành phố cần 51.317 tỷ đồng. Trong đó cải tạo, xây dựng hệ thống thoát nước 11.610 tỷ đồng; xây dựng 4 nhà máy xử lý nước thải 29.854 tỷ đồng; đê bao, cống kiểm soát triều: 9.853 tỷ đồng.