Đến hẹn lại lên, cùng với cái nắng oi ả mùa hè, người dân Thủ đô lại thường trực nỗi lo đối phó với úng ngập và thiếu nước sạch trên địa bàn. Ngay từ tháng 4, các phương án thoát nước, cấp nước được chuẩn bị kỹ lưỡng đã bắt đầu được vận hành và sẽ phát huy hết công suất để cung cấp nước sạch và tiêu úng cho người dân Thủ đô.
Xây dựng phương án giảm ngập úng
Ngay trước mùa mưa, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội đã lên phương án thoát nước mùa mưa năm 2012, nhằm giảm thiểu tối đa các điểm úng ngập, nước rút nhanh khi xảy ra mưa.
Huy động tổng lực
Phương án thoát nước chống úng ngập cho nội thành khi có mưa được đưa ra với 3 tình huống, mưa vừa dưới 50 mm, mưa to từ 50 - 100 mm và mưa rất to, trên 100 mm.
Trận mưa to kéo dài lúc 10 giờ sáng ngày 8/8/2011, làm nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội rơi vào tình trạng ngập lụt trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến đi lại và sinh hoạt của người dân. Ảnh: Dương Giang– TTXVN |
Theo Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội Nguyễn Lê, khi xảy ra mưa, công ty chủ động vận hành hệ thống thoát nước đảm bảo mực nước được khống chế theo đúng phương án được duyệt. Tại khu vực Trạm bơm Yên Sở và các trạm bơm khác, vật tư, nhân lực luôn luôn sẵn sàng để giữ an toàn vận hành cho trạm bơm. Đồng thời các xe bơm di động, xe hút tec và các thiết bị cơ giới cũng được chuẩn bị để kịp thời khơi thông cống rãnh và sẵn sàng triển khai lực lượng ứng trực đảm bảo nước rút nhanh khi mưa xuống.
Bên cạnh đó, công ty phối hợp với các đơn vị thi công phá dỡ toàn bộ các đập quây thi công, dẫn dòng trên hệ thống thoát nước, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão và các công ty thủy nông kết hợp điều hòa mực nước hợp lý trên toàn hệ thống thoát nước nội thành và thủy nông ngoại thành. Phối hợp với các đơn vị khác như điện lực, lực lượng chức năng, cơ quan thông tin đại chúng... để đảm bảo nguồn điện cho các trạm bơm và thông báo các điểm úng ngập cũng như phân luồng giao thông, đảm bảo an toàn giao thông và chống ách tắc.
Trong ba tình huống được đưa ra, bên cạnh việc huy động nhân lực và phương tiện chống ngập, thì việc vận hành Trạm bơm Yên Sở và điều tiết mực nước các hồ rất quan trọng. Khi mưa to và rất to, Trạm bơm Yên Sở sẽ được vận hành tối đa công suất và khả năng thoát nước của đập Thanh Liệt (khi đập có chiều hướng chảy vào thì đóng đập), đồng thời vận hành tối đa công suất của các trạm bơm cục bộ khác. Đồng thời, vận hành các cửa đập điều tiết để khai thác khả năng điều hòa của các hồ và đặt tổ bơm di động tại các khu vực trũng như Tôn Đản, Phạm Văn Đồng... sử dụng phương tiện cơ giới thông tắc, bơm hút giảm thiểu thời gian úng ngập cho các khu vực địa hình trũng.
Trong trường hợp mưa trên 100 mm, ngoài các biện pháp trên, công ty sẽ huy động tổng lực 100% cán bộ công nhân viên đi làm vệ sinh các họng thu nước mặt, kịp thời xử lý các vật cản cản trở dòng chảy; kiểm tra, kiểm soát các cửa cống ra sông Nhuệ, không để nước sông Nhuệ tràn vào nội thành, phá dỡ toàn bộ các đập chắn, đập dẫn dòng trên hệ thống thoát nước. Khi mực nước sông Nhuệ lên cao và úng ngập trong nội thành đã được kiểm soát, sẽ mở đập Thanh Liệt đưa nước về Trạm bơm Yên Sở hỗ trợ tiêu nước cho sông Nhuệ, khu vực quận Hà Đông.
Công ty phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để điều hòa nước hợp lý giữa nội thành và ngoại thành, khai thác hết công suất các trạm bơm nội thành đồng thời vận hành các trạm bơm nông nghiệp như Đông Mỹ, Siêu Quần... hỗ trợ tiêu nước cho nội thành. Vận hành các cửa phải để phân vùng tiêu nước. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo vận hành trạm bơm Yên Lệnh hỗ trợ tiêu nước sông Nhuệ.
Khó khăn hiện nay là một số chủ đầu tư và nhà thầu chưa phối hợp với công ty khi thực hiện các dự án trên hệ thống thoát nước, không nghiêm túc thực hiện biện pháp dẫn dòng như thỏa thuận, bơm bùn thải từ công trình ra hệ thống thoát nước. Việc phá dỡ các đập chặn, dẫn dòng thi công nếu không được các chủ đầu tư và đơn vị thi công thực hiện đúng thỏa thuận sẽ gặp khó khăn khi mưa xảy ra. Ngoài ra một số hồ đã cải tạo, các tuyến cống hóa mương, cống lớn được đầu tư trong các dự án giao thông vẫn chưa được bàn giao cho công ty để vận hành phục vụ thoát nước; hiệu quả công tác thoát nước nội thành cũng phụ thuộc lớn vào công tác điều hòa nước hợp lý giữa nội thành và các khu vực lân cận.
Nội thành vẫn còn 21 điểm ngập
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết: Do thời tiết năm nay có khả năng diễn biến rất phức tạp, mưa bão bất thường, phân bố không đều trong khi thành phố đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, hệ thống thoát nước đô thị ngày càng mở rộng, các công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xây dựng đường vừa phải đảm bảo tiến độ dự án, vừa phải đảm bảo không ảnh hưởng đến thoát nước là những khó khăn cho công tác chống úng ngập nội thành.
Mặt khác, hệ thống thoát nước, ngoài hệ thống sông nội thành đã cơ bản cải tạo xong, các tuyến mương nhìn chung tiết diện nhỏ, cao độ đáy hiện trạng không đảm bảo khả năng tiêu thoát nước mưa. Hệ thống mương mới bắt đầu được đưa vào cải tạo trong dự án thoát nước giai đoạn II, do đó đây vẫn là hạn chế của hệ thống thoát nước nội thành trong mùa mưa này. Hệ thống cống cũng vẫn còn khoảng 1/4 đang thi công trong giai đoạn II, một số khu vực nội thành vẫn còn thiếu cống thoát nước như quận Thanh Xuân, Hoàng Mai. Mùa mưa năm nay, khu vực nội thành, nơi hệ thống thoát nước đã hoàn thiện sẽ không có úng ngập khi mưa nhỏ hơn 50 mm và chỉ còn khoảng 21 điểm úng ngập khi mưa trên 100 mm.
Hướng tới mục tiêu thoát nước nhanh và đối phó với các trận mưa theo từng tình huống, kể cả các trận mưa vượt quá công suất thiết kế của hệ thống thoát nước; phát huy hiệu quả cao nhất các thiết bị công trình thoát nước, đặc biệt là cụm công trình đầu mối Yên Sở 90 m3/s... Sở Xây dựng đã chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác duy tu duy trì, quản lý vận hành an toàn và hiệu quả, khai thác triệt để năng lực của hệ thống thoát nước hiện có.
Sở cũng chỉ đạo các đơn vị kiểm soát và khống chế mực nước đệm trên hệ thống cống, kênh mương, hồ điều hòa, nhất là mực nước trên các sông thoát nước Lừ, Sét, Kim Ngưu, Tô Lịch được khống chế theo cao độ thiết kế. Mực nước tại các hồ điều hòa trong khu vực nội thành được khống chế theo cao độ quy định. Trạm bơm Yên Sở và các trạm bơm đầu mối, đập điều tiết, trạm bơm cục bộ được bảo dưỡng định kỳ toàn bộ, sửa chữa các bơm, động cơ hư hỏng đảm bảo tình trạng sẵn sàng hoạt động 24/24 giờ trước mùa mưa. Đối với công tác ứng trực khi mưa, đã chuẩn bị sẵn sàng các xe bơm di động, xe hút tec, các thiết bị phương tiện cơ giới, các trạm bơm cục bộ hiện có để bơm nước chống úng ngập cục bộ tại một số điểm trũng trên các trục đường chính...