Vấn đề này đã ảnh hưởng tới tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi của người lao động, đặc biệt ảnh hưởng tới tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tư tưởng, việc làm của công nhân, người lao động.
Nhằm chủ động, kịp thời nắm bắt tình hình, không để vấn đề phức tạp phát sinh, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội yêu cầu Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã; Công đoàn ngành; Công đoàn cấp trên cơ sở; Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội nắm chắc tình hình tư tưởng, tình cảm của công nhân lao động trên địa bàn thuộc đơn vị, địa phương quản lý. Theo đó, cử cán bộ theo sát quan hệ lao động tại các doanh nghiệp và thông tin trên mạng xã hội, chủ động xây dựng phương án xử lý tình huống trong mọi hoàn cảnh.
Các công đoàn cơ sở, đặc biệt là khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tham gia xây dựng phương án và thực hiện việc chi trả trả lương, thưởng, các khoản phúc lợi khác trong dịp Tết sớm, để công nhân lao động yên tâm làm việc. Đồng thời, nắm bắt tình hình và giám sát việc trả lương, trả thưởng của đơn vị, doanh nghiệp, phản ánh kịp thời với công đoàn cấp trên.
Khi có tranh chấp lao động tập thể xảy ra, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chủ động báo cáo cấp uỷ, phối hợp với các cơ quan chức năng nhanh chóng giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân lao động và tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Đồng thời báo cáo ngay bằng điện thoại, email về Liên đoàn Lao động thành phố để có sự chỉ đạo giải quyết.
Thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, các cấp công đoàn chủ động tham gia với người sử dụng lao động, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phân công cán bộ, công nhân viên chức lao động trực Tết đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và tài sản của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, an toàn giao thông và phòng chống cháy nổ.
Cũng như mọi năm, công tác chuẩn bị Tết cho công nhân, viên chức, người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội được triển khai từ sớm. Ngay từ đầu tháng 12/2018, Liên đoàn Lao động thành phố đã yêu cầu các cấp công đoàn chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp, người sử dụng lao động đẩy mạnh việc chăm lo Tết cho người lao động, thực hiện đồng bộ ở các cấp với các nội dung cụ thể như: Phát tiền lương, tiền thưởng; tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà; tổ chức chương trình "Tết sum vầy", xe đưa công nhân về quê ăn Tết.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, người lao động Thủ đô phấn khởi hơn khi mức lương, thưởng tăng khoảng 4% đến 6% so với năm trước. Mặc dù mức lương, thưởng Tết của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội không xác lập kỷ lục mới, song có mức trung bình tương đối cao và đồng đều. Đa số người lao động làm việc từ đủ 12 tháng trở lên nhận được mức thưởng Tết cao hơn mọi năm. Cụ thể, các Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên do Nhà nước nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ có mức thưởng bình quân 3,8 triệu đồng/người, tăng 3,3% so với năm trước.
Trong đó, doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là 40 triệu đồng/người, thấp nhất là 800 nghìn đồng/người. Người lao động ở các công ty có cổ phần vốn góp chi phối của Nhà nước mức thưởng bình quân là 4 triệu đồng/người, tăng 3,8% so với năm trước (doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là 30 triệu đồng/người, thấp nhất là 650 nghìn đồng/người).
Khối doanh nghiệp dân doanh có mức thưởng bình quân là 4,2 triệu đồng/người, tăng 6,3% so với năm trước (doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là 72 triệu đồng/người, thấp nhất là 660 nghìn đồng/người). Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn giữ vị trí đứng đầu khi mức thưởng bình quân mỗi lao động là 4,8 triệu đồng, tăng 4,4% (doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là 396,1 triệu đồng/người, thấp nhất là 750 nghìn đồng/người).