Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp ở Ninh Thuận đang phối hợp một cách chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, các hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tổ chức phun xịt hóa chất, rãi vôi tiêu độc, khử trùng có trọng điểm, những nơi có nguy cơ phát sinh dịch bệnh nhằm tiêu diệt kịp thời vi rút gây bệnh lở mồm long móng.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận Phan Quang Thựu, tính đến ngày 25/12, mặc dù trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra dịch bệnh lở mồm long móng trên gia súc, thế nhưng nguy cơ xảy ra dịch bệnh là khó tránh khỏi.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với chính quyền các địa phương trong tỉnh khẩn trương tiến hành thực hiện tiêu độc khử trùng một cách đồng bộ, toàn diện, tập trung với tần suất cao để phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng xảy ra.
Hiện toàn bộ thuốc sát trùng (hóa chất Benkocid) đã được UBND tỉnh hỗ trợ đầy đủ cho các địa phương theo nhu cầu đăng ký; đồng thời các địa phương cũng đã chủ động trích kinh phí từ ngân sách để mua vôi rãi, triển khai tiêu độc, khử trùng với sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chuyên môn.
Ông Trương Khắc Trí, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Ninh Thuận cho biết, được sự hướng dẫn trực tiếp về chuyên môn của Chi cục, các địa phương của 7 huyện/thành phố trong tỉnh đã thành lập các tổ, đội; đồng thời cử lực lượng thực hiện phun thuốc tiêu độc, khử trùng tập trung, trong đó nòng cốt là lực lượng đã và đang tham gia tiêm vác xin phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
Từ đầu năm đến nay, Ninh Thuận đã thực hiện 7 đợt triển khai tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường một cách đồng bộ, tập trung với tần suất cao và phát huy tốt hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Nhờ đó, dịch bệnh lở mồm long móng trên gia súc đã không xảy ra.
Mặc dù tỉnh có dịch bệnh tả lợn châu Phi nhưng so với các tỉnh, thành trong cả nước, Ninh Thuận là địa phương sau cùng xảy ra dịch bệnh với quy mô nhỏ tại 6 xã, thị trấn của 3 huyện vào cuối tháng 8/2019, tổng số lợn bệnh, chết buộc phải tiêu hủy chỉ khoảng 1.000 con, chiếm 1,15% tổng đàn.