Chủ động ứng phó lũ quét, sạt lở đất

Mưa lớn trong vài ngày qua, đặc biệt là cơn mưa lớn đêm 17/9 rạng sáng ngày 18/9 đã gây ngập úng ở một số tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ.


Thiệt hại nghiêm trọng

Tại Thanh Hóa, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với hoạt động mạnh của nhiễu động gió Đông trên cao, từ ngày 14/9 đến 7 giờ sáng 18/9, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa vừa đến mưa to, trong đó các cơn mưa từ chiều 17/9 đến rạng sáng 18/9 đã khiến mực nước sông Mã, sông Bưởi, sông Cầu Chày lên nhanh và ở mức cao, gây thiệt hại về tài sản, gây ngập lụt nhà cửa và hoa màu ở các huyện Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Quan Sơn, Thạch Thành, Mường Lát, Cẩm Thủy, Thọ Xuân, Yên Định, Hoằng Hóa và Tĩnh Gia.

Tại địa bàn huyện miền núi Cẩm Thủy trong sáng 18/9, người dân ở đây cho biết, vào khoảng 20 giờ tối 17/9, mưa lớn cộng với nước từ thượng nguồn tràn về với lưu lượng rất lớn khiến 6 hộ dân của thôn Mùn, xã Cẩm Sơn cùng với 1 phòng khám, 1 cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn xã bị lũ quét gây thiệt hại nặng nề về tài sản.

Chị Phạm Thị Liễn (dân tộc Mường) thôn Mùn, xã Cẩm Sơn cho biết: "Tối 17/9, mưa to, lũ về quá nhanh khiến nước suối Gò Lý dâng cao, chúng tôi không kịp sơ tán bất cứ tài sản, chỉ biết chạy lên chỗ cao để thoát thân. Gia đình tôi phải bám người vào dây điện để không bị lũ cuốn trôi. Lũ đã cuốn đi 25 con lợn thịt sắp đến kỳ xuất chuồng, bây giờ gia đình tôi hoàn toàn tay trắng, chưa biết làm gì để sinh sống".

Theo Văn phòng thường trực chỉ huy phòng chống lụt bão Thanh Hóa, đến 16 giờ chiều 18/9, đã có 1.1 ha lúa mùa bị ngập, nhiều huyện bị ngập nặng như Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy, Thạch Thành... 1.294 ha cây trồng vụ đông bị ngập, hư hỏng, 355 ha mía bị gãy đổ. Nhiều tuyến quốc lộ bị sạt lở.

* Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, mưa lớn trong 3 ngày qua, đã gây thiệt hại khá nghiêm trọng. Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 6 người chết do mưa lũ gây ra. Trong đó, riêng ngày 18/9 đã xảy ra 2 vụ đuối nước làm 4 học sinh tử vong. Mưa lũ còn làm sập đổ 4 nhà dân; gây sạt lở, làm ách tắc giao thông nghiêm trọng tuyến đường 543, 545 thuộc các huyện miền núi Kỳ Sơn, Quế Phong...

Tại Km20+930, ĐT 543 thuộc địa bàn xã Tri Lễ, huyện Quế Phong đã sạt lở taluy dương dài 30 m, rộng 6 m gây ách tắc giao thông; tại m178+197, ĐT.543, thuộc địa bàn xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn sạt lở taluy dương lấp toàn bộ mặt đường dài 20 m, rộng 6 m, với khối lượng ước tính là 700 m3. Nhiều điểm ngập úng cũng xảy ra trên các tuyến đường 542, 531 gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.

Mưa lớn còn gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp, làm 74,5 ha lúa ngập, đổ; 214 ha ngô ngập nước; rau, màu hư hỏng 567 ha; 24,3 ha ao cá bị thiệt hại... Ngoài ra, 8 công trình thủy lợi thuộc các huyện Tương Dương, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Yên Thành hư hỏng; 5 cầu giao thông nông thôn bị sập và hư hỏng.

* Từ ngày 16 - 18/9, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có mưa vừa, mưa to đến rất to trên diện rộng. Thành phố Hòa Bình và các huyện Lạc Sơn, Kim Bôi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo báo cáo của Chi cục Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình, lượng mưa tính đến 7 giờ ngày 18/9 phổ biến các nơi từ: 188 - 399 mm. Trên các sông, suối trong tỉnh đã xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lên từ 3 - 5 m. Mưa lũ gây nhiều thiệt hại trong đó có 3 người bị lũ cuốn trôi; ngập 12 nhà trên địa bàn 3 xã; tuyến đường quốc lộ 12B, tỉnh lộ 4B và nhiều tuyến đường huyện bị sạt lở và ngập nghiêm trọng gây ách tắc giao thông; trên 7.000 ha lúa, hoa màu và các loại cây trồng khác bị ngập úng có khả năng bị mất trắng; trên 3.400 con gia cầm và nhiều chuồng gia súc, ao cá bị lũ cuốn. Mưa lũ cũng làm trên 50 nhà dân bị sạt lở, ngập úng; nhiều mương, kè, đập, cầu treo bị sạt lở và bị lũ cuốn…

 
* Do ảnh hưởng của rãnh thấp, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có mưa vừa, có nơi mưa rất to khiến mực nước ở các sông lên cao, gây thiệt hại ở một số địa phương trong tỉnh. Tại huyện Tam Nông, Thanh Thủy, Yên Lập, Thanh Sơn, Tân Sơn, Cẩm Khê, đã có 3 người bị thương do mưa lũ, sét đánh; 40 căn nhà bị nước cuốn trôi, ngập nước; 735 ha lúa, hoa màu bị ngập; hơn 220 ha ao nuôi trồng thủy sản bị vỡ, tràn vỡ; 800 m đường giao thông nông thôn, kênh mương bị sạt lở; 1 chiếc xe ô tô taxi và hơn 100 con trâu, bò, lợn, gà bị trôi…

Khắc phục hậu quả

Trước tình hình mưa lũ, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cũng đã yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố và các ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; cảnh báo dân cư sống ở vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp biết thông tin để chủ động phòng ngừa, ứng phó. Đồng thời yêu cầu các địa phương khẩn trương thống kê thiệt hại do mưa lũ gây ra để kịp thời có hướng hỗ trợ cho bà con nhân dân.
Ngày 18/9, sau khi mưa tạnh, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục thiệt hại do mưa lớn gây ra. Hướng dẫn nhân dân khơi thông dòng chảy, tiếp tục thu hoạch diện tích lúa hè thu còn lại, tiêu úng và bảo vệ cây trồng vụ đông. Các chủ hồ cần trực kiểm tra nhằm đảm bảo an toàn cho công trình. Các địa phương, các công ty thủy lợi tích cực vận hành hợp lý các cống tiêu thoát nước, chống ngập úng cho vùng nội đồng.

Để chủ động ứng phó với các tình huống mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT - Ủy ban Quốc gia TKCN đã có Công điện số 28/CĐ - TW đề nghị Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các tỉnh; các bộ, ngành NN&PTNT, Quốc phòng, Công an, GTVT, Y tế, Công Thương tiếp tục theo dõi chặt chẽ biễn biến mưa lũ; thông tin, cảnh báo kịp thời, đầy đủ đến chính quyền và nhân dân, nhất là ở các khu vực ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng có nguy cơ sạt lở cao biết để chủ động các biện pháp ứng phó; sẵn sàng các phương án di dời dân khi xảy ra lũ quét, sạt lở đất; bố trí biển báo, lực lượng để hướng dẫn, kiếm soát giao thông tại các khu vực ngầm, đường bị ngập, đò ngang - đò dọc để đảm bảo an toàn cho người dân. Đồng thời, duy trì lực lượng, phương tiện để ứng cứu khi có yêu cầu.


Đề phòng mực nước các sông đang lên nhanh 

 Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, phía Tây Bắc Bộ ngày 19, ngày 20 và ngày 24, ngày 25 và ngày 28 chiều tối có mưa rào và dông vài nơi, riêng chiều tối và đêm ngày 20 và ngày 28 có mưa rào rải rác và có nơi có dông. 

 Từ phía Đông Bắc Bộ tới Thanh Hóa, ngày 19, mây thay đổi đến nhiều mây, có mưa vài nơi, riêng các tỉnh ven biển sáng sớm có mưa rào rải rác và có nơi có dông. Từ ngày 21 đến ngày 23 và ngày 26, ngày 27 nhiều mây, có mưa rào và rải rác có dông. Trong cơn dông đề phòng có lốc xoáy và gió giật mạnh. Ngày 20, ngày 24, ngày 25 và ngày 28 có mưa vài nơi, riêng chiều tối và đêm ngày 20 vùng núi phía bắc có mưa rào và dông rải rác . Từ Nghệ An tới Huế, từ ngày 19 đến ngày 28, mây thay đổi, có mưa vài nơi, ngày nắng; riêng từ ngày 21 đến ngày 23, phía bắc nhiều mây, có mưa rào rải rác và có nơi có dông. 

 Hiện mực nước trên sông Hoàng Long và sông Thao đang lên nhanh. Lúc 15 giờ ngày 18/9, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế ở mức 3,70 m (trên báo động (BĐ) 2: 0,2 m), trên sông Thao tại Yên Bái: 29,60 m (dưới BĐ 1: 0,4 m). 

 Nguy cơ ngập úng xảy ra ở các vùng trũng, thấp, ven sông suối tại các tỉnh: Ninh Bình, Hà Nam. 

  Trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An hiện lũ trên sông Bưởi, hạ lưu sông Mã ở Thanh Hóa đang lên nhanh, hạ lưu sông Cả (Nghệ An) đang lên. Dự báo, lũ trên sông Bưởi, hạ lưu sông Mã và sông Cả tiếp tục lên. 

 Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các huyện Lang Chánh, Thường Xuân, Quan Hóa, Mường Lát, Như Xuân, Như Thành, Quan Sơn, Bá Thước, Cẩm Thủy, Thạch Thành tỉnh Thanh Hóa và ngập lụt ven sông, ngập úng ở vùng trũng thấp. 

 Sông Thái Bình: Mực nước các sông trên hệ thống sông Thái Bình sẽ lên và chịu ảnh hưởng của thủy triều, đến 19 giờ ngày 19/9 tại Phả Lại có khả năng ở mức 1,45 m.



Hữu Vinh - TTN
Mưa lũ ngập lụt nhiều huyện tại Thanh Hóa
Mưa lũ ngập lụt nhiều huyện tại Thanh Hóa

Mưa to liên tiếp từ ngày 14/9 đến 7h sáng 18/9 đã khiến nhiều huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa bị ngập lụt, thiệt hại về tài sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN