Hội thảo về giải pháp đưa luật trẻ em vào cuộc sống. |
Ngày 12/12, Bộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) và Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Giải pháp đưa Luật Trẻ em vào cuộc sống”.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam cho biết: Có tới 15 cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ bảo vệ trẻ em, nhưng thực tế khi xảy ra vụ việc không có đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm, xử lý. Đây là tồn tại lớn trước tình trạng bạo hành trẻ em ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây với nhiều lý do áp lực kinh tế, đạo đức, lối sống xuống cấp…
Theo ông Đặng Hoa Nam, việc quy trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị đã ghi rõ trong Luật Trẻ em có hiệu lực từ 1/6/2017 và Nghị định 56 hướng dẫn một số điều của Luật Trẻ em. Tuy nhiên, do Luật mới đưa vào cuộc sống, nên các cấp, các ngành vẫn chưa hiểu rõ về Luật.
Dẫn chứng cụ thể về vụ bạo hành bé trai 10 tuổi bị cha đẻ bạo hành suốt 2 năm vừa qua tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), ông Đặng Hoa Nam khẳng định: Theo Luật Trẻ em, trách nhiệm trước tiên thuộc về lãnh đạo phường sở tại, nơi xảy ra vụ việc bạo hành. Khi xảy ra vụ việc, qua hệ thống tổ chức mạng lưới chính trị, tổ dân phố phải nắm được vụ việc để xử lý. Còn khi phát hiện vụ việc thì lãnh đạo phường cùng với ngành chức năng của Sở LĐTBXH phải lập kế hoạch hỗ trợ trẻ em bị bạo hành. Thực tế, việc xử lý của cơ quan chức năng Hà Nội vừa qua mang tính từ thiện, nhân đạo, chưa theo đúng tinh thần của Luật Trẻ em và Nghị định 56.
“Trách nhiệm tiếp theo thuộc về nhà trường. Một học sinh nghỉ học 2 năm, không rút hồ sơ, mà nhà trường, giáo viên chủ nhiệm không hề có nghi ngờ để thẩm tra thông tin. Nếu chuyển trường sang học trường quốc tế như lời cha đẻ khai thì cũng đã phải rút hồ sơ lưu tại trường. Đây là một sự thiếu trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm. Ở nước phát triển, học sinh nghỉ học 2 tháng là đã bị cơ quan chức năng đến thẩm tra”, ông Đặng Hoa Nam chia sẻ.
Còn ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH) cũng khẳng định: Muốn xử lý các vụ việc xâm hại, bạo hành trẻ em thì trước tiên phải quy trách nhiệm cụ thể cho một đơn vị, tổ chức. Cụ thể với vụ bạo hành trẻ em tại quận Cầu Giấy, trách nhiệm trước tiên theo Luật Trẻ em là cấp phường xã. Bên cạnh đó là chế tài xử phạt hành chính. Thực tế với các vụ bạo hành trẻ em diễn ra tại Hà Nội, chiếu theo xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 144, Hà Nội mới chỉ cách chức 1 tổ trưởng dân phố trong vụ bạo hành trẻ em tại quận Thanh Xuân cách đây khoảng chục năm. Do đó, với vụ việc bé trai bị chính cha đẻ bạo hành tại quận Cầu Giấy, cần xử lý nghiêm để làm gương.