Theo ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày, Thành phố tiêu thụ từ 10.000 - 11.000 con lợn và một lượng lớn trong số đó là nhập từ các tỉnh, thành phố khác.
Cụ thể, bình quân mỗi ngày có khoảng 14-16 xe vận chuyển khoảng 2.000 - 2.500 con lợn từ các tỉnh phía Bắc vào các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh từ miền Bắc vào. Đây là những nguy cơ xâm nhiễm mầm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào Thành phố.
Nhìn chung, công tác phòng chống bệnh DTLCP trên địa bàn hiện vẫn còn một số khó khăn. Các chợ truyền thống do UBND quận, huyện quản lý chưa kiểm soát chặt chẽ được nguồn gốc, việc giết mổ lợn bệnh từ các tỉnh trốn tránh kiểm dịch đưa vào các chợ nhỏ lẻ. Một số địa bàn vẫn còn tình trạng giết mổ lợn trái phép hoạt động, đặc biệt là quận Gò Vấp, quận 12, Bình Tân, mặc dù các địa phương có chỉ đạo xử lý, tuy nhiên chưa xử lý dứt điểm, đây là nguy cơ phát sinh lây lan dịch bệnh
Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú Y TP Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề đáng lo ngại nhất trong phòng chống bệnh DTLCP hiện nay là kiểm soát tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bởi đa số các hộ này đều sử dụng thức ăn dư thừa. Hiện TP Hồ Chí Minh có gần 4.400 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn hơn 300.000 con. Trong đó có 278 hộ nuôi lợn bằng thức ăn thừa thu gom tại các nhà hàng, quán ăn với tổng đàn 22.740 con, tập trung tại các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi và quận 12.
“Trong hoạt động kiểm tra tại các hô chăn nuôi, Chi cục đã tập trung kiểm soát các địa bàn có nguy cơ cao, đặc biệt đối với khu vực tập trung các hộ chăn nuôi nhập cư. Qua đó đã phát hiện có 247 hộ sử dụng thức ăn thừa, nếu người dân không làm chín thì khả năng lây bệnh rất cao vì đặc điểm vi rút chịu được nhiệt khá tốt”, ông Phát cho biết thêm.
Theo ông Lê Thanh Liêm, dịch bệnh DTLCP đang có chiều hướng lây lan mạnh trong một số tỉnh. TP Hồ Chí Minh cũng là địa bàn chăn nuôi trong đó có chăn nuôi lợn, nhu cầu tiêu thụ hàng ngày trên địa bàn rất lớn nhưng khả năng đáp ứng của TP chỉ đạt khoảng 20%, còn lại nhập heo từ các tỉnh khác. Do đó, trong công tác phòng bệnh DTLCP, các ban ngành liên quan tuyệt đối không được chủ quan, không được lơ là. Phải làm quyết liệt hơn nữa trong công tác kiểm dịch thú y, phải có phương án phòng tránh cụ thể cho sát với tình hình hiện nay để ứng phó kịp thời. Nếu phát hiện nơi nào làm sai phải xử lý nghiêm.
“Riêng 24 quận, huyện không được để xảy ra dịch bệnh tả lợn châu Phi, nếu quận huyện nào để xảy ra dịch này thì chủ tịch UBND quận huyện đó phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh. Để hoàn thiện công tác chống dịch tại địa phương, địa phương nào chưa thành lập ban chỉ đạo, chưa kiện toàn thì ngay trong tuần này phải kiện toàn ban chỉ đạo chống dịch. Địa phương nào chưa có kế hoạch chống dịch thì tuần này phải có dự thảo kế hoạch chống dịch và triển khai khẩn trưởng”, ông Liêm chỉ đạo.
Ngoài ra, đại diện lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh cũng giao Sở Thông tin và truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, tránh gây hoang mang trong xã hội và gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi. Giao các đơn vị liên ngành Chi cục Thú y, Ban quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố tăng cường công tác kiểm tra tại các tuyến cửa ngõ ra vào thành phố thông qua các cơ chế hoạt động của các đoàn kiểm tra liên ngành; triển khai tháng tiêu độc khử trùng; tăng cường công tác vận động người dân, các hộ chăn nuôi thực hiện việc tập trung kiểm soát về an toàn sinh học trong chăn nuôi… Đối với các hộ chăn nuôi thì tăng cường thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, thực hiện tiêu độc khử trùng định kỳ 1 lần đến 2 lần/tuần đối với trang trại của mình. Đối với các trang trại chăn nuôi thì sẽ hạn chế khách tham quan, kể cả trường hợp thương lái vào chuồng chọn lợn để mua…
Cấm nhập lợn từ phía Bắc
Tại TP Hồ Chí Minh có 11 cơ sở giết mổ lợn với số lượng giết mổ bình quân hàng đêm từ 6.500 - 7.000 con lợn mỗi ngày. Từ ngày 25/2 đến nay, thực hiện vận động của TP Hồ Chí Minh, các cơ sở giết mổ không tiếp nhận nguồn lợn từ các tỉnh thành phía Bắc nhằm hạn chế nguy cơ xâm nhiễm mầm bệnh vào địa bàn thành phố.