Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đánh giá, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã truyền cảm hứng để người nghèo vươn lên trong cuộc sống. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả Chương trình, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, ông Phạm Văn Thiều đề nghị, thời gian tới, các cấp, ngành cần nhìn nhận nghiêm túc, khách quan về kết quả, thành tích đạt được cùng những hạn chế, tồn tại. Từ đó, tập trung khắc phục những hạn chế, chủ động hơn trong thực hiện Chương trình.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai hiệu quả 3 nguồn vốn (Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi). Trong đó, quan tâm chọn thí điểm từ 1- 2 địa phương để tập trung thực hiện dự án, tiểu dự án chủ yếu của các Chương trình; chú trọng mô hình sinh kế, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, nhất là các địa phương được chọn chủ động phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh, các sở, ngành có liên quan tập trung triển khai hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra...
Năm 2024, Bạc Liêu tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định và các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; đồng thời tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tỉnh phấn đấu hoàn thành 100% mục tiêu của Chương trình đã được phê duyệt; chỉ đạo các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải ngân nguồn vốn Trung ương hỗ trợ bảo đảm tiến độ, hiệu quả, thất thoát, lãng phí. Địa phương thực hiện đầy đủ các chính sách giảm nghèo thường xuyên nhằm hỗ trợ toàn diện cho người nghèo như: bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, nhà ở, dạy nghề, việc làm, vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ tiền điện, trợ giúp pháp lý.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Bạc Liêu, 3 năm qua, công tác giảm nghèo của của tỉnh từng bước đi vào chất lượng, bền vững. Năm 2023, trên địa bàn chỉ có 3 hộ tái nghèo và 176 hộ nghèo phát sinh mới (chiếm khoảng 0,04% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh). Hằng năm, địa phương tranh thủ nguồn hỗ trợ đầu tư của Trung ương; vận động các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài, nhất là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ Quỹ Vì người nghèo và Quỹ an sinh xã hội. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm nhanh và bền vững; từ 7.233 hộ nghèo (chiếm 3,19%) vào đầu năm 2023, đến cuối năm còn 3.886 hộ (chiếm 1,71%). Đặc biệt, Bạc Liêu giảm tỷ lệ hộ nghèo nhưng không tăng tỷ lệ hộ cận nghèo và gần như không có hộ tái nghèo.
Tại Hội nghị, đại diện các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố đã giới thiệu những cách làm hay, sáng tạo trong công tác giảm nghèo; đồng thời đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả hơn nữa công tác giảm nghèo năm 2024 cũng như những năm tiếp theo.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo.