Trong tháng 1/2012, cả nước đã có 9 ca bệnh viêm màng não do não mô cầu tại 5 địa phương, trong đó có TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương… Đặc biệt, tại Quảng Trị mới đây đã có một bệnh nhi tử vong nghi do căn bệnh này gây nên. Liệu bệnh viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu có diễn biến phức tạp hơn? Và làm thế nào để phòng tránh bệnh dịch này?
Bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư (Bộ Y tế) điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh viêm não mô cầu. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
PGS.TS Nguyễn Trần Hiển , Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trao đổi với Tin Tức xung quanh vấn đề này.
´Có phải bệnh viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu năm nay có xu hướng “nóng” hơn so với mọi năm không, thưa ông?
Ở Việt Nam, bệnh viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu là một bệnh tương đối phổ biến, đứng thứ ba trong các căn nguyên gây viêm màng não mủ do vi khuẩn.
Trong 10 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 650 trường hợp viêm màng não mủ do vi khuẩn, trong đó viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu chiếm khoảng 14%. Bệnh thường xảy ra tản phát, chủ yếu ở trẻ nhỏ, đặc biệt từ 3 - 12 tháng tuổi.
Từ đầu năm 2012 đến nay, cả nước đã phát hiện được 9 trường hợp mắc bệnh rải rác và tản phát ở một số địa phương: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Diễn biến vẫn tương tự mọi năm, chưa quá “nóng” và chưa có khả năng bùng phát thành dịch.
´Thế nhưng, nhiều người dân vẫn lo ngại Hà Nội đang bùng phát dịch viêm não mô cầu. Kết quả giám sát trọng điểm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có tương đồng với nhận định này không, thưa ông?
Chưa có dấu hiệu nào cho thấy có xu hướng bùng phát dịch viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu tại Hà Nội bởi các ca bệnh xảy ra rải rác và tản phát. Nghiên cứu giám sát vi khuẩn học những người sống gần bệnh nhân viêm màng não do não mô cầu ở huyện Mê Linh trong tuần vừa qua cũng không phát hiện được trường hợp người lành mang vi khuẩn não mô cầu nào.
´Xin ông cho biết, nguyên nhân và những triệu chứng của bệnh là gì? Khi nào người bệnh cần tới cơ sở y tế để tránh những biến chứng đáng tiếc?
Bệnh viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu có tên khoa học là Neisseria meningitidis. Vi khuẩn dễ bị diệt bởi nhiệt độ 560C trong 30 phút, 600C trong 10 phút và bởi các thuốc khử khuẩn thông thường. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với các hạt nước bọt và dịch tiết mũi họng của bệnh nhân. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh là sống nơi đông người, hút thuốc lá, nhiễm HIV, đi đến vùng có dịch...
Sau khi vi khuẩn não mô cầu xâm nhiễm vào cơ thể, thời gian ủ bệnh thường là 3 - 4 ngày. Bệnh biểu hiện rất đa dạng với nhiều thể bệnh: viêm mũi họng, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, viêm khớp, viêm màng trong tim. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh gồm: Sốt đột ngột, đau đầu, chán ăn, kích thích, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sợ ánh sáng, cổ cứng, li bì, co giật, có thể có phát ban xuất huyết hoại tử trong trường hợp có nhiễm khuẩn huyết.
Khi thấy sốt cao, đau họng, đau đầu, cổ cứng, nôn vọt cần đi khám ngay để được chẩn đoán sớm và điều trị đúng, tránh để muộn sẽ gặp biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
´Làm thế nào để phòng bệnh viêm não mô cầu? Tại thời điểm này, phụ nữ chuẩn bị mang thai và trẻ nhỏ có nên chủ động đi tiêm phòng vắcxin hay không, thưa bác sĩ?
Để chủ động phòng bệnh viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu, người dân cần thực hiện các biện pháp sau: Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Vệ sinh, lau sạch sàn nhà, đồ vật và tay nắm cửa, tay vịn cầu thang bằng xà phòng hay các chất tẩy rửa thông thường. Hạn chế tụ họp nơi đông người và hạn chế tối đa tiếp xúc với bệnh nhân, người nghi ngờ mắc bệnh. Tiêm vắcxin phòng bệnh.
Tùy loại vắcxin, có thể tiêm cho trẻ từ 3 tháng tuổi hoặc lớn hơn; những người sống trong vùng dịch hoặc phải đi đến vùng dịch; những người sống trong một cộng đồng khép kín như các trung tâm chăm sóc trẻ em, trường nội trú, doanh trại quân đội. Cần thận trọng, chỉ tiêm cho phụ nữ mang thai khi thật cần thiết.
Xin cảm ơn ông!
Phương Liên (thực hiện)