Chung cư cao cấp vẫn dùng nước bẩn
Theo khảo sát của phóng viên báo Tin Tức, chẳng cứ gì ở các chung cư “thường thường bậc trung” mới thiếu nước sinh hoạt hoặc phải sử dụng nước kém chất lượng, bà Hoàng Thị Dung, Tổ trưởng tổ dân phố 25 (phường Láng Hạ, quận Đống Đa) phản ánh: “Dù các bể chứa nước vừa được thau rửa nhưng nước ở khu chung cư cao cấp Sông Hồng Parkview (số 165 Thái Hà) vẫn có màu nâu và mùi hôi. Khi mang nước đi kiểm tra, hàm lượng nitrit, pecmanganat và coliforms vẫn cao vượt xa mức cho phép. Hiện các hộ dân đều phải mua nước bình về sử dụng và chờ Ban quản lý tòa nhà xử lý”.
Nhiều người dân ở tòa nhà N2B tổ dân cư số 39 (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) cũng chia sẻ, mới đầu tháng 3 mà cư dân ở đây đã điêu đứng vì mất nước. Bể tầng thượng và bể ngầm đều cạn trơ đáy, nhà nhà nháo nhác đi xin nước, xách nước về dùng. Sau vài ngày thì nguồn nước được cấp trở lại, nhưng theo chị Thúy Hạnh, một cư dân N2B: “Nước lúc đục lúc trong. Chỉ dăm bữa nửa tháng lõi lọc nước ngả màu đen sì, nếu không lọc qua máy lọc nước thì tôi chẳng dám dùng để nấu ăn”.
Đại diện cư dân tòa nhà N2B kiểm tra tình trạng nước ở bể ngầm. |
Ông Lê Quý Hồng, Tổ trưởng tổ 39 cũng phản ánh, tình trạng lõi lọc đen sì, phải thay liên tục cũng xảy ra với gia đình ông. Chung cảnh ngộ, bà Nguyễn Chinh, cư dân tòa CT6 KĐT Đặng Xá (Gia Lâm) cho biết: “Nước sinh hoạt ở đây nhiều cặn, vẩn đục, dùng máy lọc nước mà vẫn không yên tâm. Một vài hộ dân đã đem mẫu nước đi kiểm định, kết quả cho thấy nước do Công ty Nước sạch Hà Nội cung cấp có chỉ tiêu về độ cứng của nước cao, chỉ tiêu asen cao hơn 1,6 lần so với tiêu chuẩn…”.
“Ngóng” cơ quan chức năng
Tại KĐT Đặng Xá, khi nhận được phản ánh của người dân về tình trạng nước sinh hoạt không đảm bảo, Xí nghiệp Quản lý vận hành KĐT Đặng Xá đã phối hợp với công ty cấp nước rà soát hệ thống, thau rửa bể định kì. Kết quả kiểm định chất lượng nước đều đặn được công khai dán ở bảng tin các tòa nhà để người dân theo dõi. Tại cuộc họp 3 bên: Chủ đầu tư, công ty nước sạch và cư dân về nước sạch, phía đại diện công ty nước sạch đã thừa nhận do dây chuyền khai thác nước của công ty đã cũ nên chất lượng nước bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, chất lượng sinh hoạt vẫn trong giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn 02 của Bộ Y tế. Về lâu dài, để giải quyết tình trạng này, Công ty Nước sạch Hà Nội đã đề xuất thành phố về chủ trương xây dựng các dự án khai thác nguồn nước mặt hoặc khai thác nước ngầm ở vị trí có nguồn nước đảm bảo. Dự kiến, từ năm 2017 - 2020, dự án này sẽ đi vào khai thác đảm bảo nước sinh hoạt cho các khu vực mà công ty đang cung cấp nước như Gia Lâm, Đông Anh và Long Biên. Trong thời gian chờ đợi, công ty nước sạch khuyến cáo người dân nên sử dụng máy lọc nước để đảm bảo sức khỏe gia đình.
Ông Cao Hải Tháp, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch (Viwaco) cho biết, theo quy định, ở các khu nhà ở thương mại, công ty cấp nước chỉ chịu trách nhiệm cấp nước đến đồng hồ tổng; toàn bộ hệ thống sau đồng hồ do tòa nhà tự quản lý. Còn các khu tái định cư, thành phố có quy định hỗ trợ riêng, đơn vị cung cấp nước phải phục vụ đến từng hộ. Vì thế, ở khu tái định cư N2A, N2B (khu tái định cư)..., Viwaco chịu trách nhiệm chất lượng nguồn nước đến từng hộ. Hiện Viwaco thực hiện thau rửa bể định kỳ mỗi năm 1 lần. Quá trình vệ sinh thau rửa được thực hiện công khai, có sự chứng kiến của các tổ trưởng tổ dân phố, có biên bản ghi lại.
“Chất lượng dịch vụ cung cấp đến các khu chung cư có nhiều bất cập một phần do chính sự thờ ơ, thoái thác trách nhiệm của Ban quản lý. Do không bàn giao quỹ 2% cho cư dân các khu chung cư tái định cư nên ảnh hưởng đến chất lượng bảo trì bể và đường ống nước”, ông Cao Hải Tháo cho biết.
Trước nỗi lo về chất lượng nước sinh hoạt tại khu chung cư, mới đây, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, để đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt, thời gian tới, Trung tâm Y tế Dự phòng, Sở Y tế Hà Nội sẽ tăng cường duy trì hoạt động phối hợp liên ngành giữa các đơn vị liên quan. Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội và trung tâm y tế trực thuộc thường xuyên báo cáo và chia sẻ thông tin về kết quả giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt với Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các quận, huyện, nhằm kịp thời chỉ đạo các cơ sở cấp nước khắc phục tồn tại, hoặc xem xét dừng việc sản xuất và cung cấp nước của các đơn vị trên địa bàn nếu không đạt tiêu chuẩn.
Còn theo ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân Hà Nội khoảng 900.000 m3/ngày đêm và với nhu cầu tăng dân số như hiện nay thiếu hụt khoảng 10% sản lượng nước (tương đương 80.000 - 90.000 m3/ngày đêm). Tại Hà Nội, có 3 đơn vị kinh doanh nước sạch là Công ty Nước sạch Hà Nội (Hawaco), Viwaco và Công ty Cấp nước sạch Hà Đông. Sở Xây dựng đã yêu cầu các đơn vị này phải công khai số điện thoại đường dây nóng 24/24 tiếp nhận thông báo về sự cố, tình trạng nước và phải sớm khắc phục nước cho người dân.