Chưa thống kê được số người bán hàng rong hoa quả tại Hà Nội

Chiều ngày 24/10, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: Hiện thành phố chưa thống kê được số người bán hàng rong trái cây (hoa quả) tại các quận.

Lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội thông tin về Đề án thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa các quận nội thành.

“Khi triển khai Đề án thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn, Sở Công thương đã thông tin tới các quận có nhiều người bán hàng rong trái cây để kiểm tra xử lý như quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân… Tuy nhiên, tại các quận nội thành trung tâm có phản hồi đã kiểm tra nhưng xác định không có người bán hàng rong trái cây”, bà Trần Thị Phương Lan cho biết.


Theo Sở Công thương Hà Nội, đề án thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa các quận nội thành nhằm tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn Thành phố; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; ngăn chặn kịp thời tình trạng sử dụng hoá chất bảo quản trái cây, lây lan dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khoẻ nhân dân…


Hà Nội đặt mục tiêu trong năm 2018 sẽ có 100% cửa hàng bán trái cây tại quận nội thành đăng ký kinh doanh; có biển hiệu và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện phục vụ kinh doanh, bảo quản trái cây bảo đảm chất lượng... Cụ thể, các cửa hàng kinh doanh trái cây phải bảo đảm 4 nhóm điều kiện: Thực hiện quy định pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh thực phẩm; điều kiện nhân lực; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị kinh doanh; điều kiện nguồn gốc, xuất xứ, tiêu chuẩn hàng hóa trái cây.


Đặc điểm nhận diện các cửa hàng kinh doanh trái cây bảo đảm an toàn: Cửa hàng chuyên doanh trái cây và cửa hàng kinh doanh thực phẩm tổng hợp trong đó có sản phẩm trái cây được cấp biển nhận diện (logo); Cơ sở kinh doanh trái cây phải có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương. Cùng đó, cơ sở kinh doanh trái cây đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm trong kinh doanh còn hạn theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.


Lộ trình Thực hiện Đề án được chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (tháng 8 đến tháng 9/2017) xây dựng và ban hành Kế hoạch, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Thành phố và thành lập các Tổ công tác, Đoàn kiểm tra liên ngành cấp Thành phố, cấp quận… triển khai Đề án.


Giai đoạn 2 (tháng 10/2017 đến tháng 2/2018) tiếp tục làm tốt công tác thông tin, truyền thông, giáo dục, vận động thực hiện Đề án từ cấp Thành phố đến cấp cơ sở; tăng cường tổ chức các chương trình khám sức khỏe; tập huấn, nâng cao nhận thức về quy định pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm, kiến thức kinh doanh văn minh hiện đại…


Giai đoạn 3 (tháng 3/2018 đến tháng 12/2018) tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây không thực hiện đúng các quy định nêu tại Đề án; kiên quyết giải tỏa các điểm kinh doanh trái cây lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nơi công cộng; kinh doanh trái cây không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm; Hoàn thành công tác cấp Biển nhận diện đối với các cửa hàng kinh doanh trái cây đủ điều kiện quy định.


Công khai danh sách các cửa hàng đảm bảo an toàn thực phẩm được cấp biển nhận diện; các tổ chức, cá nhân, địa điểm kinh doanh trái cây vi phạm quy định qua các phương tiện thông tin đại chúng.


XC/Báo Tin Tức
Quy hoạch thoát nước Hà Nội đã có, nhưng doanh nghiệp không muốn đầu tư
Quy hoạch thoát nước Hà Nội đã có, nhưng doanh nghiệp không muốn đầu tư

Quy hoạch thoát nước, xử lý nước thải Hà Nội đã có nhưng không doanh nghiệp nào muốn tham gia đầu tư, thực hiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN