Dù theo quy định của Luật Nhà ở và quyết định 01/2013 của UBND thành phố Hà Nội, mỗi tòa chung cư phải có ban quản trị (BQT), nhưng việc thành lập Ban quản trị chung cư tái định cư vẫn “dậm chân tại chỗ”, trong khi đó, hạ tầng các tòa nhà chung cư tái định cư đang ngày càng xuống cấp, không được tu sửa, khiến cư dân vô cùng bức xúc mà không có đơn vị nào đại diện bảo vệ quyền lợi của mình.“Hãy chờ đấy”Từ 4 tháng nay, người dân liên tục đến Ban quản lý tòa nhà N2A, khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính để phản ánh tình trạng thang máy bị hỏng nhưng không được Ban quản lý tòa nhà quan tâm. Ông Lê Quý Hồng, tổ trưởng tổ 39, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân cho biết: “Tôi đã 5 lần đến Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị thuộc Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội (đơn vị quản lý tòa nhà) để yêu cầu khẩn trương sửa chữa, nhưng đều rơi vào im lặng. Xí nghiệp ra điều kiện chỉ sửa thang máy từ nguồn quỹ bảo trì 2%, nhưng chúng tôi không đồng ý bởi sự thiếu minh bạch. Cực chẳng đã, cách đây 2 tuần, chúng tôi tự họp nhau lại thuê thợ đến sửa hết 20 triệu đồng”.
Cảnh để xe lấn chiếm tại thang máy chung cư tái định cư. |
“Cùng đơn vị bảo dưỡng, lỗi tương tự, bên tòa nhà N2B sửa hết 160 triệu đồng (gấp 8 lần tiền sửa chữa nếu dân tự sửa) nhưng đến nay vẫn chưa thanh toán tiền cho đơn vị sửa chữa. Do đó, đơn vị bảo dưỡng yêu cầu chúng tôi “trả tiền tươi, thóc thật” thì mới sửa. Đó chính là lý do người dân chúng tôi yêu cầu minh bạch hóa quỹ bảo trì 2%. Tổng kinh phí quỹ tòa nhà N2A có hơn 200 triệu đồng nhưng họ thông báo đã chi sửa chữa hơn 100 triệu đồng với nhiều khoản chi vô lý”, ông Lê Quý Hồng cho biết.
Người dân của các tòa nhà khu chung cư tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính phản ánh các tòa nhà đều bị hỏng thang máy. Nhiều tòa nhà giờ chỉ có một thang máy hoạt động. Tình trạng hỏng thang máy thường xuyên đã trở nên quen thuộc ở các tòa nhà N2E, N2F, N3A, N3B... Nhiều thang máy bỏ không, dán thông báo sự cố và bị xe máy, xe đạp người dân ở tầng 1 để lấp kín lối vào thang máy, khiến ai cũng ngao ngán.
Không chỉ bức xúc chuyện thang máy, người dân nơi đây còn bức xúc về hệ thống PCCC tạm bợ, vòi bể nước thường xuyên hỏng, đường thoát nước tắc liên tục. Theo Luật Nhà ở thì nguồn kinh phí để sửa chữa, bảo dưỡng những hỏng hóc ở các tòa nhà lấy từ quỹ bảo trì 2%. Tuy nhiên, do chưa thành lập BQT nên việc sử dụng quỹ được Ban quản lý sử dụng rất mập mờ. Do đó, để tự sửa chữa, người dân tự họp rồi đóng tiền để tự sửa chữa.
Sự yếu kém của các đơn vị quản lý chung cư tái định cư, trong khi người dân chưa thành lập Ban quản trị là người đại diện giám sát và tu sửa, bảo dưỡng khiến hạ tầng nhiều khu tái định cư xuống cấp trầm trọng như khu tái định cư Dịch Vọng (Cầu Giấy), Đền Lừ (Hoàng Mai), Đồng Tàu (Hoàng Mai), Pháp Vân - Tứ Hiệp (Thanh Trì)…
Đợi hướng dẫnHiện Hà Nội có 173 tòa nhà chung cư tái định cư, được giao cho hai công ty quản lý vận hành là: Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội (quản lý 155 tòa nhà) và Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (quản lý 18 tòa tại Khu đô thị Nam Trung Yên). Tuy nhiên, đến nay, Hà Nội mới thành lập được 13 ban quản trị tại 15 tòa nhà, tức là chỉ đạt khoảng 8%. Về giá dịch vụ quản lý vận hành, thành phố đang áp dụng chế độ ưu đãi với mức giá quy định tạm thời 30.000 đồng/căn hộ và chưa thực hiện việc thu phí theo khung giá dịch vụ công bố hàng năm của thành phố.
Mặc dù hai đơn vị đã xây dựng mức giá dịch vụ và các sở, ngành đã thẩm tra trình UBND thành phố phê duyệt theo quy định hiện hành, nhưng người dân tại các tòa nhà chung cư tái định cư không thống nhất và yêu cầu phải hỗ trợ kinh phí quản lý vận hành từ nguồn thu diện tích kinh doanh dịch vụ; đồng thời lập Ban quản trị để công khai minh bạch các khoản sửa chữa hạ tầng chung của tòa nhà.
Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2015 quy định Ban quản trị phải có tư cách pháp nhân để quản lý, vận hành và duy trì tòa nhà. Do đó, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu sớm thành lập Ban quản trị tại các tòa nhà đảm bảo đúng quy định, nhất là chung cư tái định cư. Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố, từ khi Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực, thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng có văn bản trình Bộ Xây dựng để Nghị định có hướng dẫn cụ thể về thành lập Ban quản trị. Theo đó, trong trường hợp hội nghị giữa chủ đầu tư và cư dân không thống nhất được phương án thì thì sẽ giao cho UBND xã, phường, thị trấn tổ chức lập Ban quản trị.
Bên cạnh đó, trước tình trạng hạ tầng khu chung cư tái định cư đã xuống cấp và người dân đề nghị có sự hỗ trợ của Nhà nước, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đề xuất trong Nghị định và Thông tư hướng dẫn về thi hành Luật Nhà ở năm 2014 có nội dung cụ thể về việc hỗ trợ từ Nhà nước về kinh phí bảo trì. Hiện thành phố cũng đã giao Sở Xây dựng, Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất tỷ lệ hỗ trợ của Nhà nước trong giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư tái định cư.
Trước những phản ánh của người dân về việc sử dụng Quỹ bảo trì không minh bạch của Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Thanh tra thành phố đang thanh tra toàn diện hoạt động của đơn vị này. “Đồng thời, giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với liên ngành thành phố xem xét Đề án tăng cường công tác quản lý quỹ nhà chuyên dùng trên địa bàn Hà Nội và khẩn trương triển khai trên thực tế”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết.