Thấu hiểu cuộc sống chật vật mà người công nhân đang phải gánh chịu, cả cơ quan quản lý và các đoàn thể đang có nhiều hoạt động quan tâm thiết thực để vừa chia sẻ khó khăn vừa hướng tới bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Tăng cường giám sát doanh nghiệp
Theo ông Hoàng Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, để đời sống công nhân lao động bớt đi phần nào những vất vả, thiếu thốn, Công đoàn đã tổ chức các chương trình: “Cùng công nhân vượt khó”, “Chăm lo đời sống công nhân”, “Xây tặng Mái ấm công đoàn”… “Trong Tháng Công nhân 2012, chú trọng đột phá vào công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động, nhất là việc ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể, các chế độ, chính sách đối với công nhân lao động về tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…”, ông Thanh nhấn mạnh.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hưởng ứng Tháng Công nhân, Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh kiểm tra phát hiện và giải quyết kịp thời các doanh nghiệp vi phạm quyền lợi người lao động như: nợ lương, nợ bảo hiểm, buộc các doanh nghiệp trả cho người lao động; giám sát các doanh nghiệp, tránh tình trạng do sản xuất khó khăn sa thải người lao động, không bảo đảm quyền lợi của công nhân.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Phạm Minh Huân, Bộ đang yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khảo sát thống kê tình hình sản xuất kinh doanh, sử dụng lao động và đặc biệt là tình hình lao động bị mất việc làm để báo cáo về Bộ trước ngày 15/6 để có các giải pháp hỗ trợ kịp thời. Theo ông Phạm Minh Huân, doanh nghiệp bị vỡ nợ, phá sản thì theo luật phải ưu tiên giải quyết quyền lợi cho người lao động. Nhưng trong thực tế vẫn đang diễn ra hiện tượng doanh nghiệp “quỵt”.
Đứng trước thực tế này, ông Phạm Minh Huân cho biết: Bộ đã chỉ đạo Cục Việc làm theo dõi biến động trên thị trường lao động để đưa ra những điều chỉnh cụ thể nhằm trợ giúp người lao động gặp khó khăn. Đồng thời, Bộ tiếp tục tăng cường giám sát, quản lý, kiểm tra, cũng như nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về vấn đề bảo đảm quyền lợi người lao động.
“Tuy nhiên, để bảo vệ mình, người lao động cũng cần trang bị thêm thông tin, có ý thức đòi hỏi quyền lợi của mình trong quá trình đàm phán đối với chủ sử dụng lao động. Bởi vậy, cần nâng cao vai trò của tổ chức đoàn thể”, ông Phạm Minh Huân nói.
Các đoàn thể đồng hành
Mang hàng hóa giá ưu đãi đến với công nhân khu công nghiệp là một trong nhiều hoạt động hướng về người lao động tại các khu công nghiệp trong Tháng Công nhân. Tại Đồng Nai, các cấp công đoàn đã tổ chức khoảng 10 phiên chợ bán hàng giảm giá tại các khu công nghiệp phục vụ người lao động. Tại TP Hồ Chí Minh, phiên chợ công nhân đã được tổ chức từ 12 - 15/4; còn ở Hà Nội, Hội chợ công nhân diễn ra từ 6 - 15/5 để mang đến cho công nhân cơ hội mua sắm với giá cả ưu đãi.
Bên cạnh đó, nhằm quan tâm hơn đến đời sống cho thanh niên công nhân, tổ chức đoàn thanh niên cũng sôi nổi vào cuộc với nhiều hoạt động. Tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân duy trì hoạt động 15 câu lạc bộ công nhân với nhiều hoạt động thiết thực. Đồng thời với việc tổ chức các hoạt động giao lưu, công nhân được trang bị tủ sách và được lồng ghép phổ biến pháp luật lao động, vừa nâng cao được đời sống văn hóa, vừa nâng cao hiểu biết về pháp luật cho công nhân nhằm tự bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình. Còn ở Bình Dương, một tỉnh có nhiều khu công nghiệp, trong tháng 5/2012, Tỉnh đoàn phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức chương trình “Thắp sáng ước mơ thanh niên công nhân” với nhiều hoạt động: tôn vinh những công nhân trẻ tiêu biểu, khen thưởng các điển hình tiên tiến trong hoạt động đoàn kết tập hợp thanh niên công nhân…
Nhằm chia sẻ với khó khăn của công nhân ngoại tỉnh, tại TP Hồ Chí Minh, các tổ chức đoàn và liên đoàn lao động thời gian qua đã duy trì thực hiện cuộc vận động các chủ nhà trọ không tăng giá, không điều chỉnh giá điện, nhằm đỡ gánh nặng về chi phí sinh hoạt cho người lao động. Theo Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, riêng tại quận Gò Vấp hiện nay có trên 90% số chủ nhà trọ đăng ký không tăng giá phòng để chia sẻ khó khăn với khoảng 115.000 công nhân trọ ở đây. Còn ở quận Bình Tân, các cấp đoàn thể vận động được khoảng 200 cơ sở giữ trẻ cho công nhân cam kết không tăng giá. Chính những việc làm này đã phần nào giúp giảm bớt khó khăn trong đời sống của công nhân. Tuy nhiên, hiện nay, phong trào này chưa lan rộng ra các khu công nghiệp phía Bắc. “Em cũng được biết về phong trào này qua lời kể của nhiều bạn bè em làm việc tại các khu công nghiệp trong TP Hồ Chí Minh. Chúng em mong các tổ chức, đoàn thể vận động được nhiều chủ trọ tham gia ký kết không tăng giá phòng trọ, điện, nước… để công nhân như chúng em bớt khổ”, Lương Thị Thảo (công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long) bày tỏ nguyện vọng.
Mạnh Minh