Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, 70 năm qua, trên 9 triệu người có công được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước, trong đó hơn 1,4 triệu người hưởng trợ cấp hàng tháng với tổng kinh phí hàng năm gần 300 tỷ đồng.
Nhưng, hiện vẫn còn khoảng 5.900 hồ sơ người có công chưa được giải quyết, cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, sự chung tay của cả cộng đồng.
Nhiều vướng mắc trong thực hiện chính sách Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Bằng Tổ quốc ghi công cho các gia đình thân nhân liệt sỹ. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Trải qua các cuộc chiến tranh khốc liệt, lâu dài, nhiều cơ quan quản lý thay đổi, người hy sinh, bị thương không còn lưu giữ được hồ sơ. Bản thân quân nhân, dân quân du kích, thanh niên xung phong, người phục vụ kháng chiến theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã lên đường không nghĩ đến việc chuẩn bị lưu giữ giấy tờ riêng cho mình và cũng không giữ được giấy tờ gốc. Đây là một thực tế do lịch sử để lại, là một trong những vướng mắc của việc giải quyết chế độ cho người có công với cách mạng.
Mặc dù các cơ quan chức năng trong nhiều năm qua đã hết sức nỗ lực trong việc nghiên cứu, ban hành các chính sách để xác nhận người có công không còn căn cứ, giấy tờ gốc bằng nhiều hình thức nhưng vẫn chưa thực sự mang lại kết quả như mong muốn, như nguyện vọng của người có công và thân nhân. Đặc biệt, đối với những trường hợp hy sinh đã mấy chục năm trôi qua, gia đình người thân khắc khoải đợi chờ người cha, người chồng, người con của mình được Tổ quốc ghi công. Đây là điều trăn trở, day dứt đối với thế hệ ngày nay - đặc biệt là các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp.
Nhân dịp kỷ niệm kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017), đã có 498 liệt sỹ được cấp Bằng Tổ quốc ghi công. Có thể kể đến liệt sỹ Đặng Văn Tiết ở Long An, bị địch bắt đày đi Côn Đảo, hy sinh cách đây 75 năm không có một giấy tờ gì, qua xác minh thông tin tại nhà tù, được sự tôn vinh của các bậc lão thành cách mạng và nhân dân nên đã được lập hồ sơ xác nhận liệt sỹ; các liệt sỹ Lê Văn Ý, Nguyễn Văn Khóa ở An Giang hy sinh từ năm 1945, hồ sơ được xác lập từ những năm 1976, 1977, đến nay mới được xem xét; liệt sỹ Nguyễn Quang Rực, ở Thái Bình, bị địch phục kích bắn chết năm 1951 khi đang vận động nhân dân bám đất, rào làng kháng chiến, do nhiều lý do và khó khăn trong xác lập hồ sơ, sau 66 năm đã được công nhận...
Tính đến ngày 30/6/2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp, đổi trên 42.000 bằng Tổ quốc ghi công. Các địa phương, ngành, công an, quân đội đã xác nhận trên 2.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Có được kết quả này phải kể đến sự cố gắng, tập trung rất lớn của toàn thể các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là vai trò rất quan trọng của các tổ chức chính quyền địa phương cơ sở, các chứng nhân lịch sử, các bậc lão thành cách mạng, những người đồng chí, đồng đội của người có công với cách mạng. Tất cả đã hết sức nỗ lực trong việc tìm kiếm, chắt lọc những chứng cứ dù là nhỏ nhất, những thông tin ít ỏi nhưng vô cùng quý báu, lấy đó làm cơ sở để họp, bàn xem xét, xác nhận đối tượng người có công với cách mạng.
Tuy nhiên, số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy vẫn còn tồn đọng trên 5.900 hồ sơ liệt sỹ, thương binh, người hưởng chế độ như thương binh. Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiến hành tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014 – 2015. Kết quả cho thấy, còn 28.500 trường hợp tự kê khai là người có công chưa được hưởng chính sách. Những trường hợp tồn đọng chủ yếu là do không có căn cứ, giấy tờ, tài liệu để thiết lập hồ sơ.
Nhiều trường hợp đã lập hồ sơ nhưng không đủ điều kiện giải quyết (bị chết, bị thương không thuộc các trường hợp xác nhận liệt sỹ, thương binh theo quy định). Có những trường hợp được giám định nhưng không có thương tích thực thể hoặc có thương tích nhẹ, không đủ tỷ lệ để xác nhận là thương binh (21% trở lên)... Đó là chưa kể đến 13.000 hồ sơ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đang chờ để xử lý; hàng vạn hồ sơ người hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, cần quy trình xác minh, công nhận.
Chỉ tính trong 5 năm gần đây (từ năm 2012 - 6/2016), Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã kiểm tra tại 29 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; phối hợp với Bộ Quốc phòng thanh tra việc xác lập, xét duyệt hồ sơ thương binh tại 5 Quân khu (Quân khu 2, 3, 4, 5, 7). Qua kiểm tra trên 60.000 hồ sơ tại các đơn vị, địa phương đã phát hiện hơn 12.000 hồ sơ sai sót hoặc nghi vấn sai sót, trong đó có gần 1.900 hồ sơ không đảm bảo pháp lý, không đủ điều kiện hưởng chế độ ưu đãi. Bộ kiến nghị các cơ quan có liên quan, ra quyết định đình chỉ hưởng chế độ, truy thu số tiền hưởng sai trên 130 tỷ đồng, giảm chi cho ngân sách hàng năm trên 37 tỷ đồng, xuất toán thu hồi nộp ngân sách trên 13 tỷ đồng.
Ông Đỗ Đăng Khoa, Trưởng Phòng Chính sách 1, Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, một trong những vấn đề đã và đang gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội là vẫn còn một số trường hợp người có công thực sự nhưng chưa được xác nhận và hưởng chế độ ưu đãi do không còn căn cứ để xác lập hồ sơ. Trong khi đó, những sai sót, nhầm lẫn, tiêu cực trong việc thực hiện chính sách, chế độ đang xảy ra ở một số nơi đã gây không ít khó khăn, phiền hà cho người hưởng chính sách. Những tồn tại này đã làm nảy sinh tâm tư, vướng mắc trong các gia đình chính sách, tiềm tàng yếu tố không ổn định ở cơ sở, trực tiếp ảnh hưởng đến kết quả của công tác người có công.
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Khoa cho rằng có những yếu tố khách quan khó tránh khỏi như do chiến tranh gian khổ, lâu dài, khốc liệt, do việc ghi chép, quản lý ban đầu có nhiều sơ xuất, do thời gian quá lâu, đã có nhiều thay đổi về đơn vị hành chính, địa hình tự nhiên của địa bàn chiến đấu, cũng như thay đổi nơi cư trú, không còn người biết sự việc…
Bên cạnh đó, còn có cả những hạn chế trong khâu quản lý, tổ chức thực hiện, dẫn đến phát sinh tình trạng vận dụng chính sách tùy tiện, thiếu chặt chẽ, chưa công khai dân chủ cũng như thiếu trách nhiệm trong việc xác nhận người có công. Các quy định về khen thưởng, kỷ luật trong Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng chưa được hướng dẫn, thể chế hóa khiến việc thực thi pháp luật trong thực tiễn đời sống xã hội trở nên lỏng lẻo, tùy tiện làm phát sinh tiêu cực như: lập hồ sơ người có công giả, khai man để hưởng chế độ ưu đãi, chi không đúng đối tượng... ở một số địa phương, cơ sở.
Phấn đấu giải quyết căn bản hồ sơ còn tồn đọng Chăm sóc mẹ liệt sỹ. Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN |
Trong năm 2017 – năm “Đền ơn Đáp nghĩa”, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội là tập trung rà soát, giải quyết những hồ sơ người có công đang tồn đọng ở địa phương. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã thí điểm triển khai, xem xét, xác nhận người có công với cách mạng theo một quy trình chặt chẽ, công khai, dân chủ tại 5 tỉnh, thành trên cả nước gồm: Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Đà Nẵng và Long An. Sau khi rà soát, các địa phương này đã thống nhất đề nghị xác nhận 86/114 hồ sơ tồn đọng.
Từ kết quả này, ngày 20/3/2017, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã ký Quyết định số 408 ban hành quy trình giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng, với mục tiêu hết năm 2017 giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công (liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh) tại các tỉnh, thành phố và trong cơ quan quân đội, công an.
Quy trình này gồm 7 bước, đưa ra những nguyên tắc tạo thuận lợi tối đa để người có công được thụ hưởng chính sách nhưng phải hạn chế tối thiểu việc trục lợi chính sách. Theo đó, việc xem xét, giải quyết hồ sơ tồn đọng phải đảm bảo các yêu cầu của pháp luật về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện; về thủ tục cần xem xét, vận dụng cụ thể cho từng trường hợp, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, tích cực tìm kiếm, khai thác mọi nguồn thông tin, mọi căn cứ có cơ sở phục vụ việc xác nhận người có công; đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, đặc biệt tại bước xét duyệt ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia giám sát, đặc biệt là các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, đồng chí, đồng đội cùng hoạt động, ý kiến của cộng đồng nhân dân, phát huy tốt vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng trong minh bạch kết quả giải quyết hồ sơ. Thực hiện Quyết định 408, các cấp ủy, chính quyền, cá nhân, tổ chức liên quan đã đề cao trách nhiệm; Tổ công tác của Trung ương đã liên tục bám sát, nắm chắc tình hình, hướng dẫn cụ thể và cùng với địa phương xử lý kịp thời những vấn đề vướng mắc đặt ra.
Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, trong năm 2017, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt để giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng, phấn đấu đến năm 2020 giải quyết xong việc xác nhận hồ sơ tồn đọng, đặc biệt là xử lý nghiêm mọi trường hợp làm giả hồ sơ người có công. Công việc này rất khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, nhưng đây cũng là hành động thiết thực nhất, ý nghĩa nhất, bày tỏ tấm lòng thành kính, một nén tâm nhang của những người làm công tác thương binh, liệt sỹ đối với những anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.