Chỉ trong tháng 10/2024, trên địa bàn Phú Thọ đã xảy ra 3 vụ trọng án liên quan đến người tâm thần, trong đó có 2 vụ việc đặc biệt nghiêm trọng. Điển hình, ngày 3/10, Công an xã Xuân Áng và Công an huyện Hạ Hòa giải cứu thành công cháu bé 5 tuổi bị đối tượng tâm thần đánh đập và dùng dao khống chế.
Tiếp đó, ngày 12/10 đã xảy ra vụ việc ông Đào Văn Hùng (sinh năm 1957, trú tại khu Thông Đậu, phường Minh Nông, thành phố Việt Trì, Phú Thọ) nghi bị chính con trai ruột Đào Việt Đức (sinh năm 1992) là đối tượng tâm thần sát hại. Sau khi gây án, Đức đã bỏ trốn, bị lực lượng chức năng bắt giữ khi đang lẩn trốn trong lán của một nhà dân tại xã Đức Bác, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc vào 19 giờ cùng ngày.
Đến ngày 28/10, một vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra tại khu Chiềng, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, khiến 2 người tử vong. Hung thủ nghi vấn tiếp tục là đối tượng tâm thần đang điều trị tại nhà.
Liên tiếp các vụ trọng án liên quan đến người tâm thần đang gióng lên hồi chuông báo động về công tác quản lý người tâm thần đang điều trị trong cộng đồng.
Theo Sở Y tế Phú Thọ, việc quản lý, chăm sóc sức khỏe cho người mắc bệnh tâm thần đang điều trị trong cộng đồng tại tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều bệnh nhân có điều kiện kinh tế khó khăn, cư trú ở miền núi, giao thông đi lại khó khăn, phải chữa trị dài ngày dẫn đến khánh kiệt. Bệnh nhân chuyển biến nặng hay tái phát nhưng không được gia đình quan tâm điều trị kịp thời, hoặc không thông báo cho cơ sở y tế. Cá biệt, nhiều trường hợp bị gia đình bỏ rơi, dẫn đến đi lang thang, đập phá, gây mất an ninh trật tự, đe dọa tính mạng của người thân, gia đình và cộng đồng nơi người bệnh sinh sống.
Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần chưa đồng đều ở các tuyến. Dịch vụ sức khỏe tâm thần chủ yếu ở cơ sở chuyên khoa tuyến tỉnh và trung ương, còn ở huyện không cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh nội trú về tâm thần. Tuyến xã, phường hiện chỉ quản lý danh sách người bệnh tâm thần và cấp phát thuốc điều trị theo chỉ định của tuyến trên. Đội ngũ y tế, đặc biệt là bác sĩ chuyên khoa tâm thần, nhà tâm lý lâm sàng tại tỉnh đang rất thiếu.
Thực tế hiện nay, hầu hết bệnh nhân tâm thần, rối nhiễu tâm trí đang được gia đình, địa phương và các trạm y tế xã, phường, thị trấn cấp phát thuốc, chăm sóc, quản lý, nuôi dưỡng tại cộng đồng. Chỉ có một phần nhỏ được hỗ trợ hoặc có điều kiện chi trả sinh hoạt phí, chi phí đi lại, điều trị bắt buộc tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Bên cạnh đó, có rất ít bệnh nhân được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh.
Ông Nguyễn Huy Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ cho biết, toàn tỉnh đang có 3.556 người bệnh tâm thần được quản lý; trong đó có 1.726 người bệnh tâm thần phân liệt, 1.355 người bệnh động kinh, 339 người bệnh trầm cảm, 136 người bệnh rối loạn tâm thần khác. Thời gian tới, tỉnh chỉ đạo ngành Y tế đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tập huấn về sức khỏe tâm thần tại cộng đồng, tăng cường hoạt động khám sàng lọc nhằm phát hiện sớm, kịp thời đưa người mới mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh tâm thần đến cơ sở y tế để được khám bệnh, chẩn đoán và điều trị theo phác đồ. Ngành Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể trong quản lý, theo dõi điều trị và phục hồi chức năng, tái hòa nhập cộng đồng đối với người bệnh tâm thần; cung cấp thuốc đầy đủ, hướng dẫn gia đình tạo điều kiện cho người bệnh có việc làm, được tham gia các hoạt động chung nhằm tái hòa nhập cộng đồng, song vẫn cần theo dõi sát để đảm bảo an toàn xã hội.
Cùng với đó, ngành tiếp tục xây dựng, củng cố mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường đào tạo và thu hút cán bộ chuyên khoa tâm thần làm việc tại các cơ sở y tế; khuyến khích vai trò của y tế tư nhân trong chăm sóc sức khỏe tâm thần. Đơn vị chức năng khuyến cáo, để ngăn chặn hiệu quả vụ việc, vụ án do người có bệnh tâm thần gây ra cần có sự chung tay, phối hợp chặt chẽ từ gia đình, chính quyền cơ sở và toàn xã hội. Khi thấy biểu hiện bất thường, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế và báo cho cơ quan chức năng hỗ trợ giải quyết.