Gương mẫu sống xanh
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi năm, Việt Nam có hàng triệu tấn rác nhựa thải ra môi trường nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Riêng tại thành phố Huế, mỗi ngày phát sinh hơn 400 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó có 60 tấn rác thải nhựa. Mặc dù có đến 86% rác thải nhựa có tiềm năng tái chế nhưng thực tế chỉ khoảng 13% được tái chế do chưa triển khai phân loại rác tại nguồn (theo số liệu từ WWF, năm 2021).
Trong thời gian triển khai, Dự án nỗ lực hình thành đội ngũ tuyên truyền viên khoảng 470 người đến từ UBND 26 phường, xã và các tổ chức chính trị - xã hội như, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Nghề cá, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc… Với mong muốn có sự kết nối và tiếp bước giữa các lực lượng tuyên truyền, Dự án đồng thời tập huấn đội ngũ tuyên truyền với đối tượng là thành viên Hội Cựu chiến binh - những người có uy tín, sức ảnh hưởng trong cộng đồng cho đến thế hệ trẻ tương lai là học sinh, sinh viên.
Trở về thời bình, nhiều cựu chiến binh của thành phố Huế tích cực bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm nhựa. Tuy không khốc liệt nhưng "cuộc chiến" này đòi hỏi sự quyết tâm, kiên trì và bền bỉ của những chiến binh ở tuổi xế chiều. Nhằm phát huy vai trò gương mẫu và tạo ảnh hưởng đến thay đổi hành vi của các thành viên trong gia đình, cộng đồng và thế hệ trẻ về thực hành giảm nhựa, phân loại rác tại nguồn, năm 2023, Dự án "Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam" phối hợp Hội Cựu chiến binh thành phố Huế thành lập 5 Câu lạc bộ cựu chiến binh bảo vệ môi trường tại các phường Thuận Lộc, Thuận Hòa, Tây Lộc, Trường An và Phước Vĩnh. Mỗi Câu lạc bộ có 10 thành viên chủ chốt, uy tín trong cộng đồng với nhiệm vụ hướng dẫn các hộ dân thực hành sáng kiến giảm nhựa và làm quen việc phân loại rác tại nguồn trong sinh hoạt hằng ngày.
Nhận thức được trách nhiệm đối với môi trường, bà Lê Thị Kim Thanh, Hội Cựu chiến binh phường Phước Vĩnh cho hay, bà và các hội viên luôn nêu gương trong gia đình thông qua những việc làm nhỏ mỗi ngày như mang theo túi vải, làn đi chợ hay sử dụng chai thủy tinh trữ nước. Bà luôn nhắc nhở các con, cháu sử dụng bình nước cá nhân khi đi học hay làm việc để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường. Nhìn thấy lợi ích lâu dài, hầu hết mọi người đều ủng hộ những hành động này.
Tại phường Thuận Lộc, những người lính cụ Hồ năm xưa nay có nhiều cách làm riêng để chung tay bảo vệ môi trường. Từ kêu gọi các hộ dân cam kết phân loại rác tại nguồn đến hướng dẫn mọi người cách làm phân bón bằng rác thải hữu cơ cho vườn rau gia đình… Thậm chí, ông Hà Cảnh Trung (Chi hội Cựu chiến binh tổ dân phố 2, phường Thuận Lộc) mua tặng làn đi chợ, soạn tài liệu hướng dẫn phân loại rác cho các hộ với mong muốn mọi người cùng tiết chế sử dụng túi nylon và tăng cường tái chế sản phẩm nhựa.
Mỗi cựu chiến binh là một tuyên truyền viên, tạo nên sự thay đổi lớn về nhận thức của người dân nói chung và thế hệ trẻ thành phố Huế nói riêng trong việc sử dụng vật liệu nhựa. Trong 3 tháng đầu năm 2024, đông đảo người dân thành phố Huế tích cực hành động giảm nhựa. Trung bình mỗi tuần, 5 mô hình Câu lạc bộ vận động các hộ gia đình giảm sử dụng gần 2.700 túi nylon, gần 1.450 sản phẩm nhựa dùng một lần và giảm phát sinh gần 30kg rác nhựa. Những con số ấn tượng này là kết quả của sự gương mẫu tiên phong, dân vận khéo và sức ảnh hưởng, uy tín của lực lượng cựu chiến binh.
Từ vai trò nêu gương của các cựu chiến binh trong gia đình và cộng đồng, thế hệ học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Huế rất năng động trong việc tiếp nhận kiến thức, hình thành thói quen và hành vi, từ đó lan tỏa ra cộng đồng, tạo nền tảng hình thành lối sống xanh bền vững.
Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh tổ dân phố 2, phường Thuận Lộc Phạm Xuân Phụng chia sẻ: "Từ bỏ thói quen xấu, lạm dụng vật dụng nhựa đến thay đổi thói quen xanh, phân loại rác là một quá trình dài, yêu cầu sự chung tay kiên trì của toàn xã hội. Mong rằng với sự hỗ trợ từ lực lượng cựu chiến binh, giới trẻ sẽ tạo ra sự thay đổi đột phá và là chìa khóa mở ra bức tranh tương lai xinh đẹp cho thành phố Huế - thành phố xanh của Việt Nam".
Sự chung tay từ nhà trường
Cùng với sự vào cuộc của cả cộng đồng, những năm gần đây, các hoạt động trong trường học trên địa bàn thành phố Huế được thiết kế nhằm nâng cao nhận thức của học sinh về tác động của rác thải nhựa.
Cô Võ Thị Tú Khanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thuận Thành cho biết, để tạo sự hứng thú, dễ dàng tiếp thu kiến thức cho các em, nhà trường tổ chức nhiều hình thức giáo dục về vấn đề bảo vệ môi trường nói chung và hướng dẫn giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa nói riêng. Đó là lồng ghép nội dung này trong các môn học Giáo dục công dân, Tự nhiên và Xã hội; tổ chức Ngày hội đổi rác lấy quà, Cuộc thi Rung chuông vàng, Câu lạc bộ sinh hoạt kết nối gia đình, học sinh và giáo viên… Hay đơn giản là nhắc nhở các em thực hành thói quen phân loại rác tại nguồn sau khi ăn trưa, uống sữa ở trường.
Ở Câu lạc bộ "Em yêu môi trường" của Trường Tiểu học Thuận Thành, vòng tròn kết nối phụ huynh, học sinh và thầy cô giáo đã phát huy hiệu quả khi các em không chỉ tìm ra được câu trả lời vì sao mình cần tiết giảm sử dụng đồ nhựa dùng một lần, thể hiện lập trường bằng ý tưởng, giải pháp của riêng mình mà phụ huynh, giáo viên còn cho thấy được vai trò nêu gương, đồng hành cùng con trẻ thực hiện trách nhiệm với cộng đồng, môi trường.
Trải nghiệm một ngày hoạt động ngoại khóa cuối tuần tại Trường Tiểu học Phú Thượng (thành phố Huế), các học sinh không ngại thời tiết nắng gắt đầu hè, thu gom rác ở nhà đưa đến trường để đổi phần quà là bút, vở... Những chai nhựa, lon nhôm và bìa các-tông được đóng góp vào ngôi nhà xanh của trường nhằm gây quỹ hỗ trợ các bạn học có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên học giỏi.
Hào hứng tham gia các hoạt động, em Hồ Hoàng Diệu Linh (lớp 5/1, Trường Tiểu học Phú Thượng, thành phố Huế) chia sẻ niềm vui về những hành động nhỏ, ý nghĩa của mình có thể giúp môi trường xanh, sạch hơn và cải thiện điều kiện học tập cho nhiều người bạn của mình.
"Sau những buổi học tại trường, tôi đã nhận ra những thay đổi của con như việc chủ động phụ giúp bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, phân loại rác và thường xuyên chia sẻ, nhắc nhở các em về bảo vệ môi trường. Đồng hành cùng con, tôi cũng tự chế những góc phân loại rác trong nhà và có bảng hướng dẫn cho các con. Tôi hy vọng rằng, thói quen sống xanh của các con sẽ không chỉ gói trọng trong quy mô gia đình hay trường học mà sẽ lan tỏa, hình thành nét văn minh trong cộng đồng thành phố", anh Nguyễn Bá Vương, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Thuận Thành bộc bạch.
Theo bà Hoàng Ngọc Tường Vân, Quản lý Dự án "Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam", nếu dự án dựa vào uy tín, phát huy sức ảnh hưởng của lực lượng cựu chiến binh để "biến" họ thành những tuyên truyền viên trong cộng đồng, thì học sinh, sinh viên là đối tượng ưu tiên để triển khai hoạt động nâng cao nhận thức, tạo nền tảng hình thành lối sống xanh bền vững.
"Các em như những "trang giấy trắng" có khả năng tiếp thu, lan tỏa và tác động lớn đến gia đình, xã hội. Nếu đào tạo tốt thế hệ trẻ - chủ nhân của đất nước trong tương lai sẽ góp phần thay đổi xã hội", bà Hoàng Ngọc Tường Vân lý giải.
Bằng cách lồng ghép thực hành giảm nhựa, phân loại rác vào những hoạt động chính khóa và ngoại khóa trong học đường hay dựa vào sức ảnh hưởng của lực lượng cựu chiến binh với vai trò nòng cốt tuyên truyền, dự án "Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam" mong muốn mọi thế hệ người dân xứ Huế thấy được trách nhiệm của mình trong việc giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường. Mỗi hành động của người dân, nhất là thế hệ trẻ tuy nhỏ nhưng có thể mang lại ý nghĩa lớn, góp phần xây đắp ý thức hệ về bảo vệ môi trường và cuộc sống xung quanh.
Do đó, việc phát huy vai trò của lực lượng cựu chiến binh, tạo ảnh hưởng trong thế hệ trẻ hay đầu tư giáo dục lối sống xanh trong trường học đều cùng hướng đến mục tiêu thay đổi nhận thức, hành vi của những chủ nhân tương lai của đất nước. Đây là hướng đi tích cực, hiệu quả nhằm mang lại giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng "ô nhiễm trắng", hướng tới một môi trường sống an toàn cho các thế hệ tiếp theo.