Chủng vi rút này đã phát hiện tại Việt Nam từ năm 2014, hiện thỉnh thoảng vẫn xuất hiện tại một số ổ dịch nhỏ lẻ và đều được xử lý triệt để.
Theo nhận định của Cục Thú y, nguy cơ dịch cúm gia cầm phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Một số chủng vi rút cúm gia cầm (A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8) có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.
Do đó, các địa phương cần chủ động phòng, chống cúm gia cầm; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời; chủ động giám sát dịch bệnh để phát hiện sớm, cảnh báo và thực hiện các biện pháp ứng phó kịp thời khi phát hiện có dịch bệnh hoặc có mẫu giám sát cho kết quả dương tính với các chủng vi rút cúm gia cầm có nguy cơ gây bệnh ở gia cầm và gây bệnh ở người.
Theo ông Long, đối với ổ dịch tại Phú Yên, ngay sau khi phát hiện lực lượng thú y địa phương đã tiến hành lấy mẫu và gửi xét nghiệm, kết quả có dương tính với vi rút H5N6. Cục Thú y đã cử cán bộ Thú y vùng IV (Đà Nẵng) phối hợp với tỉnh Phú Yên, lực lượng chuyên môn của tỉnh để xử lý ổ dịch.
Cụ thể, đã tiêu huỷ toàn bộ đàn gà 2.900 con của 2 hộ gia đình tại ổ dịch; đồng thời, vệ sinh tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực ổ dịch. Bên cạnh đó, tỉnh Phú Yên cũng đã cấp 5.000 lít hoá chất sát trùng để phun toàn bộ khu vực lân cận ổ dịch; cấp 300.000 liều vắc xin để tiêm phòng bao vây ổ dịch tại toàn bộ khu vực đang có ổ dịch.
Đồng thời, kiểm soát, không cho vận chuyển gia cầm từ khu vực có dịch ra ngoài và không cho vận chuyển gia cầm mới vào nuôi lại tại khu vực có dịch. Ngoài ra, hướng dẫn bà con khi tiếp xúc với gia cầm phải mặc quần áo bảo hộ để tránh lây bệnh sang người.
Ông Nguyễn Văn Long cũng khuyến cáo, khi phát hiện gia cầm có triệu chứng mắc bệnh, ốm, chết phải báo ngay cho cơ quan thú y cơ sở, lấy mẫu xét nghiệm. Nếu dương tính với vi rút chủng H5N1 hoặc H5N6, phải phối hợp với cơ quan chuyên môn của Trung ương, chính quyền địa phương tiến hành tiêu huỷ đàn gia cầm mắc bệnh, tiêu diệt mầm bệnh không để lây lan ra ngoài.
Bên cạnh đó, tiến hành vệ sinh tiêu độc, khử trùng, tiêm phòng cho đàn gia cầm. Hiện nay, Việt Nam đã có đủ chủng loại vắc xin để tiêm phòng bệnh cho đàn gia cầm có hiệu quả.
Trước đó, theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên, từ ngày 27/10 - 1/11/2018, đã phát hiện ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại 2 hộ chăn nuôi thuộc thôn Đông Bình, xã Hòa An, huyện Phú Hòa. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm 2.900 con (2.800 con gà và 100 con vịt) của 2 hộ chăn nuôi và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.