Chuồn chuồn tre Thạch Xá bay xa

Hình ảnh những chú chuồn chuồn tre đầy màu sắc được bày bán trên những gian hàng lưu niệm trong chợ Đồng Xuân (Hà Nội) có lẽ không còn xa lạ với nhiều người. Phần lớn trong số đó được ra đời từ bàn tay khéo léo của người dân làng Thạch Xá.

Cách Hà Nội hơn 30 km về phía tây, thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất nằm ngay dưới chân núi Câu Lậu, nơi tọa lạc ngôi chùa Tây Phương nổi tiếng. Từ nhiều năm nay, Thạch Xá còn nổi danh bởi nghề làm chuồn chuồn tre độc đáo.

Dọc theo quãng đường hơn 200 bậc đá leo lên ngôi chùa Tây Phương, chuồn chuồn tre luôn xuất hiện trong các gian hàng lưu niệm bên cạnh món chè lam truyền thống. Người dân cho rằng đây là điều đáng tự hào bởi không phải điểm du lịch nào cũng có thể tự sản xuất đồ lưu niệm để bán cho du khách.

Một nhân công đang sơn chuồn chuồn.


Theo nhiều hộ dân trong làng, nghề làm chuồn chuồn tre mới xuất hiện từ 10 năm nay. Thăm xưởng sản xuất của gia đình anh Nguyễn Văn Đính, một hộ chuyên sản xuất chuồn chuồn tre ở Thạch Xá, chúng tôi mới hiểu để làm ra một chú chuồn chuồn tre nhỏ bé cũng tốn khá nhiều thời gian và công sức.
Kinh nghiệm hơn chục năm làm nghề giúp anh Đính làm được những chú chuồn chuồn đẹp mắt và chắc chắn. Tre được kỳ công lấy về từ miền ngược như các vùng Hòa Bình, Hà Giang... rồi phải cạo vỏ, pha thành mảnh nhỏ, phơi khoảng 4 đến 5 nắng, sau đó mới được sử dụng. Tre làm chuồn chuồn phải là loại tre bánh tẻ, đốt dài, không già không non để tre dẻo và ít mối mọt. “Nếu muốn làm hàng đẹp hơn thì phải lấy trúc từ xã Phú Vinh, Phú Nghĩa, Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) vì trúc ở đó có chất lượng rất tốt”, anh Đính nói.

Sau khi đã chuẩn bị được nguyên liệu, để có một chú chuồn chuồn hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn gồm: Chẻ tre, vót thân và cánh chuồn chuồn, làm mỏ, lắp cánh, sơn, vẽ,... Trong đó, khó nhất là lắp cánh vào thân chuồn chuồn. Để giữ chuồn chuồn đậu thăng bằng, người thợ thủ công phải tính toán rất cẩn thận đến chiều dài, rộng của thân và cánh chuồn chuồn. Thông thường, thân chuồn chuồn có chiều dài 7-20 cm tùy theo thiết kế và đặt hàng của khách. Sau khi lắp ráp xong, phải cho chuồn chuồn đậu thử bằng mỏ lên đầu ngón tay, nếu cân bằng thì người thợ mới gắn keo cố định cánh vào thân.

Khi đã thành hình con chuồn chuồn, công đoạn tiếp theo là sơn và vẽ màu trang trí. Để chuồn chuồn có độ bóng đẹp và bắt mắt, người thợ phải cẩn thận trong khi quét sơn, tỉ mỉ khi vẽ, đồng thời còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết. Anh Đính cho biết: “Một con chuồn chuồn đạt tiêu chuẩn thì lớp sơn phải bóng đẹp, mịn, không được khô. Điều này phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của người thợ”.

Những con chuồn chuồn tre đầy màu sắc đang được phơi cho khô sơn.


Giá thành một con chuồn chuồn tre tại xưởng chỉ khoảng 1.500 - 2.000 đồng loại nhỏ và 3.000 đồng loại lớn. Với mức giá phải chăng như vậy, chuồn chuồn tre nhanh chóng được nhiều khách hàng ưa chuộng. Nhờ đó, chuồn chuồn tre đã bay ra khỏi lũy tre làng Thạch Xá đến với nhiều vùng miền của đất nước, đem lại niềm vui cho mọi người. “Chuồn chuồn tre tiêu thụ khắp cả nước, từ Bắc vào Nam đều có. Tôi cũng nhận được nhiều đơn đặt hàng từ nước ngoài như Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Thái Lan”, anh Đính tâm sự.

Theo anh Đính, khách hàng thích chuồn chuồn cong đuôi vì nó đẹp mắt hơn so với chuồn chuồn đuôi thẳng. Mỗi năm, anh Đính làm khoảng 3 - 4 chuyến hàng xuất khẩu, mỗi lần từ 5.000 - 50.000 sản phẩm. Thu nhập của gia đình, sau khi trừ chi phí nguyên liệu, nhân công cũng được khoảng 6 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập không phải quá cao nhưng vẫn ổn định hơn so với làm nông nghiệp.

Sự khéo léo của đôi bàn tay người thợ đã biến những thanh tre vô tri vô giác thành những chú chuồn chuồn đầy màu sắc. Giờ đây, sản phẩm chuồn chuồn tre Thạch Xá với hình dáng độc đáo và sắc màu rực rỡ mang đậm dấu ấn của làng quê Việt Nam thanh bình đã bay qua lũy tre làng đến với trẻ thơ khắp cả nước và nước ngoài. Đó không chỉ là món quà ý nghĩa dành cho trẻ thơ, mà nó còn đang góp phần làm cho bộ mặt vùng quê Thạch Xá ngày một giàu đẹp hơn.

Dương Nam Hoàng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN