Công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua có bước chuyển biến vượt bậc so với những năm trước, song vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Anh Tuấn (ảnh), Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương xung quanh vấn đề này.
Trong những tháng cuối năm 2013, một số bị cáo phạm tội tham nhũng xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Công ty Vifon được đưa ra xét xử, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một số ít vụ án được đưa ra xét xử. Ông có thể cho bạn đọc biết thêm thông tin về công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng trong thời gian qua?
Theo thống kê của chúng tôi, từ tháng 1/2011 đến 30/6/2013, cơ quan chức năng đã thụ lý 774 vụ án tham nhũng với 1.974 bị can. Số vụ kết thúc điều tra chuyển sang truy tố là 707 vụ với 1.594 đối tượng. Nếu so với số vụ được phát hiện, khởi tố trung bình hàng năm (310 vụ với 790 đối tượng), thì số vụ, số đối tượng tham nhũng bị phát hiện, khởi tố trong năm vừa qua tăng lên khá nhiều.
Thực tế này phản ánh diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm tham nhũng, đồng thời cũng cho thấy sự cố gắng của cơ quan điều tra các cấp trong việc phát hiện, khởi tố, điều tra các vụ án tham nhũng; vụ án kinh tế, chức vụ có dấu hiệu tham nhũng. Trong số những vụ án trên có nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, diễn ra trong thời gian dài, có nhiều bị can. Nhìn tổng thể, công tác chống tham nhũng trong năm qua có chuyển biến và đạt kết quả tốt hơn những năm trước.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những vụ án bị trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần, khiến thời gian xử lý kéo dài, gây bức xúc trong dư luận thưa ông?
Đúng là có một số trường hợp như vậy. Điều đó chứng tỏ việc phát hiện và xử lý những vụ án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp trong thời gian qua ở các cấp còn hạn chế. Một số vụ án phải trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần, trong đó có cả lý do để hợp thức thời hạn tố tụng. Chất lượng, tiến độ điều tra một số vụ án nghiêm trọng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, thống tham nhũng.
Có một số vụ án, việc áp dụng biện pháp tạm giam không kịp thời, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử như: bị can bỏ trốn; tiêu hủy, hợp thức hóa tài liệu, chứng cứ; bàn bạc để đối phó với các cơ quan tố tụng...
Có một số trường hợp ở cấp tỉnh, sau khi được Viện kiểm sát quyết định hủy bỏ tạm giam, các bị can đã phản cung khiến cho thời gian giải quyết vụ án bị kéo dài. Có trường hợp bị can phản cung, chối tội gây khó khăn cho công tác điều tra, thu thập chứng cứ, buộc phải đình chỉ điều tra.
Theo thống kê của chúng tôi, từ tháng 1/2011 đến 30/6/2013, số vụ án bị trả hồ sơ điều tra bổ sung còn nhiều với trên 11% số vụ với 19% số bị can, một số vụ bị trả hồ sơ để điều tra lại đến 2, 3 lần.
Chúng tôi cũng nắm được thông tin, có địa phương phát hiện ra những sai phạm trong quản lý nhà nước với số tiền lên đến nhiều tỷ đồng, nhiều héc ta đất nhưng lại không phát hiện được tham nhũng; hoặc có phát hiện được thì rất ít, chủ yếu là các vụ nhỏ lẻ ở cấp xã, thôn.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, thưa ông?
Theo tôi, có rất nhiều nguyên nhân. Trước hết là cơ chế, chính sách quy định của pháp luật còn những kẽ hở. Cụ thể, trong quá trình điều tra ban đầu, khi vụ án chưa được khởi tố, với hành vi phạm tội tham nhũng liên quan đến lĩnh vực ngân hàng hoặc người có hành vi phạm tội là đảng viên, thì công tác thu thập tài liệu, chứng cứ gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân thứ hai là công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong một số vụ án chưa chặt chẽ nên hiệu quả xử lý chưa cao. Bên cạnh đó, công tác giám định tư pháp phục vụ công tác đấu tranh chống tội phạm tham nhũng còn bất cập. Ngoài ra, cũng phải kể đến năng lực, trình độ chuyên môn của một số điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán cũng chưa đáp ứng yêu cầu giải quyết án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng, nhất là án trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, công nghệ cao, các vụ án có yếu tố nước ngoài...
Dư luận cho rằng, tỉ lệ án treo trong các vụ án tham nhũng còn cao, chưa đủ sức răn đe. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Theo thống kê của chúng tôi, tỷ lệ phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với các bị cáo phạm các tội về tham nhũng năm 2011 là 37%. Tuy nhiên, trong năm 2012 và nửa năm 2013, án treo cho loại tội phạm này đã giảm mạnh, chỉ còn 28%.
Hướng xử lý của chúng tôi trong thời gian tới là giảm án treo đối với loại tội phạm này để tăng sức răn đe. Cụ thể, áp dụng hình phạt đủ nghiêm đối với đối tượng chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; quy định chặt chẽ việc cho bị cáo hưởng án treo trong vụ án tham nhũng; quản lý chặt đội ngũ thẩm phán làm công tác xét xử.
Thưa ông, Ban Nội chính Trung ương có đề xuất gì với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo TW phòng chống tham nhũng về chính sách phòng chống loại tội phạm này trong thời gian tới?
Chúng tôi kiến nghị Bộ Chính trị giao Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung quy định về chứng cứ trong Bộ luật tố tụng hình sự để tăng khả năng truy cứu trách nhiệm của những người nhận hối lộ bằng chứng cứ gián tiếp; quy định nghĩa vụ giải trình của người bị điều tra, truy tố về tội tham nhũng; kéo dài thời hạn giải quyết tin báo tố giác tội phạm so với quy định hiện nay, để phù hợp với tính chất phức tạp của loại tội phạm này.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cũng kiến nghị sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự theo hướng cho phép các cơ quan tiến hành tố tụng được phép áp dụng một số biện pháp điều tra đặc biệt đối với những cá nhân có căn cứ khẳng định dấu hiệu tham nhũng.
Xin ông cho biết nhiệm vụ chủ yếu của công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2014?
Trong năm nay, chúng tôi sẽ khẩn trương sửa đổi, bổ sung hoàn thiện quy định về các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đang được thực hiện nhưng hiệu quả thấp, như: Xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; quy định về khen thưởng người có thành tích trong phòng, chống tham nhũng; quy định về việc tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức, nhằm hạn chế tính hình thức của các quy định này.
Bên cạnh đó, Ban Nội chính sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ việc, vụ án tham nhũng; tập trung vào một số lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao như: Quản lý sử dụng đất đai, xây dựng cơ bản, tài nguyên, khoáng sản; tài chính, ngân hàng; thuế, hải quan; quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước...
Đặc biệt, chúng tôi sẽ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Huyền Tím (thực hiện)