Chuyện chưa kể về cô gái trẻ đoạt giải thưởng WIPO

Giải thưởng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ (WIPO) cùng những kết quả học tập xuất sắc ở đại học của Nguyễn Thị Ngọc Ngà khiến nhiều người thán phục. Đằng sau bảng điểm đẹp, ít ai biết được bí quyết học giỏi của cô gái này nhờ rất nhiều vào việc tham gia hoạt động ngoại khóa, và ngành nghề mà cô tỏa sáng hôm nay lại từng chỉ là sự lựa chọn “thứ yếu”, không là ngành “hot” theo suy nghĩ của số đông.

Ngà học ngành Công nghệ sinh học của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đề tài nghiên cứu: "Tách dòng, biểu hiện gene mã hóa enzyme xylanase từ nấm mốc Aspergillus niger C1 trong E. coli BL21 và bước đầu biểu hiện trong Arabidopsis thaliana" đã mang lại cho Ngà giải thưởng Tổ chức Sở hữu trí tuệ dành cho tác giả trẻ xuất sắc năm 2010.



Đây là một trong những bước đầu trong hướng nghiên cứu mới hướng tới sản xuất được ethanol sinh học và đưa ethanol sinh học có nguồn gốc từ thực vật vào đời sống, góp phần giải quyết vấn đề năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Công trình này trước đó đã được giải nhất sinh viên nghiên cứu khoa học cấp bộ. Việc đoạt giải WIPO là một bất ngờ nằm ngoài mong đợi của cô sinh viên trẻ.

“Vì đam mê và quyết tâm, em đã làm ngày, làm đêm để có được kết quả như vậy”, Ngà chia sẻ.

Nếu có điều kiện, Ngà muốn phát triển kết quả nghiên cứu tới khả năng điều khiển quá trình biểu hiện gene xylanase để xử lý phụ phẩm nông nghiệp như rạ, cây ngô sau khi thu hoạch.

Bước ngoặt từ khi tham gia ngoại khóa

Năm 2010, Ngà là sinh viên duy nhất đạt 10 điểm tốt nghiệp trọn vẹn của Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Khoảng 6 -7 năm nay, Viện mới có người đạt kết quả đó.

Phương pháp học tập của Ngà là rèn luyện sự tập trung và học từ những buổi ngoại khóa, chia sẻ bí quyết học hành với sinh viên khóa trên, khóa dưới. Khả năng tập trung cao độ không phải ai cũng có ngay được. Tập dần rồi quen, học trong thời gian ngắn rồi tự cho mình nghỉ giải lao, rồi học tiếp. Tuyệt đối không vừa học vừa chơi”, Ngà chia sẻ. Ngà thường vừa học vừa nghe nhạc rock. “Học ít nhưng “chất”, vì nhờ rèn luyện được sự tập trung”.

Với những môn xã hội - môn “nhiều chữ” theo cách gọi của Ngà, Ngà luôn luôn viết ra khi học, và sử dụng phương pháp bản đồ tư duy và rất hiệu quả. “Hoạt động ngoại khóa cũng là cơ hội để em học hỏi kinh nghiệm của anh chị khóa trước, chia sẻ kinh nghiệm học tập với khóa sau. Cho đi là nhận lại mà”.

Trong khi các bạn cùng lớp chỉ tập trung cho việc học hành, Ngà tham gia câu lạc bộ FOBIC (câu lạc bộ sinh viên Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội) ngay từ năm thứ 2 đại học.

Những ngày tháng đầu tiên vào CLB ảnh hưởng khá lớn đến suy nghĩ, quan điểm sống và quyết định con đường sự nghiệp của Ngà. Khi tham gia CLB, ban đầu, Ngà chỉ cốt “để tìm người chơi với mình thôi. Nhưng khi vào đây, được mọi người chia sẻ về cuộc sống, về học tập, em đã có nhận thức tốt hơn về ngành học. Và em quyết tâm phải đạt kết quả tốt”, Ngà nhớ lại.

Hoạt động ngoại khóa còn giúp Ngà trau dồi cho mình các kỹ năng mềm. FOBIC thường xuyên mời các giảng viên của trung tâm đào tạo kỹ năng mềm về giảng dạy. “Từng làm quản lý tài chính, trưởng ban tổ chức và chủ tịch CLB nên em học được rất nhiều kỹ năng mềm từ nhiều khía cạnh khác nhau của công việc”. CLB đã giúp Ngà lớn lên rất nhiều. Bây giờ, mặc dù đã ra trường, lúc nào Ngà cũng sẵn lòng về lại CLB, chia sẻ kinh nghiệm học tập kỹ năng mềm, trau dồi khả năng của bản thân cho các sinh viên khóa sau.

Thấy may mắn vì không học ngành “hot”

Ngà kể, bố mẹ Ngà đều là công nhân, thu nhập trung bình, kinh tế không mấy khá giả nhưng rất quan tâm tới việc ăn học của con cái. Cả 3 chị em Ngà đều học ĐH Bách khoa Hà Nội. Ngà và chị gái đều tốt nghiệp loại giỏi của ĐH Bách khoa. Chị của Ngà học ngành Điện tử, Ngà học Công nghệ sinh học, em trai của Ngà đang học ngành Kinh tế.

“Thần tượng” của Ngà là chị gái. “Hồi bé, chị em học giỏi lắm, được lên ti vi chương trình Bông hoa nhỏ về tấm gương học giỏi. Vì vậy, em quyết tâm là mình phải giỏi hơn chị”, Ngà hóm hỉnh.

Nhắc lại chuyện lựa chọn ngành nghề, Ngà nói: “Khi đăng ký thi đại học, Ngà cũng giống các bạn là thích khoa điện (nghề hồi đó “hot” là điện, điện tử, công nghệ thông tin). Một lý do nữa là vì chị gái cũng học ngành này. Năm đó, điểm thi của Ngà được 24,5 và Ngà chọn Công nghệ sinh học. “Sau 5 năm học, em không hề hối tiếc vì mình đã phải học 1 ngành không “hot” của trường. Em rất tự hào vì mình được học những thầy cô giỏi, tận tụy”.

Hiện nay Ngà đang du học ở Pháp. Nói về dự định nghề nghiệp trong tương lai, Ngà tâm tư: “Việt Nam mình nghèo quá mà nhiều người sau khi du học thì lại không muốn trở về Việt Nam. Vì thế nên so với tốc độ phát triển của thế giới, Việt Nam càng ngày càng nghèo đi về chất xám, khoa học, công nghệ”. Ngà tiết lộ, mục tiêu của em là tốt nghiệp càng sớm càng tốt để về nước làm giảng viên khoa Công nghệ sinh học - dược học trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội với mong muốn góp một phần nhỏ bé cho sự phát triển ngành công nghệ sinh học của nước mình.

Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN