Nỗ lực chuyển đổi năng lượng toàn cầu
Tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP 28) diễn ra tại Dubai, Các tiểu vương quốc Ả-Rập thống nhất (UAE) vào đầu tháng 12/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam và Nhóm các đối tác quốc tế, gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Nhật Bản, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Italy, Canada, Vương quốc Đan Mạch và Vương quốc Na Uy (viết tắt là IPG).
Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng đề cập mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu của quốc tế theo Thỏa thuận Paris và các cam kết tại Glasgow, bao gồm mục tiêu 1,5 độ C, giảm một nửa lượng phát thải CO2 toàn cầu vào năm 2030 và đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm dần điện than.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, các đối tác quốc tế giúp Việt Nam hoàn thiện chính sách, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính cho chuyển đổi năng lượng công bằng; thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, nâng cấp hạ tầng lưới điện; phát triển các kỹ năng và năng lực cần thiết đối với chuyển đổi công bằng thông qua giáo dục và đào tạo nghề; tăng cường tham gia của khu vực tư nhân; phát triển trung tâm năng lượng tái tạo và hình thành ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; thúc đẩy lưu trữ, cất trữ và sử dụng carbon, sản xuất thiết bị và pin lưu trữ năng lượng, sản xuất hydrogen xanh, phát triển điện gió ngoài khơi.
Là quốc gia thứ ba sau Indonesia và Nam Phi ký kết thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, Việt Nam lại là quốc gia đầu tiên công bố Kế hoạch huy động nguồn lực triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng. Đây được xem là bước đi quan trọng để khơi thông nguồn tài chính từ Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng và chuyển hóa thành các dự án mang tính đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam.
Kế hoạch đề ra danh mục các dự án cụ thể để huy động tài chính từ các Nhóm đối tác quốc tế, Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (GFANZ) và các nhà tài trợ khác. Điều này chứng minh, Việt Nam đã sẵn sàng và sẽ tạo điều kiện tốt nhất để tiếp nhận các nguồn lực thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng.
Giai đoạn 2024 - 2028, các đối tác quốc tế sẽ hỗ trợ nguồn lực giúp Việt Nam triển khai các dự án cụ thể, nhằm hiện thực hóa Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng.
Việt Nam đã cùng các đối tác quốc tế thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng để huy động ban đầu 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới phục vụ nỗ lực chuyển đổi năng lượng.
Hiện thực hóa chuyển đổi năng lượng công bằng
Trong quá trình thiết lập và thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, Việt Nam đã và đang phải đối mặt nhiều thách thức về đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo yếu tố công bằng cũng như phải sửa đổi về pháp luật, chính sách kinh tế, xã hội, công nghệ để đáp ứng các yêu cầu đặt ra.
Việt Nam đang tiến hành các biện pháp cần thiết để thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng như nội luật hóa Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng; thành lập Ban Thư ký và xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực với sự tham gia của toàn hệ thống chính trị và chính phủ, các bên liên quan khác.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, Bộ phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo ban hành nhiều chính sách, chương trình hành động về ứng phó biến đổi khí hậu và triển khai thực hiện, tiêu biểu như: Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26); Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030, Kế hoạch quốc gia triển khai tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030; Cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định năm 2022; Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia theo hướng giảm mạnh điện than, thay thế bằng nguồn điện từ năng lượng tái tạo, điện khí LNG; Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng và phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố JETP tại Việt Nam. Các bộ, ngành đã xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0”; các doanh nghiệp đã vào cuộc, đẩy mạnh chuyển đổi xanh phục vụ ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế carbon thấp.
Trong năm 2023, Việt Nam đã phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với mục tiêu tổng quát là triển khai thực hiện thành công Tuyên bố JETP gắn với thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; phát triển ngành năng lượng hài hòa giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ, thông minh trên cơ sở bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và các mục tiêu phát triển, đảm bảo công bằng trong chuyển đổi năng lượng.
Đề án nêu rõ 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để triển khai có hiệu quả Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, bao gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi năng lượng; thúc đẩy chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện, đẩy nhanh lộ trình xây dựng hệ thống điện thông minh và phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng; chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải; đổi mới sáng tạo, phát triển và chuyển giao công nghệ; bảo đảm công bằng trong chuyển đổi năng lượng; truyền thông, nâng cao nhận thức; thúc đẩy hợp tác, huy động nguồn lực cho chuyển đổi năng lượng công bằng...
Có thể thấy, nguồn tài chính do các đối tác cam kết huy động hiện nay mới chỉ là một phần nhỏ trong tổng nhu cầu thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng. Vì thế, Việt Nam sẽ tiếp tục huy động và sử dụng nguồn ngân sách và huy động từ khối tư nhân.
Theo ông Guido Hildner, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam, Việt Nam cần các quyết định mang tính lâu dài từ phía nhà nước, sự thúc đẩy sáng tạo đổi mới trong khu vực công và tư nhân, huy động nguồn đầu tư công - tư, đặc biệt trong hiện đại hóa lưới điện cũng như tăng hơn nữa sản xuất điện năng lượng tái tạo".
Nhấn mạnh với thỏa thuận Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong một khuôn khổ hợp tác mới để thực hiện một quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng, bao trùm và hướng đến năng lượng tái tạo. Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho rằng, cần chung tay để hiện thực hóa quá trình chuyển dịch năng lượng mang tính toàn cầu, bền vững, công bằng, toàn diện và hợp lý. Liên hợp quốc sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng và tất cả các nỗ lực hợp tác khác…