Thưa ông, xin ông cho biết cụ thể về tình hình hạn hán ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung và khu vực Tây Nguyên của nước ta?
Khu vực Bắc Bộ từ đầu mùa mưa lũ, dòng chảy trên các sông suối, đặc biệt dòng chảy đến các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Hồng, thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 20 - 70%. Mực nước các hồ chứa lớn như Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình thấp hơn nhiều so với năm 2018. Dung tích các hồ chứa chỉ đạt khoảng 30 - 50% so với dung tích thiết kế.
Tại khu vực Trung Bộ, trong giai đoạn nửa cuối tháng 3 đến giữa tháng 5, dòng chảy trên các sông ở khu vực Tây Nguyên suy giảm, lượng trữ của các hồ thủy điện thủy lợi khu vực Tây Nguyên ở mức thấp hơn TBNN, tình trạng khô hạn thiếu nước cục bộ đã xảy ra tại các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông. Thời điểm xuất hiện khô hạn thiếu nước gay gắt nhất vào cuối tháng 4/2019. Đến cuối tháng 5, khu vực Tây Nguyên bước vào mùa mưa nên tình trạng, hạn hán thiếu nước cơ bản chấm dứt.
Trong giai đoạn từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 7, do tình trạng nắng nóng kéo dài, nền nhiệt độ tăng cao, tổng lượng mưa, tổng lượng dòng chảy thiếu hụt nhiều so với TBNN cùng kỳ (phổ biến từ 30 - 50%), dung tích các hồ chứa thủy điện, thủy lợi vừa và lớn chỉ đạt ở mức thấp đã gây ra tình trạng hạn hán ở các tỉnh Trung Bộ từ Nghệ An đến Ninh Thuận.
Theo quy luật, vào thời điểm cuối tháng 5 đã bắt đầu có lũ tiểu mãn, thời điểm này - tháng 7 hàng năm, lũ bão bắt đầu xuất hiện ở Bắc Bộ. Thế nhưng, năm nay, trước những diễn biến bất thường của thời tiết nắng nóng đã và đang khiến các tỉnh bị hạn hán hoành hành. Ông có thể lý giải nguyên nhân của tỉnh trạng này là gì?
Tại Bắc Bộ từ tháng 5 đến nay, khu vực Bắc Bộ không xuất hiện nhiều đợt mưa lớn diện rộng, chủ yếu mưa lớn cục bộ. Lũ lớn chưa xuất hiện, dòng chảy trên các sông suối không được bổ sung nước, thiếu hụt so với TBNN từ 20 - 70%.
Khu vực Trung Bộ do ảnh hưởng của El Nino, nền nhiệt độ trung bình các tháng ở hầu hết các vùng trong cả nước có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm, lượng mưa thiếu hụt nhiều so với TBNN. Số lượng cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam ít hơn TBNN. Lượng dòng chảy năm ở các sông thuộc Trung Bộ suy giảm, ở mức thiếu hụt nhiều so với TBNN.
Do đó trong năm nay thì tình trạng hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn trở nên gay gắt hơn.
Từ ngày 2 - 5/7, do ảnh hưởng của mưa bão số 2, dòng chảy tại các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị được bổ sung nên tình trạng hạn hán đã được cải thiện so với thời gian trước đó. Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận vẫn diễn ra tình trạng hạn hán.
Thưa ông, khu vực Trung Bộ đang chịu đợt nắng nóng trên diện rộng, nhiều nơi trên độ C. Xin ông cho biết, đợt nắng nóng này kéo dài trong bao lâu?
Trong tháng 6 Bắc Bộ và Trung Bộ đã phải trải qua những ngày nắng nóng gay gắt trên diện rộng, thậm chí ở Trung Bộ nắng nóng kéo dài suốt từ ngày 3/6 - 1/7. Sang tháng 7, sau cơn bão số 2 Bắc Bộ, Trung Bộ tạm thời gián đoạn được 1 - 2 ngày do có mưa, nhưng từ ngày 5/7 nắng nóng bắt đầu xuất hiện ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ và từ ngày 6/7 - 09/7 nắng nóng xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh Bắc Bộ, từ hôm nay, nắng nóng sẽ chấm dứt ở Bắc Bộ.
Với Trung Bộ thì nắng nóng kéo dài suốt từ ngày 5/7 tới giờ; ngày hôm nay nhiệt độ giảm nhẹ ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh nhưng vẫn ở mức nắng nóng, trong khi đó ở các tỉnh từ Quảng Bình trở vào đến Phú Yên tiếp tục xảy ra nắng nóng trên diện rộng và chúng tôi dự báo tình trạng nắng nóng ở các tỉnh Trung Bộ còn có thể kéo dài ít nhất khoảng 7 - 8 ngày tới, tức là khoảng sau ngày 16/7 nắng nóng ở khu vực này mới có khả năng chấm dứt.
Vậy ông cho biết dự báo của cơ quan khí tượng Việt Nam về những tháng còn lại của mùa hè năm nay? Và liệu có thể xảy ra những đợt nắng nóng kỷ lục không?
Theo các kết quả dự báo mới nhất cho thấy, hiện tượng ENSO được dự báo sẽ duy trì trạng thái El Nino yếu từ nay đến khoảng tháng 8 - 9/2019 với xác suất khoảng 65%, sau đó, ENSO có khả năng trở về trạng thái trung tính vào những tháng đầu năm 2020.
Như vậy, có thể nhận định El Nino năm 2018 - 2019 không kéo dài. Vì thế chúng tôi nhận định nhiệt độ trung bình từ tháng 7 - 10/2019 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn TBNN cùng thời kỳ khoảng 0,5 - 1,0 độ C. Riêng khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tháng 11 - 12/2019 ở mức cao hơn so với TBNN từ 1,0 - 1,5 độ C. Từ nay đến tháng 8/2019 còn xảy ra nắng nóng và có khả năng tập trung nhiều hơn vào nửa cuối tháng 6 - 7/2019 tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ; trong đó khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ còn có khả năng xảy ra nắng nóng gay gắt.
Tuy nhiên nắng nóng gay gắt và mạnh mẽ nhất đã xảy ra trong các tháng 4 - 6 và nửa đầu tháng 7, vì thế khoảng thời gian từ nay đến cuối năm vẫn còn nắng nóng, nhưng cường độ nắng nóng sẽ bớt gay gắt hơn và từ giờ đến cuối năm, hầu như không có khả năng xuất hiện các đợt nắng nóng kỷ lục.
Trước tình trạng nắng nóng, khô hạn như hiện nay thì ông có khuyến cáo như thế nào?
Trước tình trạng nắng nóng, khô hạn như hiện nay người dân ở các vùng nắng nóng cần có biện pháp bảo vệ sức khỏe, như ăn uống hợp lý, tránh vừa trong mát lại ra ngay vùng nóng và ngược lại, cũng như hạn chế làm việc lâu ngoài nắng nóng, để hạn chế hiện tượng sốc nhiệt.
Ngoài ra, chúng ta cũng đã biết khoảng thời gian xảy ra nắng nóng cũng là khoảng thời gian trời hanh khô, rất dễ xuất hiện nguy cơ cháy, vì thế người dân cần hết sức lưu ý, đề phòng và cẩn thận trọng các hoạt động đốt nương làm rẫy hoặc các hành động gây phát sinh nguồn cháy.
Trân trọng cảm ơn ông!