Chuyện kể của hai anh hùng Điện Biên

"Đã 58 năm trôi qua, nhưng cứ đến những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi lại nhớ đến đồng chí, đồng đội của mình nhiều hơn”. Đó là tâm sự của Đại tá Đặng Đức Song và Đại tá Phùng Văn Khầu – hai trong số 16 tấm gương tiêu biểu nhất, lập công xuất sắc nhất tại Điện Biên Phủ, được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

 

Qua câu chuyện của các chiến sỹ Điện Biên năm xưa, chúng tôi như được sống lại một thời Điện Biên “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Anh hùng Đặng Đức Song: “Dũng sỹ đồi Xanh”


 

Anh hùng Đại tá Đặng Đức Song.

 

Sinh năm 1934 tại xã Cộng Hòa, Nam Sách, Hải Dương, anh hùng Đại tá Đặng Đức Song hoạt động du kích từ năm 1950. Đến năm 1952, ông tình nguyện tham gia nhập ngũ, được phân về Đại đoàn 316, Trung đoàn 98, Tiểu đoàn 439. Sau đó ông tham gia chiến đấu giải phóng Tây Bắc lần 1 năm 1952. Đến năm 1953, Tiểu đoàn ông được phân công sang chiến đấu ở Lào. Cuối năm 1953, ông cùng đồng đội về nước, tham gia cuộc chiến đấu giải phóng Điện Biên.


Anh hùng Đại tá Đặng Đức Song kể, lúc ấy Đại đoàn điều Tiểu đoàn của ông ra chốt giữ khu đồi Xanh, gồm các đồi 781, 754, 518, 502. Đơn vị ông đóng ở đồi 781. Suốt 32 ngày đêm phòng ngự, đơn vị ông đã đập tan 7 đợt tấn công của địch, chấm dứt âm mưu của chúng trong việc mở rộng vòng vây quanh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giữ vững trận địa. Đơn vị khi ấy có 7 người, hy sinh và bị thương 5 người, chỉ còn ông và đồng chí Danh, tân binh vừa vào được 3 ngày. Ông nhớ lại: “Khi đó, địch mở mũi tấn công lên khu đồi. Chúng ném liền 3 quả lựu đạn vào trận địa. Đồng chí Trương tiếp đạn bị thương, tôi định ra băng bó vết thương cho đồng chí Trương, thì một quả lựu đạn ném ngay trước mặt. Sau loạt lựu đạn, địch lại tấn công lần nữa. Khi chúng bò lên, tôi bắn gục 2 tên, mấy tên còn lại nằm yên không dám nhúc nhích. Tôi mang lựu đạn ra ném rồi bắn đuổi chúng chạy sang đồi bên kia... Sau trận đánh, đồng chí Chu Huy Mân, Chính ủy Trung đoàn đã tặng chúng tôi danh hiệu “Dũng sĩ đồi Xanh”, và đơn vị chúng tôi cũng là đơn vị đầu tiên được nhận Huân chương ngay tại mặt trận”.


Sau trận chiến đồi Xanh, chỉ nhận nhiệm vụ chỉ huy đội xung kích, cùng đồng đội đánh chiếm đồi C1, C2, tiêu diệt được nhiều địch. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông đã được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng Ba, 14 lần được trung đoàn, đại đoàn khen thưởng, và được bầu là Chiến sĩ thi đua của đại đoàn. Ngày 7/5/1956, ông được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và danh hiệu Anh hùng lực Lượng vũ trang nhân dân.

Anh hùng Phùng Văn Khầu: Nhớ mãi trận chiến đồi E

 
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, Đại tá Phùng Văn Khầu là pháo thủ số 2 kiêm Khẩu đội trưởng, Trung đội 1 (Đại đội 755, Tiểu đoàn 275, Trung đoàn 675) - đơn vị chủ lực đánh chặn và tiêu diệt các lô cốt, khẩu pháo của địch trên đồi E.


 

Anh hùng Đại tá Phùng Văn Khầu luôn nhớ đến kỷ niệm về trận chiến phòng ngự trên đồi E. Ông bồi hồi nhớ lại: “Ngày 24/4 khi bộ binh ta đánh vào, cắt đứt sân bay Mường Thanh, Pháp đã dùng 2 tiểu đoàn bộ binh, 5 xe tăng, pháo binh và phòng không đánh để chống trả. Khi đó, tôi ở trên đồi E thì được cấp trên thông báo xuất hiện một trận địa pháo binh địch gồm 4 khẩu 105 ly, Đại đội 755 chịu trách nhiệm tiêu diệt trận địa này. Trong quá trình phản công, địch đánh sập hầm ngụy trang của 2 khẩu pháo dự phòng, 7 đồng chí hy sinh, 11 người bị thương. Cả đại đội, còn mỗi khẩu đội của tôi là chiến đấu được. Khi Đại đội trưởng gọi tôi lên thông báo: “Khẩu đội của Khầu 9 người nay chỉ còn 4 thôi, Khầu phải tiêu diệt bằng được trận địa pháo binh này”, tôi đã khóc. Đồng chí chính trị viên nói: “Tình thương yêu giai cấp, thương yêu đồng đội không chỉ ở hai hàng nước mắt, mà Khầu phải biến nó thành hành động, phải tiêu diệt bằng được 4 khẩu pháo này”.


Trở về công sự, tôi cùng đồng đội quyết tâm phải tiêu diệt bằng được 4 khẩu pháo này. Tôi ra lệnh cho đồng chí Lý Văn Pao, khẩu đội phó kiêm pháo thủ nạp đạn mở lỗ châu mai. Tôi nhảy vào càng pháo, nhìn qua nòng pháo, ngắm khẩu thứ nhất của địch bắn… Một tiếng nổ ùm… vang lên, Đại đội trưởng quan sát và reo lên: “Khầu ơi, trúng rồi, trúng rồi!”. Rồi Đại đội trưởng lại hô: “Khầu ơi, thêm cho nó 2 phát nữa!”. Tôi lại ngắm và bắn trúng liền 2 phát nữa, khẩu pháo đổ xuống. Khi đó xe tăng và pháo địch phát hiện ra nơi có khói, chúng chĩa súng vào bắn sập nắp hầm quân sự. Tôi liền vượt bom đạn chạy ra khỏi công sự, mang theo cái xẻng xúc đất… để mở lỗ châu mai và tiếp tục tiêu diệt những khẩu pháo còn lại. Kết thúc trận này, đồng chí Pao bị cụt 1 chân, chỉ còn lại một mình tôi và khẩu sơn pháo. Vậy là suốt từ ngày 25/4 - 7/5, tôi làm cả 7 nhiệm vụ, từ quan sát, ngắm mục tiêu, nạp đạn, giật cò... để phòng ngự trên đồi E, phục vụ cho bộ binh, góp phần không nhỏ vào chiến thắng ở Điện Biên”.
36 ngày đêm khẩu đội của ông Phùng Văn Khầu phòng ngự ở trên đồi E đã tiêu diệt 5 khẩu 105, 6 khẩu đại liên, 1 kho đạn, 1 lô cốt và nhiều quân địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho bộ binh chiến đấu giành thắng lợi cuối cùng. Trong chiến dịch này, anh hùng Phùng Văn Khầu được tặng 3 Huân chương, trong đó có 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 2 Huân chương Chiến công hạng Ba, được Bác Hồ tặng huy hiệu, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông vinh dự được lên chiến khu gặp Bác Hồ và Bác gắn huy hiệu Điện Biên Phủ. Ngày 31/8/1955, ông Phùng Văn Khầu được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.


Bài và ảnh: Phương Lan

Nỗ lực bảo tồn, tôn tạo các di tích chiến thắng Điện Biên Phủ
Nỗ lực bảo tồn, tôn tạo các di tích chiến thắng Điện Biên Phủ

Tỉnh Điện Biên được biết đến với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954 “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Cùng với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ, danh xưng Điện Biên đã vượt giới hạn không gian, vị trí địa lý, được du khách trong và ngoài nước quan tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN