Chuyến tác nghiệp khó khăn đầu tiên khi làm phóng viên Tin tức

Với mỗi người làm báo, những chuyến đi lên rừng, xuống biển hoặc tới những vùng khó khăn nhất luôn mang lại chất liệu cảm xúc cho mỗi sản phẩm. Tại báo Tin tức, tôi đã được trao một cơ hội tác nghiệp ý nghĩa trên vùng biển phía Nam của Tổ quốc vào năm 2010.

Chú thích ảnh
Nhà giàn DK1/10 ở thềm lục địa phía Nam. Ảnh: Lê Vân. 

Ước mong thành hiện thực

Năm 2009, tôi về toà soạn báo Tin tức làm việc khi vừa tròn 24 tuổi. Nơi đón nhận tôi là phòng Kinh tế - Xã hội với những người làm báo đang ở độ tuổi 20-30. Sức trẻ, sự năng động và nhanh nhạy của tập thể này đã như tiếp thêm lửa nghề cho tôi. Cũng tại đây, mong ước được tác nghiệp trên biển của tôi trở thành hiện thực.

Theo kinh nghiệm của những nhà báo đi trước, chuyến tác nghiệp trên biển nên đi vào tháng 4 hàng năm bởi “sóng yên biển lặng". Còn chuyến đi dịp cuối năm nên sẵn sàng đối mặt với những cơn say sóng đến “vỡ mật”, nhưng bù lại sẽ có được những khoảnh khắc giao quân hay trao quà Tết nhiều cảm xúc. Không ngần ngại, đầu năm 2010, tôi lên đường, tham gia đoàn công tác trên chuyến tàu HQ 624 thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 2 ra thăm và chúc Tết các chiến sĩ đang công tác tại Nhà giàn DK1/10 ở thềm lục địa phía Nam.

Quả thật, chuyến đi nhiều “sóng lớn", tôi lại là nữ duy nhất của chuyến tàu HQ 624. Sự động viên của lãnh đạo phòng Kinh tế - Xã hội đã khiến tôi thêm quyết tâm: “Chuyến đi có nhiều khó khăn nhưng đã xác định đi thì em cần cố gắng ghi chép tất cả các câu chuyện có thể. Đây là chất liệu hiếm có với mỗi người làm báo”.

Đoàn nhà báo có 11 người đến từ Bắc, Trung, Nam đều có những trải nghiệm giống nhau là say sóng. Những con sóng cao dồn dập tung bọt trắng xoá giữa biển khơi không thấy bờ khiến chúng tôi nằm bẹp 2 ngày. Sang ngày thứ 3, trong nắng sớm giữa biển cả mênh mông, nhà giàn hiện lên như biểu tượng của sức sống mãnh liệt trước mắt chúng tôi.

Một số đồng nghiệp nam liên tục có tin, bài gửi về đất liền. Dù luôn trong trạng thái chếnh choáng nhưng tôi vẫn gắng để có những tin, bài đầu tiên. Lúc này, chị Ninh Hồng Nga (khi đó là Trưởng phòng Kinh tế - Xã hội) nhắn: “Đưa được thông tin đầu tiên về chuyến đi là tốt rồi. Giờ em cố gắng ghi các câu chuyện để khi trở về đất liền viết bài cho báo Tết cũng không sao”. Sự động viên kịp thời này đã giúp tôi bình tĩnh hơn để bước vào đợt tác nghiệp thực sự của chuyến đi.

Chú thích ảnh
Phóng viên Lê Vân di chuyển lên Nhà giàn bằng ròng rọc dây thừng. Ảnh: Đức Tuyên/Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh. 

Vượt khó và lớn lên  

Đại tá Trương Công Thế, Phó Chính uỷ Vùng 2 Hải quân thông tin: Có đoàn không thể tiếp cận được Nhà giàn bởi sóng quá lớn. Chúng tôi lại tiếp tục hồi hộp. Một cuộc họp đã được tổ chức ngay sau đó về việc những ai được lên Nhà giàn trước. Những hàng hoá chuẩn bị cho đợt gói bánh chưng, cây mai và vật dụng cần thiết đều được đưa lên trước bằng “hàng không”. Nếu sóng quá lớn thì sẽ được kéo bằng dây.

Để chuyển hàng lên Nhà giàn bằng phao, các chiến sĩ hải quân của các nhà giàn thả dây xuống nước cho trôi theo phao và thủy thủ tàu dùng sào kéo dây lên. Rồi tất cả quà Tết được cho vào túi nilon buộc thật chặt và thả xuống biển. Trong hơn 1 tiếng đồng hồ số hàng mới được chuyển hết.

Từ tàu lớn, chúng tôi được xuống một chiếc xuồng để tiếp cận nhà giàn. Có lẽ, lúc này tôi biết thế nào là sóng lớn. Những đợt sóng nâng chiếc cano bé nhỏ vọt lên cao rồi lại trôi xuống như tuột dốc. Các thủy thủ phải lựa theo hướng gió, luồng nước chảy để ghìm xuồng vào nơi hợp lý nhất. Chúng tôi lên Nhà giàn bằng một ròng rọc dây thừng.

Đại tá Trương Công Thế nói với tôi: “Vân ơi, chú ý đây! Cháu phải co chân thật chắc. Vì sóng cao mà chỉ cần thả chân có thể đập vào cột nhà giàn là mất chân"! Tôi căng thẳng: “Vâng ạ”. Hai anh phóng viên làm mẫu trước để tôi làm theo.

Đến lượt tôi, vì quá chú ý đến cái chân mà thay vì bám vào dây thừng to thì tôi bám vào dây thừng mảnh. Những người lính ở hai đầu dây bỗng dưng đều hô rất to giữa sóng biển tung bọt trắng xoá. Tôi tiếp tục co chân, giữ vững để ròng rọc kéo mình đi. Tới được chân Nhà giàn, tất cả cùng kéo tôi lên trong tiếng cười, tiếng vỗ tay mà tôi vẫn chưa hiểu hết được ý nghĩa này lúc đó. Có anh phóng viên nói với tôi rằng: “Em quá may mắn! Hôm nay suýt làm mồi cho cá”!

Vượt qua cơn say sóng, nỗi sợ vừa trải qua, tôi bắt tay tác nghiệp trong những giờ phút ngắn ngủi chúng tôi có mặt trên Nhà giàn. Những hình ảnh chiến sĩ gói bánh chưng, cách mà họ trang trí cây mai để đón Tết, sắp bàn thờ để đón một giao thừa có khách đông nhất trong năm… đã giúp tôi có những chất liệu cho bài viết “Tết về trên Nhà giàn DK1/10” trên số Tết báo Tin tức năm 2010.

Chú thích ảnh
Lần đầu tiên những chiến sĩ ở Nhà giàn DK1/10 có cây mai thật để trang trí. Ảnh: Lê Vân. 
Chú thích ảnh
Vườn rau xanh trên Nhà giàn DK1/10. Ảnh: Lê Vân. 

"Vườn rau xanh của người lính Nhà giàn"; "Câu chuyện xa nhà của người lính hải quân"; "Những đấu tranh trong tư tưởng và nỗ lực để sinh tồn"… là những chất liệu sống đầy quý giá trong tác phẩm báo chí của tôi sau này.

Hải trình kết thúc, chúng tôi trở về trong tâm thế hân hoan bởi ai cũng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Mỗi nhà báo đều được trao huy hiệu của Vùng 2 Hải quân. Cá nhân tôi trở thành nhân vật trong bài viết của các đồng nghiệp báo khác về đề tài nhà báo nữ tác nghiệp trên biển.

Còn tôi nghĩ rằng, có được khí thế, sự vững tâm đó phần nào được trong môi trường làm báo không ngại dấn thân của mỗi phóng  viên phòng Kinh tế - Xã hội khi ấy, đồng thời luôn là sự động viên kịp thời của lãnh đạo phòng, Ban biên tập báo Tin tức.

Chuyến hải trình từ Vũng Tàu - Nhà giàn DK1/10- Côn Đảo đã để lại trong tôi một ấn tượng khó quên. Khó quên bởi tất cả là lần đầu: Lần đầu được tác nghiệp trên biển, địa hình khó khăn và có khoảnh khắc hiểm nguy… Trong khó khăn ấy là sự nỗ lực để có tin, bài gửi về đất liền. Ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào, với nhân vật nào tôi đều có câu chuyện riêng để viết. Nhìn đồng nghiệp tác nghiệp, nhìn những ưu thế về sức khoẻ mà họ có tôi cũng rút được cho mình những kinh nghiệm quý giá.

Trở về công việc thời sự hàng ngày, tôi như tiếp thêm sự tự tin khi mình đã có những chất liệu sống cũng như vượt qua những khó khăn của chuyến đi. Trong những lần được lãnh đạo phòng sửa bài viết, những nét biên tập bút xanh, bút đỏ đã giúp tôi có những kinh nghiệm khi viết bài về chuyến thực tế này.

Và như vậy, ngay khi vào tờ báo được 8 tháng, tôi đã hiện thực hoá được mong ước tác nghiệp trên biển. Đây là lần đầu tiên tôi có chức danh trong một chuyến đi xa như thế. Cũng trong suốt quá trình đó, khi gặp khó khăn trong tác nghiệp, kết nối với đất liền, tôi luôn được sự động viên của lãnh đạo phòng Kinh tế - Xã hội. Chuyến đi vượt khó này đã giúp tôi lớn lên và có những gắn kết chặt chẽ hơn với công việc của phòng cũng như toà soạn báo Tin tức khi đó.

Mỗi lần khi đọc lại bài viết của đồng nghiệp viết về tôi năm đó hoặc những tác phẩm báo chí về nhà giàn dưới dạng tin, chùm ảnh, phóng sự, bút ký… tôi luôn cảm thấy mình thật may mắn và biết ơn toà soạn đã chắp cánh ước mơ được đi đến các vùng miền của tôi.

Lê Vân/Báo Tin tức
Trải lòng của phóng viên viết làm MC truyền hình
Trải lòng của phóng viên viết làm MC truyền hình

Năm 2022 đánh dấu bước chuyển mình của báo Tin tức, khi ra đời Tin tức TV - một loại hình mới mẻ. Và chúng tôi, từ chỗ đứng sau trang báo in, sau bài viết trên báo điện tử, đã bước ra màn hình trong các sản phẩm đầu tay...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN