Chuyện tình của người thương binh trên chiếc xe lăn

Sau khi bị thương ở chiến trường Campuchia năm 1979, anh thương binh Hoàng Xuân Hùng rất buồn và nhủ lòng sẽ không bao giờ lập gia đình. Tuy nhiên, nhờ sức mạnh của tình yêu, đến nay anh Hùng đã có một tổ ấm hạnh phúc và một cơ ngơi khang trang mà nhiều người lành lặn cũng mơ ước.

Với điểm tựa tình yêu và nghị lực mạnh mẽ, anh Hùng - chị Huệ luôn vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống.


“Nhà tôi đi “đổ” bia cho khách, lát sẽ về”, vừa nói, chị Nguyễn Thị Huệ, vợ thương binh Hoàng Xuân Hùng, vừa mau mắn kéo ghế mời mấy vị khách ngồi lại quán của chị uống chén nước. Chốc chốc chị lại tất bật đứng lên trả lời khách đến mua thức ăn gia súc, mua đá hoặc gọi người em và cậu con trai chuyển bia cho khách hàng…

Trong lúc đó, chúng tôi có dịp ngắm cơ ngơi của vợ chồng chị Huệ ở xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Căn nhà mái bằng 3 gian với đầy đủ vật dụng tiện nghi đắt tiền của gia đình chị Huệ, rộng khoảng 150 m2/tổng diện tích đất hơn 300 m2.; phần đất còn lại (khoảng 150 m2) gia đình bố trí phía ngoài mở quán giải khát, phía trong làm kho chứa các bom bia và thức ăn gia súc.

Tổng thu từ các hoạt động kinh doanh cũng đủ nuôi 2 cháu trai trưởng thành. “Nhưng để có được cuộc sống ngày hôm nay, cũng không dễ dàng gì”, chị Huệ thoáng chạnh lòng.

Điểm tựa là tình yêu

Anh Hoàng Xuân Hùng (quê ở Tiên Phong, Duy Tiên, Hà Nam), đi bộ đội từ năm 1973. Năm 1979, anh bị thương nặng trong một trận đánh ác liệt khi làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia, tỷ lệ thương tật tới 91% khi mới 27 tuổi. Sau đó, anh Hùng được đưa về Trại điều dưỡng thương bệnh binh nặng tại xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

Lúc này, chị Huệ đang là nhân viên của Trung tâm điều dưỡng. Mỗi ngày, tiếp xúc và nhìn anh đi lại, chính xác hơn là nửa lết, nửa bò bằng cách chống 2 tay trên 2 chiếc ghế nhỏ rồi lăng qua lăng lại phần cơ thể còn lại, chị Huệ càng thương anh hơn.

“Ồ, “nhà tôi” về rồi đó”, chị Huệ thông báo khi nghe thấy tiếng xe chở bia quen thuộc của anh Hùng phía trước cửa quán giải khát. Với vẻ ngoài rắn rỏi, màu da rám nắng, đôi mắt to tròn và nụ cười hóm hỉnh, trông anh Hùng rất “oách” trên chiếc xe 3 bánh, phía sau chở cả chục bom bia vừa mới đổi cho khách. Anh vào nhà và trò chuyện cùng chúng tôi. Khi chúng tôi hỏi: “Tình yêu của anh có gặp trở ngại gì không?”, anh Hùng thoáng ngập ngừng: “Nhiều chứ. Sau khi bị thương, mất đi đôi chân, thân thể đau nhức mỗi khi trái nắng trở trời, tôi tự nhủ sẽ không bao giờ lấy vợ…”. Nhưng như duyên trời định, khi gặp chị Huệ, thấy chị là một người nết na, từng ở trong quân ngũ, rất hiểu và thông cảm với những thương binh, nên anh Hùng đã có ý thương thầm.
“Yêu tôi nhưng anh không dám ngỏ. Chính nét mặt buồn buồn, rồi hình ảnh anh quá khó khăn khi đi lại nhưng vẫn luôn cố gắng làm việc và giúp đỡ người khác… luôn ở trong tâm trí tôi”, chị Huệ chia sẻ.

Nhưng khi hai anh chị vượt qua được sự tự ti và những nỗi lo lắng về cuộc sống tương lai để đến với nhau thì gia đình của chị Huệ lại không đồng ý. “Yêu nhau thì quyết tâm đến với nhau thôi. Chúng tôi nghĩ khi mình sống tốt thì chắc bố mẹ sẽ nghĩ lại…”, anh Hùng nói.

Ngày đầu lấy nhau, Trung tâm Điều dưỡng cấp cho vợ chồng anh Hùng 1 căn nhà 15 m2 ở trong trung tâm. Cuộc sống khó khăn, có lúc anh chị nhường nhau từng lưng cơm. “Tôi không còn nhớ được đã bao đêm thức trắng bên anh khi vết thương hành hạ anh mỗi lúc trở trời, phần mỏm cụt ở chân anh cứ giật liên tục, người anh đau đớn, cứng đờ như trẻ con lên cơn sài giật. Nhiều lúc cũng bi quan lắm nhưng rồi tình cảm vợ chồng và lòng quyết tâm đã giúp chúng tôi đã vượt qua tất cả”, chị Huệ trải lòng.

May mắn là năm 1997, vợ chồng anh Hùng được cấp mảnh đất mặt đường liên xã (khoảng 200 m2). Vay mượn khắp nơi, anh chị “cất” được căn nhà mái bằng 3 gian. Nhưng làm xong nhà thì lại càng lo, biết làm gì để trả nợ và nuôi 2 con ăn học?

“Tôi bàn với anh Hùng vay vốn mở hàng tạp hóa và lấy bia hơi về bán. Chẳng quản nắng nôi, mưa gió, hễ có khách yêu cầu là anh Hùng lại lên xe đi lấy bia từ nhà máy (cách nhà 10 km) về để giao cho khách. Còn tôi thì cũng quần quật cả ngày. Khi có chút vốn liếng, vợ chồng tôi lại mở thêm đại lý thức ăn gia súc, nghiền bột ngô bán thêm. Thế rồi cũng có chút tiền mua thêm hơn 100 m2 đất để mở rộng cơ sở kinh doanh…”, chị Huệ chia sẻ.

Giờ đây, kinh tế của vợ chồng anh Hùng đã có “bát ăn bát để”, anh chị cũng không phải sớm khuya vất vả như trước. Hai con của anh chị giờ cũng đã trưởng thành, một người đã tốt nghiệp ĐH Kiến trúc, đang công tác tại Hà Nội; người còn lại đã học xong cao đẳng công nghiệp, đã xây dựng gia đình và đang cùng cha mẹ quản lý việc kinh doanh. Điều mà chị Huệ lo lắng nhất là ngoài vết thương đau nhức mỗi khi trở trời, hiện anh Hùng còn mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, huyết áp. “Thấy ai mách thuốc gì hay là tôi lại mua, chỉ mong bệnh tình của anh thuyên giảm”, chị Huệ chia sẻ trước khi đẩy xe lăn cho anh Hùng và tiễn chúng tôi ra về.

Còn nhiều nỗi lo lắng và chưa thể thảnh thơi sau nhiều năm quá vất vả nhưng tôi tin với một nghị lực mạnh mẽ và tình yêu bền chặt suốt gần 30 năm qua, anh Hùng và chị Huệ sẽ vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục là điểm tựa cho nhau và là tấm gương cho nhiều người về ý chí vượt khó, vươn lên.

Bài và ảnh: Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN