Tạo thuận lợi cho người dân đến làm thủ tục dịch vụ công là hướng đi tiếp trong việc cải cách hành chính của Hà Nội.
Tiện lợi hơn cho người dân
Ngồi đợi làm thủ tục tại bộ phận một cửa, chị Đào Thị Hân (Đông Anh) cho biết, đây là lần thứ hai đến làm thủ tục đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL) Hà Nội và lần này đơn giản hơn lần trước rất nhiều.
Người lao động được hướng dẫn thủ tục đăng ký BHTN tại bộ phận 1 cửa của TTGTVL Hà Nội. |
“Năm 2011, tôi đi làm thủ tục đăng ký nhận bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), phải đi qua nhiều bộ phận và mất nhiều thời gian do cách hướng dẫn mỗi người một khác. Nhưng lần này, mọi thủ tục đều nhanh gọn, tôi chỉ cần qua bộ phận một cửa, lấy số, xếp thứ tự và nghe tư vấn, kiểm tra hồ sơ. Trước đây, tôi phải đi lại khoảng 7 lần mới hoàn tất hồ sơ, nay chỉ đi lại đúng hai lần là một lần đến đăng ký, nộp hồ sơ và sau 17 ngày đến nhận kết quả. Như vậy rất thuận tiện”, chị Đào Thị Hân chia sẻ.
Cùng chung quan điểm, anh Nguyễn Minh Thành vừa mới nghỉ làm tại Công ty Kỹ thuật điện nói: “Lần đầu tiên đến làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp nhưng tôi không hề bị căng thẳng vì được hướng dẫn tường tận, chu đáo, chuyên nghiệp. Các ô hỗ trợ và thủ tục rõ ràng, dán công khai”.
Sau khi lấy số thứ tự, người lao động chỉ phải chờ hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ. |
Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (TTGTVL Hà Nội) cho biết: Sau 4 tháng triển khai Đề án thí điểm cơ chế một cửa trong việc giải quyết BHTN (từ 1/7 - 31/10/2014), đơn vị đã tiếp nhận hơn 13.000 lao động đến làm thủ tục đăng ký BHTN, và đã trả kết quả cho hơn 12.800 người. Đội ngũ cán bộ trung tâm được sắp xếp lại cho phù hợp với mô hình một cửa, qua đó, cán bộ nâng cao năng lực, tác phong khi làm việc. Toàn bộ quy trình và chính sách để giải quyết chế độ BHTN được công khai minh bạch, rõ ràng và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, người lao động đến giao dịch và qua đó tạo thuận lợi cho quản lý, giám sát thực hiện BHTN.
Trước khi áp dụng mô hình một cửa trong việc giải quyết chính sách BHTN, người lao động đi qua nhiều bộ phận tổ, phòng ban và mất nhiều thời gian. “Nguyên nhân là thứ tự chờ đợi giải quyết thủ tục chưa chuyên nghiệp, phải hỏi nhiều người mới xong bộ hồ sơ, công tác giám sát chất lượng công việc và tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ gặp nhiều khó khăn. Nhưng từ khi áp dụng mô hình một cửa thì việc công khai các thủ tục hành chính được niêm yết rõ ràng, người lao động chỉ cần đến một điểm, một bộ phận và chỉ lấy số thứ tự, chờ hướng dẫn. Thời gian giải quyết hồ sơ rút ngắn 3 ngày so với trước đây là 20 ngày. Người lao động hiểu rõ hơn về chính sách BHTN”, ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc TTGTVL Hà Nội, cho biết.
Hiện nay, ngoài trụ sở chính, TTGTVL Hà Nội có 6 điểm tiếp nhận hồ sơ tại các điểm trong thành phố, dù đã được kết nối trực tuyến nhưng cơ sở vật chất chưa được đầu tư hoàn thiện nên việc triển khai một số hoạt động trong quy trình phải thực hiện thủ công nên cán bộ vẫn lúng túng, bị động. Do đó đề nghị thành phố sớm đầu tư nâng cấp tại các điểm vệ tinh để quy trình được thống nhất, ông Phong cho hay.
Nhân rộng mô hình
Theo Sở Nội vụ Hà Nội, từ hiệu quả xã hội đạt được của việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa trong các cơ quan hành chính nhà nước thời gian qua, Hà Nội sẽ tăng cường áp dụng cơ chế một cửa trong việc cung cấp các dịch vụ công tại các doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm giảm phiền hà cho người dân. Từ cuối năm 2013, nhằm thúc đẩy hơn nữa cải cách hành chính, Hà Nội xây dựng Đề án thí điểm thực hiện cơ chế một cửa trong cung cấp dịch vụ công tại một số đơn vị doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công thuộc thành phố.
Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH): Sẽ nhân rộng mô hình theo hệ thống ngành dọc Mô hình một cửa trong giải quyết thủ tục BHTN tại TTGTVL Hà Nội là mô hình đầu tiên triển khai trong hệ thống TTGTVL trong cả nước. TTGTVL Hà Nội là đơn vị tiếp nhận số lượng lớn lao động đến giải quyết chế độ BHTN nhưng với cơ chế một cửa đã giúp việc này triển khai khá thuận lợi. Từ 1/1/2015, khi Luật Việc làm có hiệu lực, việc giải quyết chế độ BHTN cho người lao động sẽ chặt chẽ hơn với mô hình một cửa TTGTVL Hà Nội sẽ được đúc rút kinh nghiệm nhân rộng theo hệ thống ngành dọc để hướng tới sự chuyên nghiệp, đặc biệt là sự phối hợp liên thông với các TTGTVL các tỉnh, khu vực. Ông Nguyễn Văn Thắng, cán bộ về hưu (quận Long Biên): Tạo sự minh bạch Thủ tục và cơ chế giải quyết dịch vụ công cần minh bạch rõ ràng, nhất là những đơn vị cung cấp dịch vụ công có tính độc quyền. Đơn cử như làm hồ sơ xin cấp nước sạch hoặc điện, đến nộp hồ sơ, bảo vệ chỉ lên phòng hành chính, rồi đi lại giữa các phòng chuyên môn mất thời gian và từ đó nảy sinh tiêu cực “phí” nếu muốn làm nhanh. Do đó việc có cơ chế một cửa đối với đơn vị dịch vụ công sẽ tạo sự minh bạch rõ ràng. Mô hình này cần sớm nhân rộng. |
Hiện nay, có 70 doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước và 2.447 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố quản lý; trong số đó có các doanh nghiệp nhà nước có sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích và các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động cung cấp các dịch vụ công trên các lĩnh vực thiết yếu đối với đời sống dân sinh như: văn hóa, giáo dục, y tế, lao động việc làm, điện, nước sạch, môi trường…
Theo khảo sát, chất lượng cung cấp dịch vụ ở một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu khiến người dân phải đi lại nhiều lần, nhiều đầu mối giải quyết, hồ sơ đề nghị cung cấp dịch vụ còn phức tạp, rườm rà; thời gian giải quyết còn dài, một số dịch vụ còn chưa thực sự công khai, minh bạch về thành phần hồ sơ, thời gian, quy trình giải quyết. “Vì vậy, cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý, kiểm soát chất lượng giải quyết dịch vụ công. Áp dụng cơ chế một cửa trong việc cung cấp các dịch vụ công nhằm nâng cao chất lượng của các dịch vụ, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công do các doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện. Các dịch vụ công được lựa chọn thí điểm thực hiện cơ chế một cửa thuộc các lĩnh vực: đất đai, quy hoạch - kiến trúc, xây dựng đô thị, điện, nước, môi trường, y tế, lao động, việc làm”, đại diện Sở Nội vụ cho biết.
Sau thành công tại TTGTVL Hà Nội, cơ chế một cửa trong dịch vụ công sẽ áp dụng tại Công ty TNHH MTV Nước sạch số 2 Hà Nội (cung cấp dịch vụ tại quận Long Biên và các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh). Với các đơn vị triển khai cơ chế một cửa, các đơn vị thực hiện sẽ niêm yết công khai các quy định, quy trình thực hiện, giấy tờ, hồ sơ, mức thu phí, lệ phí và thời gian giải quyết dịch vụ công tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, trên website của đơn vị thực hiện thí điểm và Cổng giao tiếp điện tử của thành phố.
Theo ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, việc cải cách hành chính nhận được sự quan tâm của thành phố và đạt được kết quả quan trọng. Thành phố đã ban hành Đề án lựa chọn thực hiện thí điểm tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội và Công ty nước sạch số 2 Hà Nội trong năm 2014. Sau đó, sẽ triển khai nhân rộng tại các đơn vị khác trên toàn thành phố với mục tiêu tránh tình trạng người dân đi lại nhiều lần; công khai minh bạch; tinh thần thái độ phục vụ được nâng lên. Trong quá trình làm, các đơn vị rà soát lại thủ tục hồ sơ nhằm đơn giản hóa hồ sơ và các bước thực hiện, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin để tạo sự liên thông cũng như giám sát, minh bạch.
Xuân Cường