Những ai là người Quảng Trị có tuổi thơ vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, thời kỳ bao cấp đầy khó khăn của đất nước, sẽ không bao giờ quên được những buổi chiều ra đứng trước cửa để ngóng bà, ngóng mẹ đi chợ về mua quà là chiếc bánh nổ quê hương. Đặc biệt là vào tiết trời thu đông, dư vị ngọt ngào của đường, mùi thơm nồng của hương nếp trộn lẫn với vị cay dịu của gừng cùng thoang thoảng hương dầu chuối… đã đánh tan đi cái se lạnh đầu mùa.
Đất nước ngày càng phát triển hội nhập, nhiều thương hiệu bánh, kẹo nổi tiếng trong và ngoài nước đã xuất hiện trên thị trường, dần lấn át đi các thương hiệu bánh kẹo truyền thống của tỉnh, trở thành nỗi day dứt của người dân bản xứ. Bánh nổ, một trong những sản phẩm gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ người dân Quảng Trị cũng dường như đã rơi vào quên lãng trong những năm gần đây.
Day dứt trước sự mai một dần của các sản phẩm truyền thống trước các thương hiệu ngoại lai, trong đó có sản phẩm bánh nổ của quê hương Triệu Trạch, năm 2019, được sự đồng tình của gia đình, chị Mai Thị Tuyết Sương (sinh năm 1986), giáo viên Vật lý trường Trung học cơ sở Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, đã thành lập cơ sở sản xuất bánh nổ Sương Mai với quyết tâm khôi phục lại nghề làm bánh nổ truyền thống của quê hương.
Tuy mới đi vào hoạt động chưa được một năm, nhưng với phương châm sản xuất “Tất cả vì người tiêu dùng”, luôn đặt an toàn thực phẩm lên hàng đầu, hiện nay sản phẩm bánh nổ do cơ sở sản xuất không đủ cung ứng cho thị trường.
Chị Mai Thị Tuyết Sương cho biết, mặc dù nhu cầu của thị trường cao nhưng cơ sở mới chỉ sản xuất được bình quân khoảng 150 thanh bánh nổ/ngày, trị giá 3.750.000 đồng (25.000 đồng/thanh) từ 30 kg gạo nếp, 10 kg gừng tươi, 10 kg đường. Chị Tuyết Sương chia sẻ, hiện nay cơ sở có 5 lao động chính và 3 lao động thời vụ, sản xuất thủ công các công đoạn làm bánh nên chưa thể cung ứng đủ cho nhu cầu thị trường.
Bánh nổ truyền thống được sản xuất theo các công đoạn: Gạo nếp rang nổ thành bỏng hoàn toàn thủ công bằng bếp củi, sau đó người thợ sẽ khẩn trương dần, sàng và nhanh tay nhặt bằng tay hết toàn bộ vỏ trấu còn dính trên bỏng nổ rồi cho vào bao ủ ấm để giữ hương thơm cho bỏng.
Trong quá trình ủ bỏng, người thợ tiến hành gọt vỏ gừng, rửa sạch, đập dập, xay nhuyễn rồi đun sôi với đường cho đến khi dung dịch sánh đặc bốc mùi thơm thì cho ra khỏi bếp và trộn lẫn với bỏng nếp.
Tiếp đến cho vào khuôn gỗ dùng vồ (chày hoặc búa chuyên dụng) nén chặt để khi cắt kết dính thành lát dùng ăn, nhưng cũng không được nén chặt quá làm cứng bánh khi ăn. Sau khi nén chặt, bánh sẽ được cho ra nia tre để sấy khô trên than củi trước khi cho vào bao để bảo quản.
Ông Mai Văn Thiều (62 tuổi) ở thôn Long Quang, xã Triệu Lăng, cho biết: "Không ai biết bánh nổ xuất hiện từ khi nào, nhưng ngay từ khi còn nhỏ chúng tôi đã thấy có bánh nổ. Trước đây bánh nổ là món ăn khoái khẩu của người dân, sáng sớm trước khi đi làm hay đêm khuya ngồi tâm tình với nhau bên ấm chè, vị chát ngọt của chè xanh cùng với vị thơm dịu nồng, cay ngọt của bánh nổ làm cho câu chuyện tâm tình của những người hàng xóm chúng tôi trở nên thân mật hơn".
Hiện nay, hầu hết những người lớn tuổi tại xã Triệu Trạch đều thừa nhận bánh nổ do cơ sở Sương Mai sản xuất đều có đủ đầy các hương vị của bánh nổ truyền thống.
Để đạt được sự tin yêu của mọi người như vậy, thầy giáo Nguyễn Hữu Sanh, giáo viên Trường Trung học cơ sở Triệu Lăng, chồng của cô Mai Thị Tuyết Sương cho biết: "Để thành lập và đưa cơ sở đi vào hoạt động, vợ tôi đã bỏ rất nhiều công sức và tâm huyết, mất cả năm trời mò mẫm tìm hiểu sách báo, tài liệu, gặp những người cao tuổi để học hỏi kinh nghiệm, các quy trình để sản xuất bánh nổ. Nhiều lúc thức trắng đêm để đọc tài liệu về bánh nổ. Không những thế, tất cả các nguyên liệu để chế biến bánh nổ đều được cơ sở hợp đồng với các nơi cung ứng có nguồn gốc, đảm bảo nông sản sạch".
Để nâng cao năng suất, chất lượng bánh nổ quê hương, vợ chồng chị Mai Thị Tuyết Sương đã mày mò, nghiên cứu ra máy nén bánh nổ bằng hệ thống thủy lực, rút ngắn thời gian nén, đẹp, đồng đều… hơn nhiều so với ép nén thủ công trước đây.
Chị Mai Thị Tuyết Sương tâm sự: "Tôi mong muốn sau này sẽ được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, được sự quan tâm của các sở, ban, ngành và hội, đoàn thể trong tỉnh tạo điều kiện chuyển giao cho tôi các tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, quảng bá sản phẩm bánh nổ ra thị trường trong và ngoài nước, qua đó xây dựng thương hiệu bánh nổ trở thành một trong những đặc sản của tỉnh Quảng Trị".