Cụ thể, UBND tỉnh Ninh Thuận dành gần ba tỷ đồng để đào tạo nghề, xây dựng cơ sở hạ tầng, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, hỗ trợ máy móc, thiết bị sản xuất, xử lý môi trường, xây dựng mô hình sản xuất gắn với du lịch.
Từ nguồn vốn chương trình khuyến công, tỉnh sẽ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật; xây dựng website làng nghề; hỗ trợ các cơ sở tham gia hội chợ để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có thêm 4 - 5 làng nghề được công nhận gồm: Thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng thôn Cầu Gãy, chế biến hải sản thôn Mỹ Tân, thủ công mỹ nghệ thôn Tập Lá và chế biến nước mắm Cà Ná.
Bên cạnh sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, các làng nghề đang đẩy mạnh cải tiến, đổi mới mẫu mã, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Các làng nghề chú trọng quảng bá thương hiệu gắn với tour du lịch làng nghề nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, duy trì và phát triển bền vững trong thời gian tới.
Đến nay, tỉnh Ninh Thuận có ba làng nghề truyền thống được công nhận gồm: Nghề gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, dệt thổ cẩm Chung Mỹ và hàng chục làng có các nghề tiểu thủ công nghiệp khác như chế biến hải sản, chế biến nước mắm, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, làm rượu nho, nho sấy, táo sấy..., tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, góp phần tích cực trong việc bảo tồn văn hóa các dân tộc. Đây là những làng nghề có lịch sử hình thành lâu đời, sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, trong đó nhiều mặt hàng đã vươn ra thị trường nước ngoài.
Mặc dù nhiều sản phẩm thủ công truyền thống đã tạo được uy tín, thương hiệu riêng, nhưng không ít làng nghề đang hoạt động cầm chừng, có chiều hướng bị thu hẹp sản xuất do nhiều nguyên nhân khách quan - thiếu vốn đầu tư sản xuất, sức cạnh tranh kém, thiếu nguồn nhân lực... Đây là thực trạng chung đang xảy ra ở các làng nghề truyền thống tại Ninh Thuận.
Ông Hàm Minh Thiệu, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ, sản xuất, kinh doanh dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp cho biết, để duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào Chăm đang nỗ lực đầu tư, cải tiến mẫu mã sản phẩm, đa dạng chủng loại, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nhưng vẫn giữ được đặc trưng văn hóa của dân tộc mình.
Tương tự, làng gốm Bàu Trúc cũng đang đẩy mạnh kết hợp yếu tố văn hóa phương Tây, văn hóa phương Đông, văn hóa Chăm để đổi mới dòng sản phẩm gốm dân dụng, phát triển dòng gốm trang trí hiện đại với các mẫu mã và hoa văn mới lạ, độc đáo, nhằm tạo sức hút từ thị trường, phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Ninh Thuận, làng nghề truyền thống không chỉ góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, mà còn giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Một số làng nghề đang tìm hướng đi riêng để tạo sức hút mạnh mẽ từ thị trường trong và ngoài nước.