Đây cũng là cái tên mang đậm dấu ấn về thời khắc lịch sử đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất, non sông thu về một mối. Sau 46 năm phát triển cùng đồng hành với đất nước, Bệnh viện Thống Nhất ngày nay đã trở thành địa chỉ tin cậy, nơi gửi gắm sức khỏe của nhân dân.
46 năm đồng hành cùng đất nước
Ngược dòng lịch sử, sau ngày miền Nam giải phóng, để bảo đảm tốt việc khám chữa bệnh cho cán bộ trung - cao cấp, Ban Thường vụ Trung ương Cục miền Nam đã ra Nghị quyết lấy Bệnh viện Vì Dân làm Bệnh viện của Trung ương Cục để điều trị cho cán bộ cao cấp, trung cấp quân sự và khối dân, chính, Đảng. Bác sỹ Nguyễn Thiện Thành - Viện trưởng Viện Quân y K71, Chủ tịch Hội đồng Bảo vệ sức khỏe của Trung ương Cục làm Viện trưởng. Chấp hành Nghị quyết của Ban Thường vụ Trung ương Cục, tháng 9/1975, bác sỹ Nguyễn Thiện Thành cùng các đồng chí cán bộ được tăng cường bắt tay vào công việc tiếp nhận cơ sở hạ tầng và xây dựng đội ngũ, củng cố tổ chức thành lập bệnh viện với tên gọi là Quân Y viện Thống Nhất. Ngày 1/11/1975, Quân Y viện Thống Nhất bắt đầu nhận những bệnh nhân đầu tiên.
Lúc mới thành lập, bệnh viện chỉ có quy mô 450 giường, chủ yếu khám và điều trị về nội và ngoại chung với nhiệm vụ chính chăm sóc sức khỏe, điều trị cho cán bộ trung và cao cấp. Sau này cùng với sự phát triển của đất nước, Bệnh viện Thống Nhất đã thực hiện tiếp nhận, điều trị cho tất cả người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Cũng chính từ đây, quy mô của bệnh viện không ngừng được mở rộng, các chuyên khoa sâu, kỹ thuật cao cũng dần dần được áp dụng để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dân. Những năm gần đây, Bệnh viện Thống Nhất đã vươn lên mạnh mẽ để trở thành một nơi áp dụng thành công các kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán và điều trị, ngang tầm với các bệnh viện chuyên khoa trong nước và khu vực.
Từ chỗ là một bệnh viện bao cấp hoàn toàn dựa vào ngân sách nhà nước, đến năm 2017, Bệnh viện Thống Nhất đã tự chủ tài chính về nguồn chi thường xuyên. Dù trải qua thời kỳ đầy khó khăn nhưng đây cũng chính là động lực để đội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện chủ động vươn lên, phát triển kỹ thuật, nâng cao tay nghề rèn luyện ý thức trách nhiệm, lấy được niềm tin của bệnh nhân. Trong những năm gần đây, bệnh viện khám và điều trị cho từ 3.000 – 4.000 bệnh nhân mỗi ngày và hơn 1 triệu lượt bệnh nhân điều trị nội trú.
Hiện, Bệnh viện Thống Nhất có 32 khoa lâm sàng, 6 khoa cận lâm sàng, 2 khoa hỗ trợ, 11 phòng chức năng với 1.200 giường bệnh. Doanh thu hàng năm của Bệnh viện Thống Nhất không ngừng được nâng lên, đạt mức trên 1.300 tỷ đồng và phấn đấu đạt 1.500 tỷ đồng trong năm 2021. Nhiều người dân coi đây là địa chỉ tin cậy gửi gắm tính mạng, sức khỏe của mình. Ông Nguyễn Văn Mạc, 75 tuổi, ngụ quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, ông đã đi nhiều bệnh viện lớn trong thành phố nhưng hiếm có bệnh viện nào có được không gian yên tĩnh, khuôn viên thoáng đãng, sạch sẽ như Bệnh viện Thống Nhất. “Không có cảnh quá tải, ngồi chờ hàng giờ mới tới lượt khám bệnh. Các y, bác sỹ thì ân cần, biết chia sẻ lắng nghe và giải thích tư vấn tận tình khi người bệnh muốn trao đổi, thắc mắc”, ông Mạc nhận xét.
Niềm tự hào mang tên “Thống Nhất”
Nhắc đến Bệnh viện Thống Nhất, nhiều người nghĩ ngay đến thế mạnh đầu tiên đó là chuyên ngành Lão khoa. Giáo sư Nguyễn Thiện Thành, Giám đốc đầu tiên của bệnh viện là người đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của chuyên ngành lão khoa – chuyên chăm sóc và điều trị cho người lớn tuổi tại Bệnh viện Thống Nhất. Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, dưới thời của Giáo sư Thành, Lão khoa đã trở thành nội dung bắt buộc mà các bác sỹ phải học nhập môn khi về công tác tại bệnh viện. Ông cũng chính là người sáng lập ra bộ môn Lão khoa đầu tiên của cả nước vào năm 1986.
Bộ môn lão khoa của Bệnh viện Thống Nhất đã trở thành một bộ môn lớn quan trọng đào tạo ra hầu hết các bác sỹ làm chuyên ngành lão khoa phía Nam. Bệnh viện Thống Nhất cũng là một Trung tâm lão khoa lớn nhất cả nước với số bệnh nhân chiếm trên 2/3 trong tổng số 1.200 bệnh nhân nội trú và hơn 3.500 bệnh nhân ngoại trú. Ngày nay Bệnh viện Thống Nhất đang ngày ngày càng hoàn thiện bộ môn này, có thể tiếp nhận và điều trị cho hầu hết các mặt bệnh về lão khoa trong mọi lĩnh vực cả nội khoa, ngoại khoa trên người lớn tuổi. Trong đó, có nhiều bệnh nhân trên 90 tuổi đã được can thiệp các kỹ thuật ngoại khoa thành công.
Một thế mạnh khác mà Bệnh viện Thống Nhất chú trọng phát triển trong những năm gần đây là chuyên khoa tim mạch. Các bác sỹ nơi đây đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại như mổ tim hở, phẫu thuật động mạch cảnh, động mạch chủ, các thủ thuật can thiệp về tim mạch, phẫu thuật nội soi lồng ngực…. Bên cạnh đó, hiện Bệnh viện Thống Nhất cũng đang áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến khác, trong đó, kỹ thuật chụp cắt lớp quang học nội mạch (OCT) và kỹ thuật vẽ bản đồ điện học trong tim (Ensite - 3D), là một trong những phương pháp lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam, giúp điều trị các bệnh lý mạch vành và loạn nhịp tim phức tạp.
Sau nhiều năm, Bệnh viện Thống Nhất đã phát triển và sở hữu đội ngũ chuyên gia hàng đầu về tim mạch có thể kể đến như Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Hồ Thượng Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện là người có tay nghề và uy tín rất cao trong lĩnh vực tim mạch can thiệp cả trong và ngoài nước cùng nhiều giáo sư, tiến sỹ chuyên ngành tim mạch khác như: Giáo sư Nguyễn Đức Công, Nguyên Giám đốc bệnh viện; Phó giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc bệnh viện; Tiến sỹ Trương Quang Khanh là chuyên gia về điện sinh lý và điều trị loạn nhịp tim…
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1987, bác sỹ Nguyễn Vĩnh Phước được phân công về Bệnh viện Thống Nhất. Hiện bác sỹ Phước là người có thâm niên gắn bó lâu nhất với Bệnh viện Thống Nhất khi đã có 34 năm công tác tại đây và trải qua 6 đời giám đốc bệnh viện. Bác sỹ Phước chia sẻ: “Tôi là một trong những người may mắn hiếm hoi được làm việc dưới thời của Giáo sư Nguyễn Thiện Thành – vị giám đốc đầu tiên của Bệnh viện Thống Nhất. Tôi vẫn nhớ như in, ngay trong ngày đầu tiên nhận việc tại bệnh viện, tôi đã được thầy Thành căn dặn rất nhiều điều. Và đây cũng chính là tiền đề cho những nỗ lực, cố gắng của tôi trong quá trình làm việc tại đây”. 34 năm gắn bó, bác sỹ Phước chứng kiến nhiều sự đổi thay, phát triển vượt bậc của bệnh viện và cũng chính tại nơi đây ông đã có nhiều kỷ niệm đẹp trong nghề, gắn liền với cả một thời tuổi trẻ sôi nổi thi đua, cống hiến. Điều khiến ông tự hào nhất trong cuộc đời là tên của mình luôn được gắn với tên Bệnh viện Thống Nhất. “Cả cuộc đời làm nghề y của tôi gắn bó với Bệnh viện Thống Nhất, chỉ cần đi đến đâu được giới thiệu mình là người của bệnh viện Thống Nhất là cả niềm tự hào”, bác sỹ Phước tâm sự.
Còn Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất lại luôn tin rằng, các thế hệ y bác sỹ ở Bệnh viện Thống Nhất luôn giữ cho mình một trái tim hồng và đôi tay ấm để Bệnh viện Thống Nhất mãi là “Thống nhất - trách nhiệm - tình người”. Và ông cũng chắc chắn rằng, những gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim. Sự tin tưởng, yêu mến của người dân ngày hôm nay chính là niềm tự hào, phần thưởng xứng đáng đối với nhiều thế hệ y bác sỹ đã dựng xây nên thương hiệu Thống Nhất.
Có lẽ không chỉ riêng bác sỹ Nguyễn Vĩnh Phước, bác sỹ Lê Đình Thanh mà bất cứ ai được trưởng thành, công tác tại Bệnh viện Thống Nhất cũng đều tự hào về ngôi nhà chung mang tên Thống Nhất – cái tên không chỉ gắn với thời khắc lịch sử hào hùng khi đất nước hòa bình, thống nhất, non sông liền một dải 46 năm trước, mà còn là cái tên dung dị nhưng được nhiều người dân yêu mến ngày hôm nay.