Có nên xây thêm 20 km hàng rào điện bảo vệ đàn voi rừng ở Đồng Nai

Chiều 26/1, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội nghị "Đánh giá giữa kỳ dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2014 – 2020" nhằm lấy ý kiến góp ý của các nhà khoa học, người dân trực tiếp sinh sống trong vùng thường xuyên có voi xuất hiện để hoàn thiện dự án trong những giai đoạn tiếp theo.

Hàng rào điện có chiều dài 50km nhằm ngăn voi rừng vào phá nương rẫy của người dân. Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN

Theo đó, dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đồng Nai được UBND tỉnh phê duyệt với mục tiêu bảo tồn, phát triển bền vững quần thể voi hoang dã; khôi phục, bảo vệ nguồn gen động vật, thực vật quý hiếm và đa dạng sinh học trong vùng sinh cảnh của voi; ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả xung đột giữa voi và người; tăng cường hợp tác thực thi pháp luật, kiểm soát các hoạt động buôn bán vận chuyển trái phép ngà và dẫn xuất của voi góp phần bảo tồn các quần thể voi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai cho biết, qua điều tra đã xác định được đàn voi có 16 cá thể thuộc 1 đàn, chia thành 2 nhóm; phân bố khá rộng, di chuyển khoảng 20 – 30 km/ngày trong diện tích hơn 42.600 ha thuộc của Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn Thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai và Lâm trường La Ngà.

Việc xây dựng hàng rào điện ngăn cách môi trường sống của voi với khu dân cư là một trong những nội dung quan trọng của dự án. Hiện nay hàng rào đã được xây dựng với chiều dài 50 km, cao 2,2 m, cố định bằng các cọc bê tông và căng hệ thống lưới điện với điện thế từ 4,5 - 14 kV bằng nguồn điện từ năng lượng mặt trời.

Hàng rào này có tác dụng ngăn voi không đi vào khu vực sinh sống và canh tác của người dân nhưng không gây nguy hiểm với người và voi. Từ khi đưa vào sử dụng, việc voi xuất hiện tấn công, phá hoại hoa màu của người dân đã giảm rõ rệt.

Tuy nhiên khi tuyến hàng rào điện đi vào hoạt động, vì không thể đi qua được hàng rào, voi lại tiếp tục đi men theo phía trong hàng rào, đến cuối hàng rào (nơi còn khoảng 20 km chưa được xây dựng hàng rào điện tử) tiếp tục ra phá hoại hoa màu và gây xung đột với người dân.

Theo già làng Nguyễn Thị Út Lan (ấp 5 xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, Đồng Nai) từ khi hàng rào điện hoạt động, ở những nơi có hàng rào người dân đã không còn bị quấy phá. Nhưng từ tổ 5 đến tổ 7 thuộc ấp 5 xã Thanh Sơn hiện chưa có hàng rào, voi liên tục vào phá hoại rau màu.

Thời gian đầu voi thường tập trung rất đông, nhưng do bị người dân xua đuổi nhiều nên đã tách đàn và đi vào nhiều thời điểm khác nhau trong ngày. Có nhiều người dân biết cách đuổi voi, dùng đèn pha và âm thanh thì voi bỏ đi, nhưng có những người không biết cách đuổi, manh động sẽ gây ra xung đột với voi, phá hoại mùa màng. Do vậy người dân kiến nghị tỉnh Đồng Nai sớm hoàn thành nốt 20 km đường điện còn lại để ổn định cuộc sống người dân nơi đây.

Chủ tịch Hội động vật rừng Việt Nam, ông Đặng Huy Huỳnh cho biết, voi được xem là nét đặc sắc trong văn hóa của Việt Nam. Qua giai đoạn đầu của dự án, tình trạng xung đột giữa người và voi đã giảm rõ rệt, đây là tín hiệu đáng mừng trong công tác bảo tồn voi và là thành công của dự án. Việc tiếp tục hoàn thành 20 km hàng rào điện bảo vệ voi là việc làm cấp thiết giúp nâng cao nhận thức của người dân, đảm bảo người dân có thể sống chung, hòa thuận và bảo vệ voi.

Theo ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng, Tổng Cục Lâm nghiệp Việt Nam, thực hiện hiệu quả dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2014 – 2020 nhưng phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa bảo tồn voi và phát triển sinh kế của người dân, để người dân có thể chung sống hài hòa với đàn voi, tránh trường hợp bảo vệ được voi nhưng người dân lại không dám đến gần để sản xuất.

Cùng đó, ông Cao Chí Công cũng đề nghị, từ nay đến năm 2020, tỉnh Đồng Nai phải vận hành, sử dụng hiệu quả, bảo trì đường điện đã xây dựng; xem xét, đánh giá cụ thể và có lộ trình xây dựng tiếp 20 km hàng rào điện tử bảo vệ voi.

Sáng cùng ngày, đoàn gồm các nhà khoa học, chuyên gia đã có buổi khảo sát tình hình thực hiện một số hạng mục của dự án tại Trạm Kiểm lâm Suối Kốp (Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai).

Lê Xuân (TTXVN)
Đồng Nai: Đàn voi rừng phá hoại hoa màu, thiệt hại hàng trăm triệu đồng
Đồng Nai: Đàn voi rừng phá hoại hoa màu, thiệt hại hàng trăm triệu đồng

Liên tiếp trong nhiều ngày gần đây, đàn voi rừng khoảng 10 cá thể thường xuyên kéo về rẫy của người dân xã Thanh Sơn, huyện Định Quán (Đồng Nai) phá hoa màu, cây ăn trái gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN