Theo bà Đào Hồng Lan, đây mới chỉ là một phương án khi đưa ra lấy ý kiến của các bộ ngành, người dân. Dự thảo này chưa phải là phương án cuối cùng của Bộ LĐTBXH. Bộ LĐTBXH là bộ quản lý nhà nước về trẻ em và bình đẳng giới nên trước khi trình dự thảo Luật Lao động sẽ phải tham khảo ý kiến đầy đủ các bên để đảm bảo tính công bằng nhân văn.
Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ LĐTBXH) cho biết: Khi lấy ý kiến các doanh nghiệp về dự thảo Luật Lao động sửa đổi, các doanh nghiệp kiến nghị nên bỏ quy định "Lao động nữ trong kỳ kinh nguyệt được nghỉ mỗi ngày 30 phút, nuôi con dưới một tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động".
Lý do các doanh nghiệp đưa ra là quy định trên gây khó khăn khi bố trí nhân lực vào dây chuyền sản xuất gặp khó khăn, chi phí sản xuất tăng cao. Các doanh nghiệp phản ánh quy định trên không phù hợp thực tế.
“Do các doanh nghiệp có ý kiến bằng văn bản nên khi đăng dự thảo lấy ý kiến, Ban soạn thảo đăng đầy đủ ý kiến trên để không gây thắc mắc. Tuy nhiên, khi trình dự thảo Luật Lao động sửa đổi, vấn đề trên sẽ được cân nhắc trên cơ sở tổng hợp ý kiến các bộ ngành, hiệp hội, người lao động”, ông Hà Đình Bốn cho biết.
Theo khảo sát của Bộ LĐTBXH, Việt Nam là nước thực hiện tốt về quyền lợi của phụ nữ như chế độ nghỉ thai sản 6 tháng cho lao động nữ ở mức cao so với khu vực. Với vai trò tổ trưởng tổ biên tập dự án Luật, ông Hà Đình Bốn cho rằng nên giữ như hiện nay bởi đây là quy định nhân văn, lao động nữ còn làm vợ, làm mẹ, chăm sóc gia đình.
Theo Nghị định 85, chủ doanh nghiệp không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa nếu người đó mang thai 7 tháng, hoặc từ 6 tháng trở lên mà làm việc ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Người chủ không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng với lao động nữ khi họ kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Dự kiến, tháng 3/2017, Chính phủ sẽ trình cơ quan thẩm tra Quốc hội và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tháng 4 trình Quốc hội dự án luật Lao động sửa đổi.