Có thể xét công nhận liệt sĩ cho hai hiệp sĩ tử nạn

Chiều ngày 15/5, trao đổi phóng viên, ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết: Nếu có đầy đủ hồ sơ và theo đúng quy định của luật pháp thì có thể xem xét công nhận liệt sĩ cho hai hiệp sĩ tử nạn ở TP Hồ Chí Minh.

Hai ngày qua, hai hiệp sĩ Nguyễn Hoàng Nam (sinh năm 1989, ở Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) và anh Nguyễn Văn Thôi (sinh năm 1976, quê Phù Mỹ, Bình Định) tử nạn khi đang truy bắt một nhóm đối tượng trộm xe máy SH tại TP Hồ Chí Minh được dư luận đặc biệt quan tâm. Nhiều người đặt câu hỏi liệu hai hiệp sĩ này có được công nhận liệt sĩ?

Ngoài hai hiệp sĩ bị tử nạn còn có ba hiệp sĩ bị thương là các anh: Trần Văn Hoàng (47 tuổi, ở quận Tân Bình), anh Nguyễn Đức Huy (22 tuổi, ở quận Tân Phú) và anh Đinh Phú Quý (22 tuổi, ở huyện Củ Chi).

Hiện trường vụ cướp kinh hoàng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN


Bày tỏ quan điểm cá nhân, ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng Cục Người có công cho biết: “Tôi rất chia sẻ, ủng hộ hành động nghĩa hiệp này. Vì không phải bỗng dưng người dân gọi họ là hiệp sĩ. Giữa đường bất bình nên có hành động phù hợp với công lý, nhất là, nước ta có phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm. Đây là những hành động điển hình có ý nghĩa tích cực đảm bảo sự bình yên cho xã hội ngày càng cao hơn”.


“Xét về chế độ, Quốc hội đã đặt ra trường hợp người dũng cảm cứu người bị thương và tử nạn được xem xét công nhận thương binh, liệt sĩ. Đây là những trường hợp đấu tranh chống tội phạm, nếu hồ sơ đầy đủ, đủ căn cứ pháp lý thì sẽ được xác nhận là liệt sĩ và giải quyết chế độ thương binh”, ông Nguyễn Duy Kiên nói.


Theo ông Kiên, quy trình để hoàn thiện hồ sơ đối với hai trường hợp này là cơ quan có thẩm quyền nơi xảy ra vụ việc phải có biên bản ghi nhận, cơ quan chuyên môn y tế cấp giấy chứng nhận bị thương, sau đó TP Hồ Chí Minh trình Chính phủ thông qua Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thẩm định để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cấp bằng liệt sĩ. Nếu xét để công nhận liệt sĩ cho trường hợp tương tự thì đã có và cũng ở TP Hồ Chí Minh.


Thực tế, Pháp lệnh Người có công quy định cụ thể và được hướng dẫn tại Nghị định số 31/2013 của Chính phủ và những hướng dẫn thực hiện cho người hy sinh, bị thương trong thời bình. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ghi nhận những trường hợp là liệt sĩ chiến đấu, tôn vinh các cá nhân dũng cảm cứu người trong phòng cháy chữa cháy, hoặc những người gặp nạn khi đang làm nhiệm vụ ở vùng đặc biệt khó khăn; Ghi nhận trường hợp cứu người bảo vệ tài sản, huấn luyện diễn tập có tính nguy hiểm cao, đấu tranh chống tội phạm… Tuy nhiên đối với người dân thì chưa nhiều.


“Tuy nhiên, để được công nhận là liệt sĩ cần có hành lang pháp lý bảo vệ với người dân muốn trấn át tội phạm nhằm khuyến khích người dân đảm bảo an ninh trật tự trong xã hội”, ông Nguyễn Duy Kiên khẳng định.


Sự việc 2 hiệp sĩ tử nạn và 3 người bị thương đang được công an Quận 3 TP Hồ Chí Minh điều tra. Trong khi đó, một số nơi đã tạo nhịp cầu nhân ái nhằm có hỗ trợ trực tiếp tới gia đình các hiệp sĩ tử nạn và bị thương.

HA (Báo Tin Tức )
Bắt giữ hai nghi can liên quan vụ án đâm tử vong hai 'hiệp sĩ' đường phố
Bắt giữ hai nghi can liên quan vụ án đâm tử vong hai 'hiệp sĩ' đường phố

Ngày 15/5, Công an TP Hồ Chí Minh đã thông tin chính thức về kết quả điều tra, truy xét nhóm tội phạm đâm tử vong hai “hiệp sĩ” đường phố, làm 3 người trọng thương xảy ra tối 13/5. Theo đó, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Thành phố phối hợp với Công an Quận 3 đã bắt giữ hai nghi can.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN