Công bố 10 sự kiện môi trường nổi bật trong năm 2017

Ngày 27/12, Tin Môi Trường và các nhà báo chuyên viết về lĩnh vực môi trường trong nước đã bình chọn 10 sự kiện môi trường nổi bật trong nước của năm 2017. Đây là những sự kiện có ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng, xã hội và sự phát triển của ngành môi trường trong nước.

Theo đó, 10 sự kiện môi trường nổi bật 2017 là:


1. Bắt được ếch xanh quý trên dãy Trường Sơn


Sáng ngày 17/2, ông Phạm Bình, trú tại thôn Lâm Trung, xã Sơn Lâm (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) đã bắt được 1 con ếch xanh quý hiếm ở khu rừng xứ Sắn Đường, nằm trong dãy Trường Sơn.

Loài ếch xanh khá quý hiếm được tìm thấy ở dãy Trường Sơn. Ảnh: BTC

Theo tài liệu khoa học, ếch xanh có tên khoa học là Rhacophorus maximus, trước đây chỉ ghi nhận ở Nepal, Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan. Mãi đến năm 2008, các nhà khoa học Việt Nam mới ghi nhận sự có mặt của loài này ở vùng núi Yên Tử. Đặc điểm của loài ếch này là dựa vào màu da mình để tự vệ trước kẻ săn mồi. Các lớp tế bào sắc tố trên lớp da ếch có thể thay đổi màu, từ xanh lá tươi sang nâu sẫm.


2. “Tâm thư” gửi đến Thủ tướng xin giữ rừng Sơn Trà - Đà Nẵng


Ngày 21/3, Hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành để đề nghị xem xét lại quy hoạch tổng thế phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà. Trong văn bản, Hiệp hội du lịch Đà Nẵng nhấn mạnh cần phải giữ nguyên hiện trạng ở bán đảo Sơn Trà và không xây thêm các cơ sở lưu trú. 

Hiệp hội du lịch Đà Nẵng nhấn mạnh cần phải giữ nguyên hiện trạng ở bán đảo Sơn Trà. Ảnh: BTC

Đã có hơn 10.000 người ký tên đồng tình với kiến nghị của Hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng. Ngày 6/12, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà.


3. TP Hồ Chí Minh chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ về bãi rác Đa Phước


Tại hội nghị tổng kết, đánh giá về tình hình kinh tế - văn hoá - xã hội và quốc phòng - an ninh diễn ra ngày 29/5, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết vụ ô nhiễm môi trường xảy ra tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước dù xảy ra khá lâu những vẫn luôn được dư luận quan tâm và vụ việc đã được Thanh tra Chính phủ vào cuộc và hiện đang ở giai đoạn cuối của quá trình thanh tra.

Khi đi vào hoạt động bãi rác Đa Phước đã gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: BTC

Được biết, dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước của VWS có diện tích 128 ha, tổng vốn đầu tư hơn 107 triệu USD. Trong quá trình hoạt động, bãi rác này đã gây ra mùi hôi thối cho cả khu Nam Sài Gòn trong thời gian dài. Không chịu nổi với cảnh môi trường bị ô nhiễm, người dân đã khiếu nại "cầu cứu" UBND TP Hồ Chí Minh có biện pháp can thiệp để trả lại môi trường sống trong lành.


Vụ việc cũng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo UBND TP Hồ Chí Minh làm rõ. Ngay sau đó, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước với nhiều nội dung như: gây ô nhiễm môi trường, giá xử lý rác cao làm thiệt hại ngân sách...


4. Dự án nhấn chìm 1 triệu m3 bùn xuống biển Bình Thuận 


Ngày 23/6, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã cấp Giấy phép số 1517/GP-BTNMT cho phép Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 được nhận chìm vật liệu nạo vét từ vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Theo đó, vật, chất được phép nhận chìm có khối lượng là 918.533 m3 các loại cát, đá, sò.

Các đơn vị đã thống nhất không nhận chìm 1 triệu m3 bùn cát nạo vét của Công ty THHH Điện lực Vĩnh Tân 1 xuống vùng biển Tuy Phong, Bình Thuận. Ảnh: BTC

Thông tin trên đã khiến dư luận phản ánh mạnh mẽ, ngày 24/7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo xem xét đánh giá toàn diện tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường trong việc nhận chìm vật chất nạo vét trên.


Ngày 9/8, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cùng lãnh đạo các cơ quan liên quan có văn bản thỏa thuận, thống nhất không nhận chìm 1 triệu m3 bùn cát nạo vét của Công ty THHH Điện lực Vĩnh Tân 1 xuống vùng biển Tuy Phong, Bình Thuận.


5. Người Việt Nam đầu tiên được vinh danh Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN


Ngày 16/8, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam tổ chức lễ chào mừng Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khi ông được vinh danh Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN.

Người Việt Nam đầu tiên được vinh danh Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN. Ảnh: BTC

Với kinh nghiệm hơn 60 năm hoạt động nghiên cứu về sinh học và trên cương vị Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam, Giáo sư Đặng Huy Huỳnh đã có nhiều đóng góp tích cực và thiết thực cho bảo tồn đa dạng sinh học của quốc gia và các nước trong khu vực. 


Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên và là một trong số 10 nhân vật điển hình của các nước trong khu vực được nhận danh hiệu cao quý này đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN.


6. Kỷ luật 4 nguyên lãnh đạo vi phạm liên quan vụ Formosa


Ngày 16/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng ký một loạt quyết định kỷ luật cán bộ vi phạm liên quan đến dự án Formosa Hà Tĩnh gây ra sự cố môi trường rất nghiêm trọng tại 4 tỉnh miền Trung năm 2016.

4 nguyên lãnh đạo vi phạm liên quan vụ Formosa bị kỉ luật. Ảnh: BTC

Các quyết định bao gồm: Quyết định 1199/QĐ-TTg, Thủ tướng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Minh Quang - nguyên bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2011-2016; Quyết định 1201/QĐ-TTg, Quyết định 1202/QĐ-TTg, Thủ tướng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2011 - 2015 đối với các ông Nguyễn Thái Lai và Bùi Cách Tuyến; Quyết định 1200/QĐ-TTg, Thủ tướng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2005 - 2010 và nguyên chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2010 - 2015 đối với ông Võ Kim Cự.


7. Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường trực tiếp thị sát, đồng ý cho Lee & Man hoạt động


Ngày 19/10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng các nhà khoa học, lãnh đạo nhiều địa phương đến kiểm tra quá trình vận hành xử lý nước thải của Nhà máy Lee & Man Hậu Giang. Qua đó Bộ trường Hà đồng ý cho phép Nhà máy Lee & Man hoạt động chính thức sau một tuần sau khi vận hành thử nghiệm và xem xét kiểm tra các vấn đề về môi trường.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường trực tiếp thị sát, đồng ý cho Lee & Man hoạt động. Ảnh: BTC

Dự án nhà máy giấy của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hồng Kong) được xây dựng trong cụm công nghiệp tập trung ở tỉnh Hậu Giang và có tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD. Nhà máy này được xem là có quy mô lớn nhất Việt Nam và nằm trong số 5 nhà máy giấy lớn nhất thế giới.


8. Công trình “Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn”


Tối 16/11, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cùng các cộng sự được vinh danh tại lễ trao giải Nhân tài Đất Việt 2017 với công trình“Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn”. Đây là lần đầu tiên giải thưởng Nhân tài Đất Việt có đề tài được trao giải nhất trong lĩnh vực môi trường.

Công trình “Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn” do Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh chủ biên được vinh danh tại lễ trao giải Nhân tài Đất Việt. Ảnh: BTC

Công trình này là cuốn sách dày khoảng 300 trang, nó không chỉ giúp người đọc về hiểu biết về địa lý sinh học dãy Trường Sơn, các hệ sinh thái đặc thù và nắm bắt được những thông tin mới nhất về các nguồn gen đặc thù; chỉ ra những tác động của con người, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, của sinh vật ngoại lai…đến đa dạng sinh học dãy Trường Sơn.


9. Quy định ghi tên thành viên gia đình trong sổ đỏ 


Tại cuộc họp báo chiều 1/12, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho hay, do quy định ghi tên thành viên gia đình vào sổ đỏ (Khoản 5, Điều 6 Thông tư 33) còn có cách hiểu khác nhau nên Bộ đã quyết định chưa thực hiện quy định trên vào ngày 5/12 như dự kiến.

Quy định ghi tên thành viên gia đình trong sổ đỏ của Bộ TN&MT khiến người dân lo ngại. Ảnh: BTC

Cũng trong ngày 1/12, trả lời thắc mắc của cử tri TP Hồ Chí Minh xung quanh Thông tư 33, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết ông đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên môi trường phải có hướng dẫn thêm về việc thực hiện. “Ai sở hữu đất đó thì ghi tên, chứ ghi tên cả gia đình vào vào làm gì?”, Chủ tịch nước nêu vấn đề.


Trước những ý kiến trái chiều, Bộ này cho biết, thông tư 33/2017 có lỗi diễn đạt gây khó hiểu cho người dân. Câu chữ trong thông tư mang tính kỹ thuật, người trong ngành đọc sẽ hiểu nhanh, song người dân thì khó hiểu, Bộ sẽ rút kinh nghiệm.


10. 5 người chết, 60.000 tỷ đồng mất trắng do thiên tai năm 2017


Theo số liệu tổng hợp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2017, thiên tai đã làm 5 người chết và mất tích, 654 người bị thương; 8.126 nhà bị đổ, sập, trôi; 561.696 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái... Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 59.300 tỷ đồng.

Hàng ngàn người chết và mất tích do lũ lụt trong năm 2017. Ảnh: BTC 

Trong 10 năm gần đây, mỗi năm thiên tai làm trên 300 người chết và mất tích; thiệt hại kinh tế trung bình khoảng trên 17.000 tỷ đồng (tương đương 876 triệu USD) và có xu thế ngày càng gia tăng, năm 2013 là 28.000 tỷ đồng; năm 2016 là 40.000 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2017, thiên tai đã làm 5 người chết và mất tích, 654 người bị thương; tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 59.300 tỷ đồng.


Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Khởi tố, tạm giam trung úy cảnh sát môi trường nhận hối lộ 50 triệu đồng
Khởi tố, tạm giam trung úy cảnh sát môi trường nhận hối lộ 50 triệu đồng

Ngày 23/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Đồng Nai cho biết đã thực hiện quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Trung úy Lê Văn Thái (cán bộ Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) để điều tra về hành vi nhận hối lộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN