Công đoàn đồng hành cùng người lao động vượt qua đại dịch COVID-19

Sau 3 tháng chống lại sự  lây lan của dịch bệnh, các cấp công đoàn Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực với mục tiêu bảo vệ sức khỏe cho người lao động trên cả nước. Dù kết quả bước đầu đang rất khả quan nhưng nguy cơ vẫn còn lớn, Công đoàn luôn xác định sẽ tiếp tục đồng hành cùng người lao động vượt qua đại dịch.

Thể hiện trách nhiệm với người lao động

Theo thống kê, cả nước hiện có gần 300 khu công nghiệp lớn nhỏ với hàng triệu công nhân lao động đang làm việc tập trung. Đây được coi là một trong những môi trường có nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Việc triển khai các biện pháp phòng ngừa cũng như mua sắm vật tư bảo hộ cũng là  một trong những khó khăn mà doanh nghiệp và người lao động phải đối mặt.

Chú thích ảnh
Tổ chức Công đoàn Hà Nội tặng quà cho công nhân lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN

Với vai trò là người bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động, ngay từ khi dịch xuất hiện tại Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo các cấp Công đoàn thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về việc phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra. Công đoàn cũng tăng cường rà soát thông tin trên mạng xã hội liên quan đến tình hình dịch bệnh trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp, lao động là người nước ngoài để tổng hợp báo cáo, đánh giá hàng ngày, hàng tuần. Các cấp Công đoàn thường xuyên nắm bắt thông tin, tổ chức tuyên truyền đến từng cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động hiểu, nhận thức đầy đủ nguy cơ và cách phòng ngừa dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế; tỉnh táo, không để đối tượng xấu lợi dụng lôi kéo nghỉ việc, kích động đình công.

Trước mong muốn của người lao động về các biện pháp đảm bảo sự an toàn tại nơi làm việc, các cấp Công đoàn đã đề xuất, thương lượng với người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí mua khẩu trang, nước rửa tay cho người lao động. Nếu doanh nghiệp sử dụng lao động không có kinh phí hỗ trợ hoặc chỉ hỗ trợ một phần để kinh phí mua khẩu trang, nước rửa tay cho người lao động thì Công đoàn cơ sở cân đối nguồn tài chính hiện có để làm việc này. Cho đến nay, hàng triệu chiếc khẩu trang và chai nước rửa tay đã được cung cấp cho người lao động bằng kinh phí hỗ trợ của tổ chức Công đoàn.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định, bảo vệ người lao động là trách nhiệm của tổ chức Công đoàn. Với mục tiêu không để người lao động mắc COVID-19, Công đoàn các cấp sẽ thường xuyên đồng hành cùng công nhân, người lao động trong mọi hoàn cảnh, từ môi trường làm việc đến điều kiện sinh hoạt. Bên cạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn người lao động thực hiện nghiêm hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh COVID-19, Công đoàn cơ sở còn đề xuất các giải pháp hỗ trợ người lao động quản lý con trong thời gian học sinh nghỉ học; xem xét, đề xuất giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, chế độ nghỉ phép năm, trợ cấp ốm đau, hỗ trợ khó khăn… để đảm bảo thu nhập của người lao động.

Cùng với đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cho phép các công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh đến ngày 30/6/2022 (doanh nghiệp có trên 50% lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải tạm thời nghỉ việc). Nếu sau thời điểm này, dịch COVID-19 vẫn chưa thuyên giảm và doanh nghiệp còn tiếp tục khó khăn thì thời gian được lùi đến 31/12/2020.

Chung tay vì người lao động

Chú thích ảnh
Đại diện Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh An Giang tặng dung dịch nước rửa tay khô và khẩu trang y tế cho phòng dịch COVID0-19 cho các doanh nghiệp đóng tại Khu công nghiệp Bình Hòa, huyện Châu Thành. Ảnh: Công Mạo/TTXVN

Trước tình hình dịch bệnh, những doanh nghiệp nhỏ không đủ lực trụ vững đã phải giải thể, ngừng hoạt động, khiến một bộ phận người lao động mất việc làm. Nhiều doanh nghiệp chưa xuất được hàng hóa, không đủ lực để nuôi công nhân vì khối lượng công việc ngày càng ít đi nên buộc phải giảm giờ làm, nhưng vẫn trả lương ở mức tối thiểu cho người lao động. Đây được coi là giải pháp nhân văn nhưng cũng ảnh hưởng phần nào đến cuộc sống của nhiều lao động khi điều kiện sống còn nhiều khó khăn. Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã gửi thư kêu gọi toàn dân chung tay ủng hộ tinh thần và vật chất giúp cho người lao động bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 ổn định cuộc sống, vững vàng vượt qua đại dịch.

Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Đinh Quốc Toản cho biết, nhiều doanh nghiệp đã cho công nhân lao động nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, tạm hoãn và chấm dứt hợp đồng lao động khiến thu nhập hàng tháng của người lao động bị sụt giảm đáng kể. Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã có văn bản đề nghị chính quyền các xã, thị trấn nơi có khu công nghiệp và chế xuất đóng trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm soát dịch COVID-19 tại các khu vực nhà trọ tập trung đông người lao động thuê trọ. Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cũng có thư kêu gọi, trực tiếp đến vận động các chủ nhà trọ đồng hành cùng đất nước, thành phố Hà Nội và tổ chức Công đoàn hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn trong thời điểm này bằng cách giảm tiền thuê trọ cho người lao động.

Hưởng ứng lời kêu gọi, vận động, nhiều chủ nhà trọ đã đồng ý giảm giá 20 % đến 30% trong 3 tháng 4, 5, 6 nhằm san sẻ khó khăn, giúp người lao động ổn định cuộc sống. Nhiều chủ nhà còn luôn tuyên truyền cho công nhân thuê trọ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của y tế, thường xuyên vệ sinh, khử trùng khu nhà ở, không cho người lao động tụ tập mà nhà nào ở nhà ấy.

Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Đinh Quốc Toản chia sẻ: Hiện tại, trong các khu công nghiệp và chế xuất trên địa bàn thành phố có khoảng 160.000 lao động đang làm việc. Nếu dịch bệnh lây lan vào khu vực này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như đời sống, việc làm của người lao động. Vì vậy, Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, đảm bảo sức khỏe, đời sống, việc làm cho người lao động và ổn định tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo đó, Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã ban hành 6 văn bản chỉ đạo các Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động trong việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19; triển khai các biện pháp để đảm bảo sức khỏe, đời sống, việc làm cho người lao động. Đồng thời, các Công đoàn cơ sở phối hợp với các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức phát hàng trăm nghìn khẩu trang, cũng như nước rửa tay cho công nhân.

Thực tế cho thấy, các cấp Công đoàn trên cả nước đã chủ động phối hợp với người sử dụng lao động trong việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thông qua việc tuyên truyền, trang bị khẩu trang, nước rửa tay và đo thân nhiệt cho người lao động khi đến công ty làm việc.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng Nguyễn Duy Minh cho biết, đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực cùng với doanh nghiệp tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh việc phát khẩu trang, Công đoàn còn in ấn, cấp phát hàng nghìn áp phích, tờ rơi tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh.

Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng cũng phối hợp với Hội Thầy thuốc trẻ thành phố phun thuốc khử trùng hơn 3.000 phòng trọ và phát miễn phí 3.000 bình rửa tay diệt khuẩn cho người lao động; rà soát và trao quà cho các gia đình công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các khóa học nhằm nâng cao kiến thức và nghiệp vụ phòng, chống dịch bệnh cho người lao động trên địa bàn.

Đỗ Bình (TTXVN)
Tổ chức công đoàn Thủ đô hỗ trợ hơn 50.000 công nhân lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19
Tổ chức công đoàn Thủ đô hỗ trợ hơn 50.000 công nhân lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động nên ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, việc làm và thu nhập của người lao động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN