Chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động
Trải qua gần một thế kỷ, giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt đi đầu cùng với nhân dân cả nước viết nên trang sử vẻ vang, truyền thống hào hùng của dân tộc, xứng đáng là giai cấp tiên phong, lãnh đạo trong mỗi thời kỳ cách mạng. Trong thời kỳ đổi mới, tổ chức Công đoàn không ngừng lớn mạnh, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của mình trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động.
Đại dịch COVID-19 diễn ra trong hai năm qua đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam, khiến người lao động gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Cùng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, tổ chức công đoàn đã thể hiện tốt vai trò của mình trong việc chăm lo, đồng hành cùng người lao động vượt khó với phương châm "ở đâu có lao động, ở đó có công đoàn.". Với sự vào cuộc của tổ chức công đoàn, nhiều vấn đề bất cập trong quan hệ lao động đã được giải quyết.
Một trong những ví dụ trong việc phát huy vai trò của tổ chức công đoàn là sự việc Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex nợ lương từ tháng 1/2017 và nợ bảo hiểm xã hội từ tháng 7/2011 của toàn bộ gần 500 công nhân. Tính đến trước tháng 3/2023, số tiền công ty này nợ bảo hiểm xã hội của người lao động là hơn 15 tỷ đồng. Ròng rã 6 năm, người lao động đi tìm gặp các lãnh đạo công ty qua các thời kỳ trước và sau khi cổ phần hóa nhưng câu trả lời mà người lao động nhận được là: “Doanh nghiệp khó khăn, chưa có tiền chi trả cho người lao động”.
Sau khi dư luận lên tiếng, với sự vào cuộc tích cực của tổ chức Công đoàn, các cơ quan chức năng và báo chí, đến thời điểm hiện tại, Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex đã trả hết số tiền hơn 15 tỷ đồng nợ đọng bảo hiểm xã hội của người lao động.
Đó chỉ là một trong số ít những doanh nghiệp vi phạm luật lao động, trong thời điểm khó khăn chung, đa số các doanh nghiệp trên cả nước đều cùng với tổ chức công đoàn luôn xác định người lao động là tài sản quý giá của doanh nghiệp. Nhiều lãnh đạo các đơn vị sản xuất kinh doanh cho rằng, để có được chất lượng sản phẩm tốt, cần phải duy trì đội ngũ lao động lành nghề, đó cũng là một trong nhiều lý do mà nhiều công ty luôn đặt quyền lợi của công nhân lên hàng đầu.
Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện tử Meiko Việt Nam Phan Thanh Hải cho biết, nhằm đảm bảo quyền lợi và nâng cao chế độ phúc lợi cho đoàn viên, người lao động, nhiều năm qua, Ban Chấp hành Công đoàn đã tham gia thương lượng, ký kết, bổ sung nhiều điều khoản cao hơn luật, có lợi cho người lao động vào Thỏa ước lao động tập thể như người lao động được thưởng chuyên cần theo tháng, quý, nửa năm, 9 tháng, cả năm; được nghỉ 5 ngày đặc biệt ngoài các ngày nghỉ lễ, Tết; được đi du lịch hằng năm; hàng tuần có thêm 1-2 bữa ăn ca được cải thiện; đối với lao động nữ nuôi con bằng sữa mẹ thì được đi vắt sữa mỗi lần 30 phút, ca 2 lần; phụ nữ có thai được làm việc trong tư thế ngồi ghế có tựa lưng…
Giữ niềm tin, tăng sự gắn kết
Ban Chấp hành Công đoàn đã chủ động, tích cực vận động và tổ chức cho cán bộ, đoàn viên, người lao động tham gia đóng góp bổ sung vào nội quy lao động của nhà máy; chủ động thông tin cho người lao động biết những điểm mới của Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội và các chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến việc làm, quyền và lợi ích của người lao động, từ đó góp phần hạn chế tranh chấp lao động và ngừng việc tập thể...
Tại nhiều diễn đàn, hội thảo nhằm nâng cao vai trò, chất lượng của tổ chức công đoàn, các ý kiến của nhiều cán bộ tâm huyết, kinh nghiệm đều cho rằng, bên cạnh việc khẳng định uy tín với chủ doanh nghiệp, cũng cần tạo niềm tin với người lao động, để họ gắn bó với tổ chức công đoàn.
Với lợi thế là tổ chức chính trị - xã hội duy nhất đại diện cho người lao động, có bề dày hơn 90 năm xây dựng và phát triển, Công đoàn Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong việc đàm phán, đấu tranh với giới chủ để đảm bảo quyền, lợi ích, hợp pháp của người lao động, hướng tới quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Trong bối cảnh mới, với sự gia tăng đầu tư từ nước ngoài, quan hệ lao động trong doanh nghiệp sẽ phức tạp hơn, có sự phân hóa ngay trong đội ngũ công nhân lao động; người lao động sẽ có sự lựa chọn tổ chức đại diện cho mình.
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, với bản lĩnh chính trị của mình, Công đoàn Việt Nam sẽ điều chỉnh phương pháp hoạt động, đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy để thích nghi với điều kiện mới, qua đó có cơ hội để tiếp tục thu hút người lao động vào tổ chức của mình, kể cả phải “cạnh tranh” với các thiết chế đại diện khác.
Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Trách nhiệm hữu hạn An Giang Samho Võ Thanh Nhã cho rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất của cán bộ Công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp vẫn là hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn được giao và tạo niềm tin cho nguời lao động. Trong khi hiện nay, hoạt động của Công đoàn cơ sở rất nhiều, để có thể tổ chức hoạt động thiết thực, hiệu quả, anh Nhã cho rằng cần đề ra phương pháp thực hiện nhiệm vụ của Công đoàn cơ sở ngắn gọn, dễ hiểu, dễ làm, chú trọng thực hiện nhiệm vụ cốt lõi liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải khẳng định, niềm tin chính là cơ sở thiết yếu để người lao động gắn bó bền chặt, lâu dài; đồng thời tích cực tham gia hoạt động công đoàn, tự nguyện trao quyền đại diện cho tổ chức công đoàn. Cán bộ phải nhận thức đầy đủ, đúng mức để người lao động đặt trọn niềm tin và coi tổ chức Công đoàn là chỗ dựa vững chắc cho họ.